Nhiều cơ hội tác chiến thực tiễn
Kể từ lúc thành lập nhà nước vào ngày 14-5-1948, Israel đã trải qua 4 cuộc chiến tranh quy mô lớn và nhiều cuộc xung đột nhỏ hơn với các nước láng giềng. Đơn cử, chỉ vài giờ sau khi Nhà nước Do Thái ra đời, cuộc chiến tranh Trung Đông đầu tiên đã nổ ra. Hay ngày 5-6-1967, Israel đã huy động tổng lực để tiến hành cuộc tấn công bất ngờ, quy mô lớn vào các nước Arab như Ai Cập, Syria và Jordan. Hay như cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư giữa Ai Cập, Syria với Israel bắt đầu từ ngày 6-10-1973, nổi tiếng với trận đấu xe tăng quy mô lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, giữa Ai Cập và Israel tại bờ Đông kênh đào Suez.
 |
Quân đội Israel trong cuộc chiến năm 1973. Ảnh: FPRI. |
Điểm chung cho kết quả của những sự kiện trên là quân đội Israel đều chiếm ưu thế và nước này chưa bao giờ phải nhận thất bại. Trong hơn 50 năm chiến tranh, Israel đã tích lũy kinh nghiệm phong phú trong việc huy động lực lượng và tiến hành phát động chiến tranh, đây là nhân tố chính khiến Israel trở thành “kẻ bất bại” ở Trung Đông.
Công bằng mà nói, hiếm có một quốc gia nào với lãnh thổ không rộng (hơn 22.000km2) và dân số không đông (gần 8,7 triệu người) lại có sức mạnh quân sự đáng gờm như Israel.
Học thuyết phòng thủ mới
Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực có nhiều biến động và mối đe dọa, Israel đã tự xác định phải tìm kiếm, xây dựng và theo đuổi chính sách nhất quán “an ninh tuyệt đối”. Nhà nước Do Thái cực kỳ coi trọng xây dựng nền quốc phòng vững mạnh và cải cách, phát triển, hiện đại hóa quân đội thông qua chiến lược an ninh quốc phòng chủ động.
 |
Học thuyết phòng thủ của Israel nhấn mạnh vào mục tiêu phòng thủ chủ động. Ảnh: warontherocks.com. |
Vào tháng 8-2015, quân đội Israel hay còn gọi là Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã công bố học thuyết quốc phòng chính thức đầu tiên của mình, phác thảo các phản ứng chiến lược và hoạt động của quân đội đối với các mối đe dọa chính mà Israel phải đối mặt. Học thuyết chia các mối đe dọa đó thành 3 nhóm chính, bao gồm: Các quốc gia ở xa và láng giềng, các quốc gia tan rã và đang trong quá trình tan rã; Các tổ chức cực đoan chính (Hezbollah, Hamas); Các tổ chức khủng bố không có liên kết với một nhà nước hoặc cộng đồng cụ thể (Thánh chiến Hồi giáo, phong trào Hồi giáo Palestine (PIJ), Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những tổ chức khác).
Lý luận quân sự trong học thuyết khẳng định chiến lược quân sự nhất quán của quân đội Israel là răn đe, cảnh báo sớm, phòng thủ chủ động, tích cực và lập kế hoạch hành động nhanh, mang tính thích ứng cao. Từ đây, IDF nhấn mạnh yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, tác chiến binh chủng hợp thành, linh hoạt, đa năng nhằm thực hiện mục tiêu phòng thủ chủ động trong cả bốn chiều (đất liền, trên biển, trên không và trên không gian mạng).
Thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng nội địa
Lâu nay, chính sách hiện đại hóa quân đội của Israel luôn đề cao tầm quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP). Không có gì làm lạ khi Nhà nước Do Thái có nền CNQP phát triển hàng đầu thế giới hiện nay, sản xuất hầu như tất cả các chủng loại vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân. Về vấn đề này, Israel lựa chọn cách đi theo chính sách “nhập nhằng có chủ ý”. Theo đó, Israel được cho là một trong những thực thể có vũ khí hạt nhân mạnh, tuy nhiên nước này chưa một lần lên tiếng thừa nhận hay phủ định điều đó. Chiến lược phát triển CNQP của Israel dựa trên 2 quan điểm chính: Tự chủ sản xuất và chú trọng mua sắm các loại vũ khí nước ngoài song vẫn duy trì vai trò của CNQP trong nước đối với công tác nâng cấp, bảo dưỡng. Chính phủ Israel phân bổ rất nhiều nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở nền tảng của CNQP, đồng thời thành lập các trung tâm tri thức toàn diện tại các trường đại học và các phòng thí nghiệm của chính phủ.
 |
Máy bay không người lái tấn công hiện đại Heron Mk-II do hãng IAI sản xuất. Ảnh: Global Defense Corp. |
Hiện nay, Israel có khoảng 150 công ty với khoảng 60.000 nhân công hoạt động trong lĩnh vực CNQP, bao gồm 3 tập đoàn chủ chốt và lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước là Israel Aerospace Industries (IAI), Israel Military Industries (IMI) và Rafael Arms Development System (RADS). Các công ty thuộc sở hữu tư nhân như Elbit Systems và Tadiran Group chuyên sản xuất các thiết bị điện tử hay thành phần nhỏ trong vũ khí, trang bị (VKTB) theo các gói đấu thầu. Do được đầu tư mạnh nên ngành CNQP của Israel đã có đủ năng lực nghiên cứu, phát triển và chế tạo một loạt các sản phẩm phục vụ cho quân đội như tên lửa, đạn, súng cá nhân, pháo các loại, hệ thống điện tử tinh vi, xe tăng, xe bọc thép...
 |
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava của Israel. Ảnh: AFP. |
Một số vũ khí do Israel tự phát triển, sản xuất và được xếp hàng đầu trong bảng danh sách các vũ khí mạnh nhất thế giới hiện nay như xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava, hệ thống phòng thủ tầm ngắn Iron Dome, hệ thống phòng thủ chủ động trên xe tăng Trophy, súng trường tấn công Tavor... Thậm chí, với tư cách là nhà phát triển, sản xuất quốc phòng hàng đầu thế giới nhưng chính Mỹ cũng phải mua nhiều công nghệ quân sự từ Israel như tên lửa phòng thủ Iron Dome hay hệ thống Trophy.
Bên cạnh đó, ngành CNQP của Israel có mối quan hệ tốt với bên thứ ba. Nhờ vậy, các loại VKTB do Israel phát triển có thể tận dụng những phụ tùng, linh kiện của các quốc gia khác. Ví dụ, xe tăng Merkava của Israel sử dụng động cơ do General Dynamics phát triển, nên Israel không phải tốn quá nhiều nguồn lực và thời gian để phát triển những thiết bị không thuộc về thế mạnh của mình. Hay công ty RADS đã phối hợp với công ty Raytheon của Mỹ để sản xuất tên lửa đánh chặn Tamir cho hệ thống Iron Dome.
 |
Hệ thống tên lửa phòng thủ Iron Dome. Ảnh: Israel Hayom. |
Ngoài ra, Israel được coi là “bậc thầy” trong việc biến hóa và cải tiến các vũ khí mua của nước ngoài hay chiến lợi phẩm thu được của đối thủ. Các vũ khí chiến lợi phẩm do Liên Xô sản xuất (thu được trong những cuộc chiến tranh với các nước Arab) đã được Israel chuyển thành một chủng loại vũ khí mới như xe chiến đấu bộ binh Achzarit Mk-1 được nước này cải tiến từ xe tăng T-55.
 |
Xe chiến thuật cơ động COMBATGUARD của hãng IMI được trưng bày tại một triển lãm quốc phòng. Ảnh: Pinterest. |
Sự phát triển của CNQP cũng giúp Israel thúc đẩy hoạt động xuất khẩu quốc phòng, cho phép ngành CNQP của Israel cạnh tranh với các hãng sản xuất vũ khí lớn của thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu vũ khí của Israel đứng thứ 8 thế giới và chiếm 3% tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Song song với việc đảm bảo nhu cầu cho quân đội, công tác xuất khẩu VKTB là một hướng đi quan trọng của Israel, từ đó tạo ra nguồn thu khổng lồ. Lợi nhuận từ xuất khẩu lại được ngành CNQP của Israel tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm mới.
Những VKTB hàng đầu trong biên chế
Không phải chỉ trong vài năm gần đây Israel mới chú trọng vào hiện đại hóa quân đội mà quá trình này đã được tiến hành từ nhiều thập kỷ trước. Nhằm ứng phó có hiệu quả với nhiều cuộc chiến tranh và khủng hoảng cục bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Israel luôn đề cao việc mua sắm, tự phát triển, cải tiến các loạt VKTB. Ngân sách quốc phòng của Israel luôn nằm trong nhóm 15 quốc gia chi tiêu quân sự cao nhất thế giới theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh. Gần đây nhất, mặc dù cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Nhà nước Do Thái vẫn dành gần 20 tỷ USD, tương đương 5,2% tổng sản phẩm trong nước (GDP), cho các hoạt động quân sự, quốc phòng trong năm 2020.
 |
Hệ thống phòng thủ Iron First của công ty Elbit Systems được lắp trên các xe thiết giáp của quân đội Israel. Ảnh: Joint Forces. |
Vào đầu năm 2017, IDF thông báo triển khai một lộ trình hiện đại hóa mới trong nhiều năm, trong đó có một phần chi phí đến từ khoản viện trợ không hoàn lại bổ sung trị giá 38 tỷ USD mà Mỹ cam kết hỗ trợ trong giai đoạn 2019-2028, cho phép quân đội Israel lập kế hoạch mua sắm dài hạn đến năm 2030. Song song với đó, Israel cũng thực hiện kế hoạch hiện đại hóa mang tên Kế hoạch Gideon kéo dài từ 2016 đến 2020, tập trung vào 12 năng lực cốt lõi của quân đội nước này như: Không gian mạng, tình báo, cơ động mặt đất, ưu thế trên không, phòng thủ trên không, tấn công đa chiều, đột kích chiều sâu, an ninh biên giới, phòng thủ hải quân, hậu cần...
Israel là đồng minh đặc biệt của Mỹ ở Trung Đông và được Washington cung cấp những loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất cùng với những điều kiện ưu đãi nhất so với các nước cũng nhận viện trợ quân sự của Mỹ. Ngoài nguồn cung từ Mỹ, Israel cũng mua một số lượng VKTB nhất định từ các nước phương Tây có nền CNQP phát triển khác ngoài Mỹ, thậm chí họ còn hợp tác với cả Nga.
 |
Xe chiến đấu bộ binh Namer hiện đại do công ty Israeli Ordnance Corps phát triển. Ảnh: Army Recognition. |
Theo tạp chí Global Fire Power, Lục quân Israel hiện có 320 xe tăng Merkava Mk-IV trong biên chế và được coi là xe tăng mạnh nhất khu vực Trung Đông. Đồng thời, Israel còn khoảng 1.330 xe tăng cùng loại Merkava nhưng khác phiên bản. Israel cũng đang sở hữu 7.500 xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh. Các xe bọc thép của Israel cũng được đánh giá là an toàn hàng đầu thế giới bởi nước này thường sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực để hoán đổi. Israel hiện có tới 650 cỗ pháo tự hành, trong đó 600 pháo M109 155mm do Mỹ thiết kế và chế tạo, và 300 pháo kéo cùng 100 hệ thống phóng rocket. Bên cạnh đó, Israel còn sở hữu hàng chục nghìn tên lửa chống tăng.
 |
Binh sĩ Israel thực hành bắn pháo pháo M109 155mm. Ảnh: Israel Defense. |
Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel rất mạnh mẽ với nhiều tầng bậc và chủng loại. Trong số này, hệ thống phòng thủ tầm xa Arrow 3 thậm chí còn được đánh giá nhỉnh hơn so với hệ thống S-300 của Nga và Patriot của Mỹ. Không những thế, Israel cũng là quốc gia có năng lực phát triển tên lửa đạn đạo. Các biến thể của tên lửa Jericho III có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 20kt và tầm bay lên tới 11.500km (bao phủ không những toàn bộ Trung Đông mà còn nhiều mục tiêu trên khắp thế giới).
 |
Israel phóng thử nghiệm tên lửa Jericho III. Ảnh: Military Today. |
Không quân Israel được đánh giá là lực lượng mạnh nhất Trung Đông với gần 600 máy bay chiến đấu, bao gồm chủ yếu là tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ (hơn 350 chiếc) và mới đây nhất là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35I (biến thể tiêm kích F-35 của Mỹ dành riêng cho Israel), cùng nhiều máy bay không người lái tấn công, máy bay cường kích, trinh sát, vận tải, tiếp dầu trên không, trực thăng tấn công AH-64 Apache và AH-1 Cobra.
 |
Tiêm kích F-35I của không quân Israel. Ảnh: Aviation Report. |
Đáng chú ý, Israel là quốc gia đầu tiên bên ngoài Mỹ có được tiêm kích F-35 và là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng loại máy bay này trên chiến trường (từ năm 2018). Việc đặt mua 50 chiếc F-35 của Mỹ (đã nhận ít nhất 10 chiếc) giúp Israel duy trì ưu thế quân sự trong khu vực Trung Đông bất ổn, nhất là liên quan tới quốc gia đối địch Iran khi Tehran được trang bị hệ thống S-300 của Nga.
Không hề kém cạnh các lực lượng trên bộ và trên không, Hải quân Israel cũng là một lực lượng đáng gờm trong khu vực với hơn 100 tàu chiến các loại. Trong đó, Hải quân Israel có 4 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Dolphin do Đức chế tạo và được Israel sửa đổi để có thể mang theo tên lửa hạt nhân. Hải quân Israel cũng đang vận hành các chiến hạm cực mạnh lớp Sa’ar 5. Dù mang danh là tàu hộ tống nhưng Sa’ar 5 lại được trang bị hệ thống vũ khí và có tốc độ di chuyển ngang với các khu trục hạm hiện đại trên thế giới.
 |
Tàu ngầm lớp Dolphin của Israel. Ảnh: Getty Images. |
Với tiềm lực mạnh mẽ và đang tiếp tục được hiện đại hóa như vậy, quân đội Israel đã, đang và sẽ là lực lượng quân sự hàng đầu tại Trung Đông. Mặt khác, có Mỹ là đồng minh thân cận “chống lưng”, quân đội Israel luôn sẵn sàng tham chiến nếu xảy ra xung đột đe dọa đến an ninh quốc gia.
“Vũ khí” con người
Có thể nói, binh sĩ chính là yếu tố liên kết tất cả các vũ khí uy lực kể trên lại với nhau. Không có vũ khí uy lực nào có thể hoạt động hiệu quả nếu không có những người vận hành chuyên nghiệp. Thời gian qua, Israel đã dành nguồn nhân lực tốt nhất cho các lực lượng vũ trang. Với những kinh nghiệm tổ chức lực lượng đúc rút từ các cuộc chiến trước đây, từ năm 1999, quân đội Israel đã bắt đầu điều chỉnh, cải cách cơ cấu, đưa ra các thứ tự ưu tiên để tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng thường trực và dự bị, tăng cường thực lực không quân, hải quân, tăng cường năng lực tình báo và tăng cường tối đa hiệu quả của hỏa lực, coi đây là mục tiêu cơ bản.
 |
Israel có hệ thống huy động lực lượng chặt chẽ. Ảnh: Newsweek. |
Hệ thống huy động lực lượng của Israel chủ yếu bao gồm: Chế độ nghĩa vụ quân sự, chế độ huy động lực lượng vũ trang, chế độ huấn luyện quân sự toàn dân, chế độ đăng ký nguồn nhân lực và vật chất, chế độ huy động công nghiệp và chế độ phòng thủ toàn dân. Cùng với đó, Israel đã xây dựng nhiều bộ luật liên quan, trong đó có Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Động viên dự bị...
Theo tạp chí Global Fire Power, tổng quân số của quân đội Israel là 643.000, trong đó có 170.000 quân chính quy, 465.000 quân dự bị và 8.000 nhân viên bán quân sự. Khác với nhiều quốc gia, Israel coi lực lượng dự bị mới là chủ lực của lực lượng quân sự mà không phải là “thành phần phụ”. Vì vậy, lực lượng chính quy tại ngũ trở thành nòng cốt trong hoạt động huấn luyện cho lực lượng dự bị trong thời bình, ngăn chặn và trì hoãn các cuộc tấn công của kẻ thù trong thời chiến, huy động và tập hợp lực lượng dự bị khi được yêu cầu.
 |
Phụ nữ Israel cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc và có thể tham gia vào mọi vị trí chiến đấu như nam giới trong quân đội. Ảnh: AFP. |
Theo luật của Israel, mỗi năm 3 lần, công dân (trừ phụ nữ không phải là người Do Thái và tất cả đàn ông Arab), ngoại trừ vì lý do tôn giáo và sức khỏe, không phân biệt giới tính, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ở độ tuổi 18, trung bình thời gian 30 tháng với nam và 24 tháng với nữ. Israel cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự đối với phụ nữ. Phụ nữ Israel tham gia vào quân đội kể cả từ trước khi thành lập Nhà nước Do Thái. Luật Nghĩa vụ quân sự nhấn mạnh: “Phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong bất kỳ vai trò nào trong IDF”. Theo IDF, đã có 535 nữ binh sĩ Israel hy sinh trong các hoạt động chiến đấu trực tiếp trong giai đoạn 1962-2016 (không bao gồm hàng chục người khác thiệt mạng trong thời gian phục vụ trước năm 1962). Vì vậy hằng năm, có hơn 90% nam giới và 50% nữ giới trong độ tuổi phải nhập ngũ. Công dân sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ được chuyển sang chế độ dự bị, mỗi năm vẫn phải tham gia các khóa huấn luyện kéo dài vài tuần. Chế độ này sẽ kết thúc khi đàn ông đạt độ tuổi 51 và phụ nữ là 38. Do đó, với dân số gần 8,7 triệu người nhưng số người có thể đáp ứng phục vụ trong quân đội của Israel lên tới hơn 3 triệu người.
 |
Binh sĩ Israel còn thường xuyên tiến hành huấn luyện, diễn tập với quân đội các nước đồng minh, đối tác. Ảnh: The Times of Israel. |
Các binh sĩ Israel được đánh giá có tính thiện chiến hàng đầu thế giới. Ngoài sự huấn luyện khắt khe, binh sĩ Israel thường xuyên có các cuộc diễn tập, tập trận nội bộ cũng như với các đồng minh, đối tác. Israel là một trong số những quốc gia có số lượng các cuộc tập trận bắn đạn thật nhiều nhất thế giới.
NGÂN ANH