67 vụ thử hạt nhân

Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, nhân loại lại chứng kiến một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt là Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến tuy không tiếng súng nhưng rất gay cấn với cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Bên cạnh sức công phá tương đương hàng chục tấn thuốc nổ TNT trở lên, bom hạt nhân còn để lại bụi phóng xạ chết người với bán kính hàng chục ki-lô-mét tính từ tâm vụ nổ. Do đó, người ta cần phải thử nghiệm bom hạt nhân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh để bảo đảm an toàn. Những quần đảo nằm xa đất liền trên các đại dương được xem là nơi lý tưởng để thử nghiệm bom hạt nhân.

Theo tạp chí National Interest, từ năm 1945 đến 1992, Mỹ đã tiến hành 1.032 vụ thử hạt nhân và không ít trong số đó diễn ra ở Thái Bình Dương. AFP cho biết, từ năm 1946 đến 1958, 67 vụ thử hạt nhân của Mỹ được thực hiện ở quần đảo Marshall. Đáng chú ý là hai vụ thử mang mật danh Castle Bravo và Ivy Mike.

Mái vòm bê tông phủ hố chứa đất bị nhiễm phóng xạ trên đảo Runit thuộc quần đảo Marshall. Ảnh: Fox News.

Castle Bravo là vụ thử hạt nhân lớn nhất của Mỹ được tiến hành tại đảo Bikini thuộc quần đảo Marshall vào ngày 1-3-1954. Theo tính toán ban đầu, vụ thử Castle Bravo chỉ tạo ra vụ nổ có sức công phá khoảng 5-6 megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn TNT), song trên thực tế lại lên tới 15 megaton, mạnh gấp 1.000 lần hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tạp chí National Interestcho biết, việc dự đoán sai các điều kiện thời tiết và hướng gió thay đổi đột ngột khiến đám mây phóng xạ bị đẩy lên cao hơn nhiều so với dự kiến, do đó mức độ phát tán phóng xạ đã vượt ra ngoài dự đoán ban đầu. Bụi phóng xạ tạo ra từ vụ thử Castle Bravo nhanh chóng trở thành một thảm họa quốc tế khi chúng tán phát trên một khu vực rộng hơn 18.000km2, trong đó phải kể đến việc 23 người trên một tàu đánh cá của Nhật Bản vô tình đi vào khu vực bị ảnh hưởng của vụ thử đã thiệt mạng sau đó không lâu do bị nhiễm độc phóng xạ. Sóng xung kích tạo ra từ vụ thử Castle Bravo đã phá hủy nhiều tòa nhà vốn nằm ngoài khu vực chịu ảnh hưởng theo dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, đảo Enewetak thuộc quần đảo Marshall là nơi diễn ra vụ thử Ivy Mike-vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Mỹ vào tháng 11-1952. Theo Tạp chí National Interest, vụ thử có sức công phá 10,4 megaton trong khi sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai chỉ xấp xỉ 18.000 tấn TNT. Vụ thử tạo ra quả cầu lửa rộng gần 2,9km và đám mây hình nấm cao hơn 41km.

Dự án tạm thời

The Guardian cho biết, từ năm 1977, 4.000 lính Mỹ bắt đầu thu dọn đất đai bị nhiễm phóng xạ do các vụ thử hạt nhân trên các đảo ở Thái Bình Dương và sau đó vận chuyển đến đảo Runit thuộc quần đảo Marshall-nơi có một cái hố rộng hơn 100m được tạo ra từ một vụ thử hạt nhân của Mỹ vào tháng 5-1958. Trong vòng 3 năm, khoảng 73.000m3 đất kể trên đã được đổ hết xuống hố. Đến năm 1980, miệng hố được lấp bằng một mái vòm bê tông dày khoảng 45cm. Theo The Guardian, ban đầu dự án trị giá 218 triệu USD này chỉ được xem là giải pháp tạm thời, song kể từ đó cho đến nay chưa có bất kỳ phương án thay thế nào khác được đưa ra.

Người dân địa phương gọi hầm chứa trên là “lăng mộ” trong khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mô tả nó là “quan tài hạt nhân”. “Trong quá khứ, Thái Bình Dương là một nạn nhân. Hậu quả của các vụ thử hạt nhân khá nghiêm trọng khi ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và khiến nguồn nước ở một số khu vực bị nhiễm độc. Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ giới hạn trong quá khứ”, Sputnik dẫn lời ông Antonio Guterres phát biểu tại Đại học Nam Thái Bình Dương ở Fiji mới đây. Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại “quan tài hạt nhân” có thể bắt đầu rò rỉ phóng xạ và gây ra thảm họa. 

Hiện nay, trên lớp bê tông đã xuất hiện các vết nứt. Một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, phóng xạ trong hầm chứa đã bắt đầu rò rỉ. “Mái vòm bê tông 45cm chính là sợi dây liên hệ giữa thời đại hạt nhân với thời đại biến đổi khí hậu”, nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu Alson Kelen trả lời ABC News. Trong khi đó, Sputnik cảnh báo nếu biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao và xâm nhập được vào hầm chứa thì vấn đề sẽ không còn là của riêng khu vực Thái Bình Dương và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân toàn cầu.

The Washington Post cho biết, theo một thỏa thuận ký năm 1983, Mỹ đã giao quyền quản lý và trông coi “quan tài hạt nhân” cho chính quyền quần đảo Marshall. Tuy nhiên, The Guardian dẫn lời một quan chức chính quyền Marshall khẳng định: “Việc chính quyền địa phương không có năng lực chuyên môn cũng như tài chính để khắc phục vấn đề khi nó xảy ra là chuyện rõ như ban ngày”.

HOÀNG VŨ