Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận Triều Tiên vừa qua đã tiến hành thử nghiệm thành công lần đầu tiên một tên lửa siêu thanh mới phát triển Hwasong-8. Theo KCNA, việc phát triển Hwasong-8 “có tầm quan trọng chiến lược” trong tăng cường năng lực phòng thủ của Triều Tiên. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng thông báo đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh có tốc độ hơn Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Lầu Năm Góc khẳng định vụ thử nghiệm sẽ đưa quân đội Mỹ tiến thêm một bước đến “năng lực vũ khí thế hệ tiếp theo”.
Các tên lửa siêu thanh được cho là “một thế hệ mới những tên lửa bay cực nhanh và có khả năng cơ động vượt trội”, có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Đối phó với các tên lửa siêu thanh được ví như chẳng khác nào đang cố gắng “bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng”. Theo Reuters, đây là loại vũ khí thuộc thế hệ tiếp theo được phát triển với mục đích “tước đoạt thời gian phản ứng cũng như các cơ chế đánh chặn truyền thống” của đối phương. Tạp chí Newsweek nhận định, các tên lửa siêu thanh có thể “cách mạng hóa” chiến tranh nhờ tốc độ cao và khả năng cơ động, “gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành”. “Các tên lửa siêu thanh thường bay với tốc độ tối thiểu là Mach 5, có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn trong một khoảng thời gian ngắn, khiến đối thủ có ít thời gian để ứng phó hơn. Bắn hạ những tên lửa đang hướng về mục tiêu với tốc độ nhanh như vậy là chuyện nằm ngoài khả năng của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Đó là lý do vì sao các chuyên gia gọi tên lửa siêu thanh là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, Yonhap nhấn mạnh.
 |
Hình ảnh vụ thử tên lửa Hwasong-8 của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap |
Theo trang mạng Topwar, lo sợ bị tổn thương trước các đối thủ tiềm tàng chính là lý do khiến nhiều quốc gia đầu tư cho nghiên cứu, phát triển các tên lửa siêu thanh. Cho đến nay, Nga được xem là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Hồi cuối năm 2019, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vũ khí siêu thanh vào trạng thái trực chiến, cụ thể là tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard có tốc độ lên tới Mach 27. “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để có thể bắt kịp những tiến bộ trong phát triển vũ khí của các quốc gia phương Tây. Và lần đầu tiên, chúng tôi đã vượt lên dẫn đầu trong phát triển vũ khí siêu thanh. Chúng tôi hiện có lợi thế đáng kể về lĩnh vực này so với phương Tây và chúng tôi sẽ cố gắng duy trì lợi thế đó”, TASS dẫn lời Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov phát biểu với báo giới hồi giữa tháng 9 vừa qua.
CNN cho biết, trên thế giới hiện chỉ có Nga và Trung Quốc được biết đến là hai quốc gia đang sở hữu các tên lửa siêu thanh “có thể được triển khai”. Trong cuộc duyệt binh hồi năm 2019, Trung Quốc đã trình làng tên lửa siêu thanh DF-17 có tầm bắn tối đa là 2.500km.
Đối với Mỹ, theo CNN, nước này đang thực hiện 8 chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu thanh. Lầu Năm Góc từng nhiều lần thừa nhận chưa thành công và bị tụt hậu so với các đối thủ trong lĩnh vực này. Mới đây, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã bày tỏ “không hài lòng” với tiến độ nghiên cứu và phát triển các tên lửa siêu thanh của Washington, cho rằng vẫn còn “một dấu hỏi”.
Trong khi đó, CNN dẫn lời Giáo sư Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cho rằng, vụ thử Hwasong-8 là một bước tiến lớn đối với Triều Tiên. Theo Reuters, với vụ thử Hwasong-8, Triều Tiên đã bước vào cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu thanh với các cường quốc quân sự. “Không có khả năng việc phát triển các công nghệ siêu thanh chỉ dừng lại với 3 quốc gia là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Các quốc gia khác, hoặc tự mình hoặc thông qua hợp tác, cũng đang theo đuổi những công nghệ này. Một cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh rõ ràng đang diễn ra”, tờ The Diplomat bình luận.
HOÀNG VŨ