* Lục quân Nga nhận lô xe tăng T-90M Proryv mới
Nhà máy sản xuất xe tăng Nga Uralvagonzavod ngày 7-9 thông báo vừa chuyển giao một lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv mới cho Lục quân Nga để tăng cường hoạt động của lực lượng thiết giáp ở tuyến đầu.
Xe tăng T-90M Proryv, từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi là “xe tăng tốt nhất thế giới”, trở nên mạnh mẽ hơn qua từng lô hàng mới. Mặc dù được nâng cấp với công nghệ cao, xe tăng T-90M Proryv vẫn duy trì được đặc tính dễ sử dụng, cho phép binh sĩ nhanh chóng học và vận hành xe ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất.
T-90M Proryv là một trong những phiên bản nâng cấp của xe tăng T-90. Xe được trang bị pháo nòng trơn 125mm 2A46M-4 cho phép bắn nhiều loại đạn, bao gồm đạn dẫn đường, đạn xuyên giáp, đạn nổ mạnh, mang lại hỏa lực vượt trội và tính linh hoạt trên chiến trường. Hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến với thiết bị ảnh nhiệt cũng đảm bảo nhắm mục tiêu chính xác trong cả điều kiện ban ngày và ban đêm.
Về khả năng di chuyển, T-90M được trang bị động cơ diesel V-92S2 công suất khoảng 1.000 mã lực, cho phép xe đạt tốc độ từ 40 đến 60 km/giờ tùy địa hình. Phạm vi hoạt động của xe tăng lên tới 550km.
Một trong những tính năng chính tạo nên sự khác biệt của xe tăng T-90M là khả năng bảo vệ được tăng cường. Xe được trang bị giáp phản ứng nổ Relikt và các lớp giáp thụ động bổ sung, mang lại khả năng phòng thủ mạnh mẽ chống lại tên lửa chống tăng và các mối đe dọa hiện đại khác. Xe tăng cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến có thể chống lại máy bay không người lái và giảm khả năng hiển thị radar, khiến nó khó bị phát hiện hơn. Những khả năng phòng thủ này giúp tăng cường khả năng sống sót cho T-90M trong môi trường tác chiến hiện đại.
Xe tăng T-90M Proryv là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa của Lục quân Nga nhằm thích ứng với những thách thức đang diễn ra của chiến tranh hiện đại, đặc biệt là trước công nghệ máy bay không người lái tiên tiến và chiến thuật tác chiến điện tử mà Ukraine sử dụng.
* Tây Ban Nha sẽ chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa HAWK cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles vừa công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trong đó có một hệ thống tên lửa phòng không MIM-23 HAWK với 6 bệ phóng tên lửa, nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Hệ thống này sẽ được bàn giao ngay trong tháng 9.
|
|
Bắn tên lửa MIM-23 Hawk tại Khu huấn luyện Capu Midia ở Romania năm 2017. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Hawk là hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không tầm trung. Hiện Quân đội Tây Ban Nha đang vận hành hệ thống HAWK Phase III, phiên bản mới nhất của MIM-23 HAWK. Phiên bản HAWK Phase III có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi lên tới 45km, đánh chặn các mối đe dọa bay ở độ cao lên đến 18km, cho phép hệ thống hoạt động hiệu quả chống lại nhiều mối đe dọa trên không, gồm máy bay tầm thấp, trực thăng, phương tiện bay không người lái (UAV) và một số loại tên lửa hành trình. Radar AN/MPQ-61 và AN/MPQ-62 tiên tiến cho phép HAWK phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu bay thấp và di chuyển nhanh. Bản thân tên lửa cũng đã được nâng cấp đáng kể với radar dẫn đường bán chủ động và đầu đạn phân mảnh đảm bảo tiêu diệt mục tiêu hiệu quả ngay cả khi cận chiến với các mục tiêu di chuyển nhanh.
Ngoài Tây Ban Nha, Mỹ cũng công bố gói viện trợ quốc phòng mới cho Ukraine trị giá 250 triệu USD gồm tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow, xe bọc thép, đạn pháo 155 mm và 105 mm, đạn cho hệ thống HIMARS, Stingers, tên lửa TOW... Hà Lan cũng cam kết cung cấp cho Ukraine tên lửa không đối không trang bị cho máy bay chiến đấu F-16; Anh sẽ cung cấp 650 tên lửa phòng không đa năng hạng nhẹ (hay còn gọi là tên lửa Martlet); Đức sẽ cung cấp 12 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH) 2000 115mm; Canada cam kết gửi 29 xe bọc thép chở quân M113 và 64 xe bọc thép chở quân LAV-2 Coyote.
* Máy bay chiến đấu của Đức mang bom hạt nhân huấn luyện B61-12
Defence Blog dẫn bài đăng của người dùng TaskForce23 trên mạng xã hội X cho thấy máy bay chiến đấu Tornado của Đức mang theo bom hạt nhân huấn luyện B61-12, phiên bản không đầu đạn, dưới thân máy bay.
|
|
Máy bay chiến đấu Tornado của Đức mang theo bom hạt nhân huấn luyện B61-12. Ảnh: TaskForce23 |
Sören Schmelz, người phát ngôn của Văn phòng Mua sắm Bundeswehr Đức, xác nhận rằng 2 máy bay chiến đấu loại này đang được thử nghiệm tại Căn cứ Không quân Edwards ở California như một phần của chiến dịch “Người bạn đồng hành thầm lặng 24”. Trong email gửi Newsweek, Sören Schmelz cho biết 2 máy bay sẽ trở về Đức trong khoảng thời gian từ 11 đến 13-9.
Bom hạt nhân B61-12 là biến thể mới nhất của dòng bom hạt nhân B61, với sức công phá có thể lên đến 50 kiloton. Để so sánh, bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 có sức nổ lần lượt là 15 và 25 kiloton.
Máy bay chiến đấu Tornado có 2 phiên bản: Tornado IDS và Tornado ADV. Máy bay Tornado IDS tấn công mục tiêu với độ chính xác cao trong mọi điều kiện thời tiết, được trang bị 2 súng gắn bên trong và 2 tên lửa AIM-9 Sidewinder để tự vệ, được dẫn đường bởi một hệ thống dẫn đường chính xác, hoàn toàn tự động. Máy bay Tornado ADV cung cấp khả năng phòng không tự động trong mọi điều kiện thời tiết. Tornado ADV có thể phóng liên tiếp 4 tên lửa Skyflash tầm trung vào 4 mục tiêu, mang tên lửa Sidewinder và một pháo cỡ nòng 27mm để chiến đấu tầm gần.
Máy bay chiến đấu Tornado hiện là phương tiện được Đức chỉ định để triển khai vũ khí hạt nhân theo các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO dù trong tương lai máy bay này dự kiến sẽ được thay thế bằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35.
Cuộc thử nghiệm này nhấn mạnh vai trò của Đức trong chiến lược răn đe hạt nhân của NATO trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.