* Mỹ tiếp tục cung cấp bom MK-84 cho Israel

Theo The New York Times, bất chấp lệnh tạm dừng bán vũ khí quân sự cho nước ngoài trong 3 tháng do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, chính phủ Mỹ đang chuẩn bị tiến hành cung cấp một lô hàng gồm 1.800 bom MK-84 cho Israel, như một phần trong hoạt động hỗ trợ quân sự liên tục của Mỹ sau khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Máy bay chiến đấu F-35I của Israel được trang bị bom Mk-84 gắn bộ dụng cụ GBU-31 JDAM trước khi thử nghiệm thả bom. Ảnh: Army Regnition 

MK-84 là một loại bom nổ mạnh, đa năng do Mỹ sản xuất, có trọng lượng khoảng 900kg.
Đây là một trong những loại bom lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Bom được thiết kế để mang theo một lượng lớn thuốc nổ, có khả năng phá hủy nhiều loại mục tiêu khác nhau. Do uy lực mạnh, MK-84 thường được sử dụng để phá hủy các mục tiêu cơ sở hạ tầng lớn như các cơ sở quân sự, tuyến tiếp tế của đối phương và các cấu trúc kiên cố.

Dù có hiệu quả chiến đấu, MK-84 được coi là một loại vũ khí nguy hiểm trong tác chiến đô thị, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư. Bán kính nổ và khả năng gây sát thương là những mối lo ngại đáng kể, đặc biệt là khi đối phó với các mục tiêu gần khu dân cư. Vì lý do này, việc sử dụng nó ở Gaza đã gây ra những ý kiến trái chiều trong giới quốc phòng.

Bom MK-84 tương thích với nhiều loại máy bay chiến đấu như F-15 và F-16 của Mỹ và Israel. Những máy bay này có khả năng thả nhiều loại vũ khí với hệ thống nhắm mục tiêu chính xác, đảm bảo rằng bom được thả với hiệu quả tối đa.

* Iran lần đầu bắn thử tên lửa phòng không 9-Dey

Mới đây, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thử nghiệm bắn thử thành công hệ thống tên lửa phòng không 9-Dey.
Sự kiện này đánh dấu lần trình diễn công khai đầu tiên về thế hệ mới nhất của hệ thống 9-Dey, một nền tảng được phát triển trong nước nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trước một loạt các mối đe dọa trên không.

Cuộc tập trận bao gồm việc triển khai tên lửa điều khiển bằng AI, thể hiện những nỗ lực của Iran nhằm đưa công nghệ tiên tiến vào kho vũ khí quân sự của mình.

Iran đẩy nhanh quá trình phát triển các hệ thống tên lửa phòng không mới như 9-Dey để ứng phó với căng thẳng leo thang với Israel. Ảnh: Army Recognition

Hệ thống phòng không 9-Dey là hệ thống tên lửa di động tầm ngắn được thiết kế để tấn công các mục tiêu bay thấp và nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu.
Hệ thống này có phạm vi tác chiến hiệu quả 5-30km và trần bay lên đến 20km, cho phép tác chiến với các mối đe dọa ở nhiều khoảng cách và độ cao khác nhau.

Một trong những tính năng chính của 9-Dey là hệ thống radar, có khả năng phát hiện và tác chiến với nhiều mối đe dọa cùng lúc, cung cấp khả năng cảnh báo sớm và đánh chặn mạnh mẽ, rất cần thiết để chống lại các mục tiêu di chuyển nhanh như tên lửa và máy bay không người lái. Hệ thống tích hợp radar băng tần S, cải thiện hiệu suất thu thập thông tin về mục tiêu tác chiến.

Hệ thống phóng tên lửa của 9-Dey bao gồm 3 hàng, mỗi hàng gồm 2 thùng chứa tên lửa. 9-Dey được lắp trên khung gầm xe 6x6, là bản sao sản xuất tại địa phương của MZKT-6922 do Nga sản xuất.
Bằng cách áp dụng khung gầm này, Iran đảm bảo rằng hệ thống 9-Dey không chỉ cơ động mà còn có khả năng thích ứng cao với nhiều địa hình khác nhau, cho phép triển khai nhanh chóng ở khu vực đô thị và những vùng xa xôi.

Tính mô-đun của 9-Dey tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động, cho phép di chuyển và tái triển khai khi tình hình chiến thuật thay đổi nhanh chóng.

* Nhật Bản mua tên lửa Type 23 A-SAM

Theo thông tin do Chính phủ Nhật Bản công bố, Bộ Quốc phòng nước này đã phân bổ 32,7 tỷ Yên (250 triệu USD) để mua tên lửa dẫn đường hạm đối không Type 23 A-SAM, như một phần trong ngân sách quốc phòng năm 2025 của Nhật Bản.

Tên lửa Type 23 được phóng từ tàu thử nghiệm JS Asuka. Ảnh: ATLA 

Type 23 A-SAM được phát triển từ năm 2017, dựa trên tên lửa đất đối không tầm trung Type 03 (SAM-3) nhằm tăng cường khả năng phòng không của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF).

Tên lửa có thể chống lại các mối đe dọa tiên tiến như máy bay ném bom và tên lửa chống hạm của đối phương. Những cải tiến trên hệ thống Type 23 A-SAM bao gồm mái che radar được thiết kế lại để cải thiện khả năng nhắm mục tiêu, đường truyền dữ liệu dẫn đường giữa hành trình để tăng cường độ chính xác.

Điều này cung cấp cho tên lửa khả năng tấn công tầm xa và tính linh hoạt để có thể triển khai từ các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) lắp đặt trên các tàu khu trục đa năng của JMSDF.

Khả năng tấn công mục tiêu ở tầm xa cho phép A-SAM vô hiệu hóa các mối đe dọa trước khi chúng có thể gây nguy hiểm cho hoạt động của đội tàu hoặc các cơ sở ven biển.

Công nghệ theo dõi và dự đoán quỹ đạo tiên tiến giúp tăng cường hiệu quả của tên lửa đối với các mục tiêu di chuyển nhanh và cơ động, mang lại phản ứng mạnh mẽ trước các thách thức mới nổi trong khu vực.

Nhật Bản cũng vạch ra kế hoạch phát triển biến thể A-SAM trong tương lai nhằm giải quyết các mối đe dọa thế hệ tiếp theo. Phiên bản tiên tiến này sẽ tích hợp các công nghệ bổ sung để cải thiện khả năng theo dõi và đánh chặn các mục tiêu tốc độ cao.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.