Bất chấp những lời kêu gọi ngồi vào bàn đàm phán kéo dài thời hạn của INF từ Moscow, Washington đã quyết định chấm dứt sự tồn tại suốt 3 thập kỷ của hiệp ước được coi là hòn đá tảng của an ninh châu Âu. INF hết hiệu lực nằm trong chiến lược của Mỹ về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đa phương mới trên thế giới, cũng như buộc châu Âu tiếp tục phụ thuộc về mặt quân sự. Tuy nhiên, động thái này có thể giống như con dao hai lưỡi không chỉ tạo ra vòng xoáy bất ổn mới, mà có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới trên thế giới.

INF giúp châu Âu an toàn suốt 3 thập kỷ

INF được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ngày 8-12-1987. Cả Mỹ và Liên Xô thời điểm đó đều quan ngại việc tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân triển khai tại châu Âu có thể đẩy hai bên vào cuộc chiến hạt nhân không kiểm soát bất kỳ lúc nào. INF ra đời với mục tiêu chính để giải quyết vấn đề này.

Theo INF, Liên Xô và Mỹ đã đồng ý triệt thoái và giải giáp các đơn vị tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500-5.500km và dừng các chương trình phát triển loại vũ khí tương tự. Tuân thủ theo INF, trong năm 1991, Liên Xô đã triệt thoái và giải giáp 1.846 tổ hợp tên lửa, còn phía Mỹ là gần 1.000 tổ hợp.

INF đổ vỡ sẽ khiến định chế kiểm soát an ninh suốt 3 thập kỷ tại châu Âu biến mất.

Trước khi INF được ký, giới chức quân sự Mỹ và Liên Xô tính toán, với lực lượng tên lửa đang được triển khai tại châu Âu, hai bên chỉ cần 10-15 phút để tung các đòn tấn công hạt nhân chính xác cao nhằm vào nhau. Thời gian phản ứng quá ngắn có thể khiến bất kỳ sự hiểu nhầm nào trở thành chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Cùng với đó, các quốc gia châu Âu hiểu rõ, tên lửa hạt nhân tầm ngắn và trung sẽ biến lục địa già thành bình địa trước khi lãnh thổ Mỹ bên kia bờ đại dương bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Chính vì thế, INF đóng vai trò rất quan trọng đối với nền an ninh chung của châu Âu, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, INF mang lại giá trị an ninh rất lớn cho Liên Xô và châu Âu, sau đó mới tới Mỹ. INF đảm bảo Liên Xô và châu Âu không phải là nơi đầu tiên bị tàn phá nếu chiến tranh hạt nhân toàn diện xảy ra. Về phía Mỹ, INF giúp lãnh thổ nước này cơ bản được an toàn trước nguy cơ từ các loại tên lửa tầm trung và chỉ còn có thể bị đe dọa từ máy bay chiến lược và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Năng lực hạt nhân của các bên cũng được hạn chế và giới hạn ở các loại vũ khí tiến công cấp chiến lược.

Từ nửa sau những năm 2000 tới nay, những thay đổi trong chính sách quốc phòng của Mỹ với việc tăng cường triển khai các hệ thống vũ khí tới châu Âu, xu hướng đông tiến của NATO đã khiến Washington và Moscow bất đồng quan điểm về INF. Cả hai bên đều không ít lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước và đỉnh điểm là tuyên bố rút khỏi INF của Tổng thống Donald Trump mới đây và động thái tương tự từ phía Nga hồi đầu năm 2019.

Châu Âu không muốn lệ thuộc an ninh vào Mỹ

Trước vấn đề INF hết hiệu lực, nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng quan ngại về vấn đề an ninh của lục địa già. Trong phát biểu mới nhất, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, INF đổ vỡ sẽ khiến nền an ninh chiến lược của châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhận định của ông Heiko Maas cũng được nhiều học giả, chuyên gia quân sự ủng hộ. Về vấn đề này, Giáo sư Sharon Squassoni thuộc Đại học George Washington, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá: “Có thể có người không thích INF, nhưng đó không phải là quan điểm chung. INF chính là định chế để xác thực, giảm căng thẳng với Nga trong các tình huống xung đột. Cánh cửa này sẽ biến mất cùng với việc INF hết hiệu lực. Kênh liên lạc và xác thực thông tin sẽ bị gián đoạn và điều này sẽ trở thành mối quan tâm lớn của châu Âu trong tương lai gần”.

Châu Âu sẽ phải xem xét lại chính sách hợp tác với Mỹ sau khi INF đổ vỡ.

Trong khi đó, nhà phân tích Karen Kwiatkowski, cựu sĩ quan thuộc Không quân Mỹ đánh giá, rút khỏi INF sẽ giúp Mỹ có chính sách linh hoạt hơn về vấn đề phòng thủ của NATO. Không còn bị ràng buộc bởi INF, Quân đội Mỹ có thể triển khai các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung tại châu Âu để đảm bảo an ninh với chi phí thấp và ít rủi do hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều quốc gia châu Âu thuộc NATO sẽ không muốn trở thành “bia đỡ đạn” trước vũ khí Nga khi cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

“Tôi không cho rằng các quốc gia Đông Âu sẽ chấp nhận việc INF đổ vỡ, cho dù trước đó Ba Lan và nhiều quốc gia khác đã đồng ý cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước họ”, bà Karen Kwiatkowski cho biết.

INF đổ vỡ cũng có thể là khởi đầu cho các hiệp ước kiểm soát vũ khí đa phương mới có hiệu lực hơn. Theo bà Karen Kwiatkowski, các nước sẽ tránh khỏi vết xe đổ của INF, các hiệp ước kiểm soát vũ khí mới sẽ là định dạng đa phương thay vì song phương. Các quốc gia châu Âu sẽ muốn mình có tiếng nói để tự quyết định nền an ninh không chỉ của nước này, mà là của cả châu Âu.

Tuy nhiên, châu Âu hiện vẫn chưa sẵn sàng cho trật tự thế giới mới, khi đã gắn một phần chủ quyền vào NATO. Dù lục địa già đang nỗ lực giành thế tự chủ chiến lược với ý tưởng thành lập quân đội riêng của châu Âu, nhưng trong tương lai gần sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ, ít nhất trong lĩnh vực quân sự.

TUẤN SƠN (theo RIAN, Sputnik, Gazeta.ru)