Kết hợp ô tô và máy bay
Những năm 60 của thế kỷ trước được gọi là thời kỳ của những tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Nhiều phát minh và sự kiện thế giới khi đó đã trở thành hiện thực như những trang tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Đó là chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của Yury Gagarin, việc Theodor Maiman tạo ra tia laser đầu tiên, sự ra đời của những chiếc xe hơi có khả năng bơi lội tại Đức, cũng như sự xuất hiện những chuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Nhật Bản.
Do đó, hoàn toàn không ngạc nhiên khi vào đầu những năm 1960, các nhà khoa học Liên Xô đã bắt tay vào nghiên cứu một cách tích cực nhằm chế tạo ra chiếc xe ô tô biết bay. Dự án này được triển khai tại Nhà máy sản xuất ô tô Gorky (GAZ) dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Smolin. Việc lựa chọn Smolin không phải là ngẫu nhiên, bởi ông không chỉ là nhà thiết kế hàng đầu của GAZ, mà còn từng làm việc tại Nhà máy sản xuất máy bay Kazan. Vì vậy, không ai khác ngoài ông được giao nhiệm vụ chế tạo một chiếc ô tô bay trong không trung, hay nói đúng hơn là di chuyển trên đệm khí. Tham gia dự án này có cả những chuyên gia của một xí nghiệp bí mật mang mật danh là “Hòm thư 200”, và Viện khí động học Trung ương của Liên Xô.
 |
Chiếc ô tô bay đầu tiên GAZ-16 do Liên Xô chế tạo vào thập niên 1960. Nguồn: russian7.ru. |
GAZ-16 – chiếc ô tô bay đầu tiên
Thoạt tiên, những bài thử nghiệm được tiến hành trên các mẫu xe ô tô tương lai với kích cỡ nhỏ hơn 10 lần so với xe thật. Không khí được bơm ra từ một ống mềm nối với mẫu thử nghiệm và chiếc xe lơ lửng trên mặt nước hoặc mặt đất.
Ngay đầu những năm 1960, chiếc GAZ-16 đầu tiên có kích cỡ bằng xe thật đã được chế tạo. Thân xe có hình dáng thuôn dài, còn cabin giống như chiếc lồng trong suốt với hình dáng đặc biệt. Xe dài 7,5m, rộng 3,6m và nặng 2.125 kg. Chiếc ô tô được trang bị càng hạ cánh như bất kỳ máy bay nào. Phía trước và phía sau có lắp những chiếc quạt công suất lớn, giúp hình thành lớp đệm khí khi vận hành. Cỗ máy được điều khiển nhờ các cánh lái được lắp cố định theo phương thẳng đứng. Tốc độ bay tối đa là 40 km/giờ.
Quá nhiều nhược điểm
Tuy nhiên, những thử nghiệm đầu tiên đã không thành công. Khi di chuyển trên một hành lang thẳng tắp rộng 12m có lá cờ cắm hai bên, thì chiếc GAZ-16 đã đi chệch hướng. Rõ ràng, chiếc xe đã xử lý rất tệ khi gặp tình huống bị lạng lách.
Đệm khí đẩy chiếc GAZ-16 lên độ cao không đáng kể, chỉ được 150mm. Do đó, xe có thể di chuyển chủ yếu trên bề mặt phẳng. Khi bay trên mặt nước, xung quanh thân tàu tạo ra nhiều tia phun khiến người lái khó quan sát và điều khiển.
Thực tế, các nhà thiết kế và chế tạo Liên Xô trong thời gian dài vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện hơn chiếc xe. Tuy nhiên, dự án đã sớm dừng lại vì khi đó có ý kiến cho rằng, chiếc ô tô bay sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách nhà nước. Và những chiếc xe loại này, với tốc độ và khả năng cơ động thấp, lúc bấy giờ vẫn chưa thể cạnh tranh được với những chiếc ô tô chạy bánh lốp thông thường.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)