Trực thăng TH-119 (được Hải quân Mỹ đặt tên lại thành TH-73A) do hãng Leonardo Helicopters chế tạo. Nguồn: Leonardo.

Theo đó, phi đội trực thăng huấn luyện TH-73A sẽ thay thế các máy bay Bell TH-57B/C Sea Ranger đã lỗi thời do được biên chế từ những năm 1980 và không còn đáp ứng được yêu cầu trong huấn luyện của Hải quân Mỹ. Trước mắt, TH-73A sẽ được sử dụng cho công tác huấn luyện học viên tại Căn cứ bay Whiting Field nằm ở bang Florida của Hải quân Mỹ. Lực lượng này cho biết sẽ triển khai sử dụng lâu dài phi đội TH-73A, cụ thể là tới những năm 2050.

Để giành lấy bản hợp đồng trị giá 177 triệu USD từ Hải quân Mỹ, hãng chế tạo Leonardo Helicopters cùng đại diện là trực thăng TH-119 đã xuất sắc đánh bại 2 tập đoàn quốc phòng khác là Bell với chiếc 407GXi và Airbus với chiếc H135. Ngoài 32 chiếc trực thăng, hợp đồng còn bao gồm các thiết bị phụ trợ cũng như các gói hậu cần, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, điều khoản mua bổ sung thêm 98 chiếc TH-119 có thể nâng giá trị hợp đồng lên tới 648 triệu USD. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đón nhận những chiếc trực thăng đầu tiên từ năm 2021.

Trực thăng TH-119 là phiên bản động cơ đơn, được phát triển trên cơ sở dòng trực thăng dân sự AW119. TH-119 có khối lượng rỗng 1.600kg, khối lượng tối đa 2.850kg, chiều dài 13m và chiều cao 3,66m. Sử dụng động cơ cánh quạt Pratt & Whitney PT6B37A, trực thăng có thể đạt tốc độ tối đa 281km/h, tốc độ hành trình khoảng 255km/h và khả năng bay liên tục trong vòng 5 tiếng và 20 phút đồng hồ. Ngoài ra, TH-119 còn được trang bị nhiều hệ thống điện tử hàng không, kiểm soát bay và bảo đảm an toàn tân tiến.

ĐÌNH ĐỨC (theo Flight Global)