Pháp khai thác triệt để nhu cầu vũ khí của Trung Đông
Năm 2019 - 2023, các nước Trung Đông chiếm tới 34% tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Pháp. Trong giai đoạn này, các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Qatar, Saudi Arabia và Jordan là những khách hàng lớn nhất của Pháp trong khu vực. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng giá trị tất cả các đơn đặt hàng vũ khí Pháp của UAE từ năm 2013 đến năm 2022 ước tính hơn 21 tỷ Euro, trong đó đáng kể nhất là hợp đồng “lịch sử” 16 tỷ Euro được ký kết năm 2021 về việc Paris cung cấp 80 máy bay chiến đấu Rafale F4 cho UAE.
Một khách hàng quan trọng khác của Pháp ở Trung Đông là Ai Cập. Tổng các đơn đặt hàng từ Cairo trong năm 2013 - 2022 được Bộ Quốc phòng Pháp ước tính vào khoảng 12,2 tỷ Euro. Năm 2021, Ai Cập đạt thỏa thuận mua 30 máy bay chiến đấu Rafale thế hệ mới của Pháp với tổng giá trị của thương vụ này là 4,5 tỷ USD. Ngoài máy bay chiến đấu, Cairo còn mua vũ khí từ Pháp để trang bị cho lực lượng hải quân.
Qatar cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Pháp trong 5 năm qua, chiếm 17% tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí của Pháp. Doha trở thành khách hàng lớn thứ hai của tổ hợp công nghiệp quân sự Pháp sau Ấn Độ trong giai đoạn 2019 - 2023. Qatar chủ yếu sử dụng vũ khí của Pháp để trang bị cho lực lượng không quân của mình. Năm 2015, Doha đã ký hợp đồng trị giá 6,3 tỷ Euro với Paris để mua 24 máy bay chiến đấu Rafale. Cùng năm đó, Qatar đã mua một lô hàng lớn phụ tùng và tên lửa nhằm lắp đặt trên các máy bay chiến đấu mới, và vào năm 2017, Doha đã ký hợp đồng mua thêm 12 máy bay Rafale.
Với Saudi Arabia, trong giai đoạn 2013 - 2022, tổng giá trị các thương vụ mua bán vũ khí giữa Paris và Riyadh đạt 9,5 tỷ Euro. Không giống như UAE, Ai Cập và Qatar, Saudi Arabia chủ yếu mua vũ khí từ Pháp để tăng cường cho lực lượng bộ binh, như xe bọc thép chở quân, MANPADS, tên lửa…
|
|
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: NATO |
Cuối cùng là khách hàng Jordan, quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh của Pháp ở khu vực Trung Đông. Không quân Pháp thường xuyên sử dụng căn cứ không quân của Jordan để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố. Về hợp tác xuất khẩu vũ khí, do ngân sách quốc phòng của Jordan tương đối hạn hẹp nên hợp tác Pháp - Jordan trong lĩnh vực này chỉ có quy mô nhỏ.
Mục tiêu chiến lược của Pháp
Bằng cách xuất khẩu vũ khí sang các nước Trung Đông, Pháp theo đuổi một số mục tiêu chiến lược về an ninh, kinh tế và năng lượng. Trước hết, buôn bán vũ khí là công cụ để Paris duy trì an ninh và ổn định khu vực. Trung Đông nằm ngay sát châu Âu nên sự bất ổn chính trị và kinh tế - xã hội ở khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình của lục địa già, trong đó đáng lo ngại nhất là các thế lực khủng bố. Pháp là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công của các tổ chức cực đoan và cấp tiến. Bên cạnh đó, sự bất ổn ở Trung Đông kéo theo dòng người di cư gia tăng, và đây cũng chính là vấn đề không chỉ Pháp, mà cả châu Âu đang phải đau đầu giải quyết.
Tăng cường hợp tác với các nước Trung Đông về năng lượng có thể cho phép Paris đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu như Nga và Mỹ.
Một yếu tố khác khiến Pháp quan tâm đến việc xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông là nhu cầu cung cấp đơn đặt hàng ổn định cho tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này. Xuất khẩu đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng, vì thị trường nội địa hiện nay không thể cung cấp đủ nhu cầu cần thiết để các công ty hoạt động hiệu quả. Ví dụ, việc sản xuất máy bay chiến đấu Dassault Rafale nếu chỉ tập trung vào thị trường nội địa sẽ không có lãi.
Cuối cùng, xuất khẩu vũ khí được chính quyền Pháp coi là phương tiện hữu hiệu để theo đuổi lợi ích của mình trên trường quốc tế. Hợp tác giữa các nước trong lĩnh vực quốc phòng mở ra cơ hội thiết lập đối thoại trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục và văn hóa. Paris đã đạt được thành công lớn trong việc này với Ấn Độ và UAE.
Pháp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt
Ngày nay, bất chấp xu hướng phát triển tích cực trong quan hệ giữa Pháp và các quốc gia Trung Đông, Paris và tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong khu vực.
Mỹ hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho các nước Trung Đông (chiếm 52% nguồn cung trong năm 2019 - 2023), trong khi đó thị phần của Pháp chỉ chiếm 12%.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Đức và Italy cũng đang hoạt động rất tích cực nhằm gia tăng vai trò ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các chính sách đầu tư và thương mại ở Trung Đông. Việc vũ khí Trung Quốc có giá thành tương đối thấp so với các sản phẩm của phương Tây là một lợi thế lớn. Mặc dù đang tập trung cho cuộc xung đột quân sự với Ukraine, Nga vẫn tiếp tục đóng một vai trò là nhà xuất khẩu vũ khí quan trọng cho Trung Đông…
Bên cạnh đó, một trở ngại khác là việc các nước Trung Đông chủ trương giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài. Saudi Arabia hiện đang nỗ lực cụ thể hóa dự án “Tầm nhìn 2030”, đặt mục tiêu tạo ra một ngành công nghiệp quốc phòng bền vững vào năm 2030. Các biện pháp tương tự cũng đang được UAE tích cực thực hiện.
NHẤT LÂM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.