Giữa năm 2011, Bộ Quốc phòng Ấn Độ và Boeing đã đạt được thỏa thuận mua 10 máy bay C-17 cùng các gói hỗ trợ, chuyển loại với tổng trị giá 4,1 tỷ USD nhằm thay thế phi đội máy bay IL-76 do Liên Xô chế tạo.
Sau khi nhận đủ 10 chiếc vào cuối năm 2014, New Delhi ngỏ ý muốn mua thêm 1 chiếc nữa vào năm 2017. Đến tháng 3-2018, hai bên đã ký hợp đồng chiếc C-17 thứ 11 với thời gian bàn giao vào cuối tháng 8-2019.
 |
Phi công Mỹ và Ấn Độ trong một khóa huấn luyện chuyển giao máy C-17 bay tại Ấn Độ. Ảnh: Defense News. |
Đây cũng là chiếc C-17 cuối cùng mà Boeing sản xuất trước khi hãng này đóng cửa dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, Boeing cam kết sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, và nâng cấp máy bay C-17 cho khách hàng.
Máy bay C-17 giúp nâng năng lực vận tải hàng không chiến lược của Không quân Ấn Độ với khả năng vận chuyển các loại xe bọc thép hạng nặng, trọng pháo và binh sĩ tới những khu vực xa xôi. Tất cả số máy bay này đều được biên chế cho Phi đội số 81 của Không quân Ấn Độ đóng tại Căn cứ không quân Hindon.
 |
Máy bay C-17 của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Defense News. |
Máy bay C-17 được hãng McDonnell Douglas phát triển cho Không quân Mỹ vào cuối thập niên 1980 nhằm mục đích vận chuyển chiến lược và chiến thuật. Máy bay có chiều dài 53m, sải cánh 52m và cao 17m, trang bị 4 động cơ turbine phản lực F117-PW-100 cho phép đạt tốc độ hành trình 830km/h, tầm bay tối đa 10.000km, và trọng tải tới hơn 77 tấn .
Nhờ khoang hàng hóa rộng, máy bay C-17 có thể chở được 102 lính dù được trang bị đầy đủ, hoặc 4 trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk, hoặc 2 trực thăng tấn công AH-64 Apache, hoặc 3 xe thiết giáp Stryker, hoặc 6 xe bọc thép M1117, hoặc một xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.
 |
Binh sĩ Mỹ đang làm công tác chuẩn bị để đưa trực thăng UH-60 Black Hawk vào máy bay C-17. Ảnh: Defense News. |
Máy bay C-17 hiện đang phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh như Anh, Kuwait, Australia, Canada, Ấn Độ, Qatar, Saudi Arabia, và các thành viên của Chiến lượng Sáng kiến Năng lực Vận chuyển Chiến lược của NATO (SAC) và Các đối tác cho Các quốc gia hòa bình (PfP).
PHẠM HUY (theo Air Recognition)