* Tây Ban Nha triển khai tên lửa phòng không Mistral 3 tại Slovakia

Theo trang tin Infodefensa, lực lượng Tây Ban Nha ở Slovakia, gồm khoảng 750 binh lính, sẽ được trang bị tên lửa phòng không vác vai Mistral 3 nhằm tăng cường năng lực phòng không.

leftcenterrightdel
 Tên lửa phòng không vác vai Mistral 3 do tập đoàn MBDA sản xuất. Ảnh: Spain MoD

Trước đó, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha đã đặt mua lô đầu tiên gồm 91 tên lửa Mistral 3 do Tập đoàn công nghệ quốc phòng MBDA của Pháp sản xuất. Cuối năm 2023, Tây Ban Nha đã mua thêm 1 lô hơn 500 tên lửa, dự kiến sẽ được giao vào năm 2026. Ngoài tổ hợp phòng không, Tây Ban Nha đang cân nhắc việc triển khai các khí tài khác ở Slovakia, bao gồm trực thăng tấn công Tiger và trực thăng vận tải NH90.

Mistral 3 là phiên bản tên lửa phòng không vác vai mới nhất của dòng Mistral do MBDA sản xuất nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay, trực thăng và máy bay không người lái (UAV). Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ngay từ phát bắn đầu tiên, cũng như có khả năng cơ động đặc biệt và đạt tốc độ siêu thanh. Mistral 3 có tuổi thọ hoạt động 20 năm và không cần bảo trì trong thời gian này.

Về thông số kỹ thuật, tên lửa Mistral 3 có chiều dài 1,88m, nặng dưới 20kg, mang đầu đạn nặng 3kg. Tên lửa có đường kính khoảng 92mm, có thể đạt tốc độ 930m/s, có tầm bắn từ 500m đến 8km và có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao lên tới 6km.

Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống vũ khí này là khả năng "bắn và quên", nghĩa là sau khi được phóng, tên lửa sẽ tự động truy đuổi mục tiêu. Bên cạnh đó, tên lửa có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, từ -40°C đến +71°C, thể hiện độ bền và độ tin cậy trong nhiều môi trường khác nhau.

* Nga ra mắt pháo phản lực nhiệt áp TOS-3 Dragon

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga công bố một video giới thiệu hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng ТОS-3 Dragon (Drakon) do Nhà máy Omsktransmash sản xuất. Đây là sản phẩm nối tiếp thành công của TOS-1A Sontsepek và TOS-2 Tosochka.

leftcenterrightdel

Lộ diện hình ảnh đầu tiên của hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-3 Dragon trong một sự kiện được tổ chức ở vùng Saratov, Tây Nam nước Nga. Ảnh: The WarZone

Pháo phản lực nhiệt áp là một loại vũ khí sử dụng đạn nhiệt áp để tạo ra vụ nổ lớn ở nhiệt độ cao, hút oxy của môi trường xung quanh, tạo ra sóng xung kích có sức hủy diệt mạnh. Khi đạn phát nổ sẽ phát tán các hóa chất dễ cháy vào không khí, gây ra vụ nổ thứ cấp đốt cháy toàn bộ oxy trong không khí xung quanh và tạo thành một "vùng chân không". Khi được bổ sung không khí, một sự chênh lệch áp suất rất lớn gọi là siêu áp (Overpressure) sẽ được hình thành khiến phạm vi sát thương và uy lực của sóng xung kích vượt xa so với chất nổ thông thường.

Điểm nổi bật của TOS-3 là giảm số lượng người vận hành, tối đa hóa về cả tầm bắn và độ chính xác trong các cuộc tấn công vào mục tiêu đối phương. TOS-3 sở hữu khả năng tự bảo vệ cao khi sử dụng khung gầm bánh xích và hệ thống nạp đạn tự động giúp giảm thời gian chuẩn bị và chuyển trạng thái chiến đấu.

ТОS-3 sẽ sử dụng loại đạn tương tự như người tiền nhiệm ТОS-2 với tầm bắn lên tới 15km. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã giảm cơ số ống phóng và tăng tầm bắn của đạn rocket lên tới 25km. Cùng với đó, thiết kế mô-đun của giàn phóng giúp đơn giản hóa và tăng tốc độ nạp đạn trên chiến trường. Ngoài ra, TOS-3 có thể sẽ sử dụng các phương tiện dẫn đường, trao đổi dữ liệu và điều khiển hỏa lực cải tiến hiện đại. Nhờ đó, hệ thống sẽ có tốc độ bắn nhanh hơn với độ chính xác cao hơn.

leftcenterrightdel
Phiên bản TOS-1A Sontsepek. Ảnh: The WarZone 

* Malaysia sắp có tàu chiến ven biển mới

Trang Military Leak đưa tin, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) chuẩn bị nhận tàu chiến ven biển (LCS) Maharaja Lela đầu tiên vào năm 2026.

Được biết, Maharaja Lela được hạ thủy vào cuối tháng 5 vừa qua để kiểm tra độ ổn định và tính toàn vẹn của tàu. Tiếp đó, nhà sản xuất sẽ lắp đặt thiết bị và tích hợp các hệ thống lên tàu và tiến hành thử nghiệm trên biển vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, chiếc LCS đầu tiên sẽ được bàn giao cho RMN vào tháng 8-2026 và chiếc cuối cùng sẽ được giao vào năm 2029.

leftcenterrightdel

Tàu chiến ven biển đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Malaysia dự kiến sẽ được giao vào tháng 8-2026. Ảnh: Military Leak

Trước đó, Malaysia quyết định chi 2,8 tỷ USD để tự đóng 6 tàu chiến ven biển mới cho lực lượng hải quân thay vì mua từ nước ngoài. Các tàu này dựa trên thiết kế của tàu hộ tống lớp Gowind do Tập đoàn Naval Group của Pháp sản xuất và sẽ được đóng tại xưởng Boustead Heavy Industries Corporation (BHIC) ở Lumut.

Với chiều dài 111m, chiều rộng 16m, mớn nước 3,85m và lượng giãn nước 3.100 tấn, Maharaja Lela sẽ là tàu chiến mặt nước lớn nhất và hiện đại nhất của Hải quân Malaysia. Vũ khí được trang bị trên tàu bao gồm pháo hạm Bofors 57mm, hệ thống vũ khí đánh chặn tự động MSI DS30M 30mm và ống phóng ngư lôi.  Về hệ thống tên lửa, Maharaja Lela được trang bị các bệ phóng tên lửa thẳng đứng VLS có khả năng triển khai tên lửa phòng không tầm ngắn MICA tương tự như Gowind và tên lửa chống hạm Naval Strike Missile (NSM).

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.