* Pakistan phóng thành công tên lửa đạn đạo Shaheen-II
Theo tuyên bố của Lục quân Pakistan, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Shaheen-II diễn ra ngày 20-8. Mục đích của cuộc thử nghiệm là nhằm huấn luyện lực lượng, xác nhận các tính năng kỹ thuật và đánh giá hiệu suất của nhiều hệ thống khác nhau để cải thiện độ chính xác và khả năng sống sót.
|
|
Pakistan phóng thành công tên lửa đạn đạo Shaheen-II. Ảnh: khaama.com |
Trước đó, Hải quân Pakistan cũng đã tuyên bố thử nghiệm thành công một số tên lửa mới, được biết đến với tên gọi “F.N.6.”.
Tên lửa đạn đạo Shaheen-II có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, tầm bắn lên tới 1.500km.
Theo hãng thông tấn Khaama, việc phóng thành công tên lửa đạn đạo Shaheen-II cho thấy những nỗ lực liên tục của Pakistan nhằm duy trì và tăng cường năng lực răn đe chiến lược.
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho biết Pakistan hiện sở hữu 90 đến 110 đầu đạn hạt nhân.
Hồi tháng 5, Pakistan đã tiến hành phóng thử thành công hệ thống tên lửa dẫn đường Fateh-II có tầm bắn 400km. Hệ thống này được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại, quỹ đạo độc đáo và các tính năng cơ động nên có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao và đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
* UAE mua tên lửa siêu vượt âm Mako của Lockheed Martin?
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hiện đang đánh giá khả năng gửi yêu cầu Mua sắm hàng quân sự nước ngoài (FMS) tới Mỹ để mua tên lửa siêu vượt âm đa nhiệm Mako của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.
Theo Army Recognition, sự quan tâm của UAE đối với tên lửa siêu vượt âm Mako phù hợp với chiến lược sâu rộng hơn của nước này là duy trì các năng lực công nghệ để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trước các mối đe dọa mới nổi, đồng thời phản ánh sự đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng của UAE.
|
|
Tên lửa siêu vượt âm Mako nặng 590kg, dài 4m, đường kính 33cm. Ảnh: Lockheed Martin |
Được đặt theo tên loài cá mập nhanh nhất, tên lửa siêu vượt âm Mako nặng 590kg, dài 4m, đường kính 33cm, có thiết kế dạng mô-đun.
Tên lửa siêu vượt âm Mako là vũ khí phóng từ trên không mới được thiết kế để tương thích với nhiều loại máy bay quân sự của Mỹ, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22. Các cuộc thử nghiệm cho thấy Mako được trang bị cả bên trong và bên ngoài nhiều loại nền tảng, khiến tên lửa thích ứng với nhiều loại máy bay như F-15E, F-16C, F-35 Lightning II biến thể A và C, FA/18 Super Hornet và F-22 Raptor.
Thiết kế của tên lửa cho phép Mako đạt tốc độ vượt Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh).
* Lực lượng vũ trang Ukraine được trang bị xe chống mìn Buffalo
Bộ Quốc phòng Ukraine đã phê duyệt việc chuyển giao xe chống mìn Buffalo cho lực lượng vũ trang nhưng không tiết lộ cụ thể số lượng.
The Defense Post cho biết, xe chống mìn Buffalo có khả năng chống đạn tăng cường, ghế ngồi hấp thụ sốc và khung gầm đơn hình chữ V giúp dẫn năng lượng nổ xuống phía dưới xe, tránh xa người ngồi trong xe. Ngoài ra, xe còn có cửa sổ chống đạn dày 15cm, cánh tay rô-bốt dài 9m, tích hợp camera và cảm biến để xử lý chất nổ.
|
|
Xe chống mìn Buffalo sẽ được trang bị cho lực lượng vũ trang Ukraine. Ảnh minh họa: Creative Commons |
Theo Bộ Quốc phòng, loại xe này được trang bị khả năng bảo vệ loại III theo tiêu chuẩn STANAG 4569, đủ sức chịu được lực nổ của một quả mìn tương đương với 20kg thuốc nổ TNT.
Xe chống mìn Buffalo do Công ty Force Protection, có trụ sở tại Nam Carolina (Mỹ), sản xuất. Đây là phiên bản hiện đại hóa của xe chống phục kích, chống mìn Casspir của Nam Phi. Xe đã được đưa vào thực chiến tại Afghanistan và Iraq và đang phục vụ trong quân đội của hơn 10 nước, trong đó có Canada, Pháp, Ý, Pakistan, Anh và Mỹ.
* Tàu ngầm hạt nhân Losharik của Nga có thể lặn sâu bao nhiêu?
Theo hãng thông tấn TASS (Nga), việc đại tu và hiện đại hóa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Losharik (AS-31) ở vùng biển sâu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và các cuộc thử nghiệm trên biển sẽ bắt đầu ngay sau đó.
Army Recognition dẫn nguồn tin từ Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự quốc tế “Army-2024” cho biết tàu ngầm sẽ trải qua một loạt các thử nghiệm trên biển, tăng dần độ lặn sâu tối đa 6.000m.
|
|
Bức ảnh công khai duy nhất về tàu ngầm hạt nhân Losharik của Nga. Ảnh: Pravdasevera |
Losharik là một trong những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bí mật và chuyên dụng nhất của Nga. Tàu dài 70m, rộng 7m, lượng giãn nước 2.000 tấn, thủy thủ đoàn 25 người. “Trái tim” của tàu là lò phản ứng hạt nhân có ký hiệu E-17, giúp tàu có tầm hoạt động không giới hạn, chỉ phụ thuộc lượng lương thực mang theo.
Tàu ngầm hạt nhân Losharik được vận hành bởi Cục Nghiên cứu biển sâu của Hải quân Nga, một đơn vị bí mật chịu trách nhiệm về hoạt động trinh sát dưới nước và các hoạt động quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Nga.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.