Tàu ngầm mới có tên gọi INS Arighaat, là biến thể tiên tiến của INS Arihant và là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược thứ hai thuộc lớp Arihant của Ấn Độ. "Arihant" trong tiếng Phạn có nghĩa là "kẻ hủy diệt kẻ thù".

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho rằng INS Arighaat sẽ củng cố bộ ba hạt nhân của Ấn Độ, tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, giúp thiết lập sự cân bằng chiến lược và hòa bình trong khu vực, đồng thời đóng vai trò quyết định trong bảo vệ an ninh quốc gia. Ông mô tả đây là thành tựu của quốc gia Nam Á và là minh chứng cho quyết tâm không lay chuyển của Chính phủ Ấn Độ nhằm đạt được tự lực, tự cường trong quốc phòng.

Theo Indian Express, tàu ngầm INS Arighaat dài 112m, có lượng giãn nước 6.000 tấn, được trang bị lò phản ứng hạt nhân công suất 83 MW. Điều này cho phép tàu có thể hoạt động dưới nước trong thời gian dài mà không cần phải nổi lên hoặc tiếp nhiên liệu, mang lại cho tàu phạm vi hoạt động gần như không giới hạn.

leftcenterrightdel
Tàu ngầm hạt nhân INS Arighaat của Ấn Độ. Ảnh: India Today 

Đáng chú ý, thân tàu INS Arighaat có cấu hình nhiều lớp, với lớp vỏ titan bao quanh bên ngoài thân tàu chính. Tàu được trang bị 3 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo K-15 có tầm bắn 750km hoặc 4 tên lửa đạn đạo K-4 có tầm bắn hơn 3.500km.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết tàu ngầm INS Arighaat có công nghệ vượt trội đáng kể so với “người tiền nhiệm” INS Arihant. Trong quá trình đóng tàu, Ấn Độ đã ứng dụng nhiều công nghệ thiết kế và sản xuất tiên tiến, sử dụng vật liệu đặc biệt, kỹ thuật phức tạp. Điều đáng nói là các hệ thống và thiết bị được lắp đặt trên con tàu do các nhà khoa học, các công ty trong nước và kỹ sư Ấn Độ lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất và tích hợp. Do vậy, INS Arighaat được xem là niềm tự hào của nền quốc phòng Ấn Độ.

Với INS Arighaat, Ấn Độ đã sở hữu hai chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đầu tiên trong dự án Tàu công nghệ tiên tiến (ATV) trị giá khoảng 11 tỷ USD của hải quân nước này. Hiện Ấn Độ đang đóng thêm hai tàu nữa, một trong số đó là INS Aridhaman 7.000 tấn dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm sau.

Sự ra đời của SSBN có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với quốc gia này, không chỉ giúp Ấn Độ hoàn thiện bộ ba hạt nhân mà còn đưa New Delhi trở thành nước duy nhất ngoài nhóm P5 (5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) đóng và vận hành thành công SSBN.

Các chuyên gia cho rằng, việc Ấn Độ đưa vào sử dụng hai tàu SSBN có thể tạo ra đòn bẩy chiến lược, nâng cao năng lực của New Delhi trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng và bảo vệ lợi ích quốc gia. Với hai tàu ngầm hạt nhân hiện đang hoạt động, Ấn Độ có thể duy trì sự hiện diện liên tục của một tàu ngầm tuần tra ở vùng biển nước này, sẵn sàng đáp trả trong trường hợp có nguy cơ tấn công hạt nhân.

Hiện nay, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn đang ngày càng gay gắt dẫn tới việc nhiều quốc gia mở rộng và nâng cấp các loại vũ khí hạt nhân. Theo ước tính của Nhóm vận động Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân đã tăng 13% lên mức kỷ lục 91,4 tỷ USD trong năm 2023. Điều này làm dấy lên quan ngại về một cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân. “Nếu một quốc gia không có phương tiện răn đe hạt nhân đáng tin cậy, có khả năng sống sót cao, thì tất cả những gì họ đang làm sẽ trở thành vô nghĩa. Điều đó khiến chương trình phát triển SSBN trở thành ưu tiên số một”, Thomas Shugart, chuyên gia trong lĩnh vực tàu ngầm đồng thời là thành viên cấp cao của Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định.

BẢO CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.