Sự lo ngại “tưởng tượng”
Trong tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar tuyên bố, việc đặt mua các tổ hợp tên lửa S-400 từ Nga sẽ không ảnh hưởng tới bất kỳ cam kết giữa nước này với NATO và sẽ giải quyết mọi mối lo ngại về vấn đề này với phía Mỹ. Theo lời ông Hulusi Akar, nếu Mỹ chứng minh được mối đe dọa từ các tổ hợp S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ can thiệp để thay đổi thông số của chúng.
Đánh giá về vấn đề này, nhà phân tích quân sự, cựu quân nhân thuộc lực lượng Phòng không Nga, Đại tá Mikhail Khodarenok cho biết, sẽ không có bất kỳ vấn đề gì phát sinh từ các tổ hợp S-400 Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua đối với NATO.
 |
Mỹ và NATO đang vin vào cớ S-400 có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện chiến đấu của liên quân để ép Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng mua S-400. |
Theo tuyên bố của NATO, nguy cơ lớn nhất là khả năng bắn nhầm của tổ hợp S-400 đối với máy bay của khối quân sự này. Tuy nhiên, nguy cơ này không tồn tại do S-400 xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF) theo yêu cầu của Ankara. Đối với vũ khí xuất khẩu, Moscow không bao giờ tích hợp IFF đang được sử dụng trong Quân đội Nga.
“Các loại vũ khí xuất khẩu sẽ được tích hợp hệ thống IFF theo yêu cầu của quốc gia đặt hàng. Để tự bảo vệ mình, Nga không bao giờ tích hợp IFF tương tự như loại đang sử dụng trong quân đội. Sẽ rất nguy hiểm nếu đối phương biết được phương thức, tần số và cách mã hóa nhận dạng của Quân đội Nga, nên việc này sẽ không bao giờ được thực hiện”, ông Mikhail Khodarenok nói.
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phía Nga tích hợp IFF chuẩn Mark XII của NATO, cũng như một số thay đổi nhỏ khác đối với S-400 đặt mua. Tuy nhiên, việc can thiệp sâu vào lõi hệ thống là không thể vì có thể gây ảnh hưởng tới tính năng thiết kế và khả năng hoạt động của loại vũ khí này.
Theo lời ông Mikhail Khodarenok, sau khi nhận S-400, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành một số thay đổi theo nhu cầu. Tuy nhiên, Ankara không thể can thiệp quá sâu để thay đổi hoàn toàn tính năng kỹ-chiến thuật của S-400.
Nhận xét về việc tổ hợp S-400 không được tích hợp vào hệ thống của NATO, nhà phân tích Mikhail Khodarenok cho biết, việc này là không thể.
“Đơn giản vì chúng là hai nền tảng hoàn toàn khác nhau về mọi mặt. Việc cố gắng tích hợp sẽ mất nhiều năm. Thậm chí, chi phí để thực hiện điều này còn đắt hơn việc chế tạo một loại vũ khí mới”, ông Mikhail Khodarenok nói.
Cung cấp khả năng phòng thủ mới cho Thổ Nhĩ Kỳ
Ở chế độ hoạt động độc lập, S-400 Triumph cũng rất mạnh theo tiêu chuẩn của NATO. Với hệ thống ra-đa 91N6E, trung tâm chỉ huy 55K6E của mỗi tổ hợp, S-400 cung cấp khả năng phòng thủ độc lập cho Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh hệ thống chung của NATO. Nó đóng vai trò như lưới phòng thủ thứ 2 để bảo vệ các trung tâm chính trị, kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn thế nữa, các tổ hợp S-400 còn cung cấp cho Ankara khả năng phòng thủ mà nhiều loại vũ khí Mỹ trong NATO không thể thực hiện.
 |
Khả năng hoạt động độc lập của S-400 sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khả năng phòng vệ trong các tình huống cần kíp. |
“Chúng ta có thể giả thuyết rằng, máy bay F-16 của Jordan nhận lệnh bắn hạ máy bay cùng loại của Không quân Israel, thì phi công sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ. Điều này là do ngay từ khâu chế tạo, Mỹ đã tích hợp và hạn chế khả năng của sản phẩm vũ khí xuất khẩu, đặc biệt là khi chúng được sử dụng nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và phương Tây. Điều này từng có tiền lệ trong quá khứ. Năm 1991, trong chiến tranh vùng Vịnh, toàn bộ các tổ hợp vũ khí phòng không Pháp của Iraq đã dừng hoạt động do lệnh điều khiển từ bên ngoài. Điều này cũng tương tự với tổ hợp tên lửa phòng không Crotale ở châu Phi”, chuyên gia Mikhail Khodarenok cho biết.
Tình hình tại khu vực Cận Đông đang có rất nhiều biến động. Có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí Mỹ và phương Tây trong khu vực thậm chí có thể xung đội quân sự với nhau. Chính vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400 sẽ cung cấp cho Ankara thêm một vũ khí ngăn chặn trong các tình huống khẩn cấp.
TUẤN SƠN (tổng hợp)