Nga giới thiệu pháo tự hành 2S44 Giatsint-K
Tại buổi tổng duyệt cho Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở thủ đô Moscow hôm 29-4 (giờ địa phương), Nga đã giới thiệu 2S44 Giatsint-K, mẫu pháo tự hành mới nhất của lực lượng pháo binh nước này.
 |
Pháo tự hành 2S44 Giatsint-K tham gia buổi tổng duyệt cho Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở thủ đô Moscow hôm 29-4. Ảnh: RIA Novosti |
Những hình ảnh về 2S44 Giatsint-K bắt đầu xuất hiện cuối năm 2024 khi một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy một hệ thống pháo tự hành bánh lốp tương tự 2S43 Malva nhưng sử dụng loại pháo khác.
Tuy nhiên, thời điểm đó mẫu pháo này vẫn chưa có tên định danh chính thức. Đến ngày 10-2-2025, trong một phóng sự truyền hình về Lữ đoàn Pháo binh 238 thuộc Tập đoàn quân cận vệ số 8, tên gọi 2S44 Giatsint-K đã được xác nhận, đồng thời mẫu pháo này cũng đã được biên chế luôn cho các tiểu đoàn pháo binh mới thành lập của đơn vị.
Dù có thiết kế bên ngoài khá tương đồng với pháo tự hành 2S43 Malva, nhưng 2S44 Giatsint-K lại có sự khác biệt ở hệ thống pháo chính. Trong khi 2S43 Malva sử dụng pháo chính cỡ nòng 152mm/47 2A64, thì 2S44 Giatsint-K được trang bị pháo cỡ nòng 152mm/50 2A36. Đây là nòng pháo giống với nòng của lựu pháo kéo 2A36 Giatsint-B.
Khi sử dụng đạn nổ mạnh tiêu chuẩn, 2S44 Giatsint-K có tầm bắn 30,5km, với đạn tăng tầm như ZOF30 Baklan thì tầm bắn đạt khoảng 33,5km. Khi sử dụng đạn dẫn đường như ZOF95 Krasnopol-M2, 2S44 Giatsint-K đạt tầm bắn từ 37 đến 40km, còn với đạn Krasnopol-D thì tầm bắn là từ 45 đến 47km.
2S44 Giatsint-K được đặt trên khung gầm xe bánh lốp BAZ-6910-027 Voschina (8x8) do Nhà máy Bryansk sản xuất. Xe có chiều dài 12,4m, trọng lượng không tải là 18 tấn, có khả năng vận chuyển tới 20 tấn. Xe sử dụng động cơ diesel YaMZ-849 công suất 500 mã lực, vận tốc tối đa 80km/giờ, và tầm hoạt động lên tới 1.000km. Buồng lái được thiết kế phía trước, phía sau là bệ đặt pháo, khoang đạn và hệ thống chân đỡ.
2S44 Giatsint-K được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động (ASUNO), có khả năng tự động định vị chính xác mục tiêu, tính toán phần tử bắn và gửi thông tin về cho chỉ huy. Quá trình ngắm bắn trực tiếp được thực hiện bình thường dựa trên dữ liệu của hệ thống điều khiển hỏa lực. Mức độ tự động hóa cao giúp 2S44 Giatsint-K chỉ mất khoảng 2 đến 3 phút để vào vị trí bắn, sau đó có thể nhanh chóng rút lui để tránh đòn phản công của đối phương.
Mỹ đẩy nhanh chương trình máy bay ném bom B-21 Raider
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố gói ngân sách quốc phòng bổ sung trị giá 150 tỷ USD, trong đó phân bổ 4,5 tỷ USD dành riêng cho việc đẩy nhanh chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider của Không quân Mỹ.
 |
Một chiếc B-21 Raider thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại Căn cứ Không quân Edwards, bang California, Mỹ. Ảnh: Army Recognition
|
B-21 Raider là dòng máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ tấn công bằng cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân.
Chương trình phát triển B-21 Raider bắt đầu từ những năm 2010, khi Không quân Mỹ đề xuất phát triển một loại máy bay ném bom tầm xa (LRS-B) nhằm thay thế các dòng máy bay ném bom đời trước như B-52H, B-1B và B-2. Đây là những loại máy bay ném bom có chi phí vận hành cao và không còn phù hợp với môi trường tác chiến hiện đại.
Thiết kế của B-21 Raider kế thừa dòng B-2 Spirit nhưng có nhiều cải tiến đáng kể. Cấu trúc mở giúp máy bay dễ dàng tích hợp công nghệ mới, trong khi khả năng tàng hình được nâng lên nhờ tiết diện phản xạ radar và tín hiệu hồng ngoại phát ra thấp hơn. Máy bay hỗ trợ cả chế độ có người lái và không người lái, đồng thời được thiết kế mở để có thể tích hợp vũ khí năng lượng định hướng, hệ thống điều khiển bay tự động, và các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến trong tương lai.
Không quân Mỹ đã lên kế hoạch biên chế ít nhất 100 chiếc B-21 Raider cho các đơn vị, song các đánh giá mới đây cho thấy con số này có thể tăng lên thành 145 đến 200 chiếc, nhằm thay thế toàn bộ lực lượng máy bay ném bom hiện tại và đáp ứng các yêu cầu tác chiến trên phạm vi toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân
Tư lệnh Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, Đô đốc Ercüment Tatlıoğlu, khẳng định nước này sẽ tiến thêm một bước quan trọng trong việc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Warships International Fleet Review, Đô đốc Ercüment Tatlıoğlu cho biết kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân nằm trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, với các dự án đóng tàu ngầm đang được triển khai tại Nhà máy đóng tàu Gölcük.
 |
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai chương trình tàu ngầm lớp Reis, một phiên bản nội địa hóa dựa trên mẫu tàu ngầm Type 214 của Đức. Ảnh: Army Recognition |
Trong đó, dự án tàu ngầm nội địa MILDEN do Công ty quốc phòng ASFAT và Văn phòng Thiết kế dự án hải quân phối hợp triển khai. Mục tiêu là tự chủ hoàn toàn thiết kế và chế tạo theo yêu cầu. Hiện chưa công bố loại động cơ được dùng cho MILDEN, nhưng dư luận cho rằng phiên bản đầu tiên có thể sử dụng hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) được hỗ trợ bằng pin lithium-ion, trong khi thế hệ tiếp theo có thể hướng tới động cơ hạt nhân.
Ngoài ra, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang triển khai chương trình tàu ngầm lớp Reis, một phiên bản nội địa hóa dựa trên mẫu tàu ngầm Type 214 của Đức, với hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập sử dụng pin nhiên liệu hydro lỏng do nước này sản xuất. Tàu được trang bị sonar tiên tiến, anten nổi, hệ thống liên lạc vệ tinh, cùng khả năng rải thủy lôi và hỗ trợ tác chiến đặc biệt.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.