* Mỹ phê duyệt bán 400 tên lửa AIM-120D3 cho Ba Lan

Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một thương vụ bán tên lửa không đối không tầm trung AIM-120D3, với giá trị ước tính 1,33 tỷ USD, cho Chính phủ Ba Lan. Thương vụ này đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tăng cường năng lực phòng không của Ba Lan. 

Trong khi vẫn giữ nguyên thiết kế khí động học của các biến thể trước đó, tên lửa AIM-120D3 kết hợp những cải tiến lớn về tầm bắn, khả năng dẫn đường, kết nối và khả năng chống lại các biện pháp chế áp điện tử. Ảnh: Raytheon 

Theo thông tin được công bố, Ba Lan mong muốn mua 400 tên lửa AIM-120D3 cùng với 16 bộ dẫn đường đi kèm được trang bị mô-đun mã hóa GPS chống giả mạo có chọn lọc (SAASM) hoặc M-Code và một thiết bị thử nghiệm AIM-120 có gắn cảm biến.

AIM-120D3 là phiên bản tiên tiến nhất của dòng tên lửa không đối không tầm trung AMRAAM, do công ty RTX (trước đây là Raytheon) phát triển. Trong khi vẫn giữ nguyên thiết kế khí động học của các phiên bản trước, mẫu D3 tích hợp những cải tiến lớn về tầm bắn, khả năng dẫn đường, kết nối và khả năng chống các biện pháp chế áp điện tử. Với hệ thống điều hướng quán tính kết hợp liên kết dữ liệu hai chiều, tên lửa vẫn giữ khả năng “bắn và quên” trong khi được tăng cường khả năng thích ứng trong hành trình bay nhờ cập nhật cảm biến qua mạng. Động cơ nhiên liệu rắn cho phép tên lửa đạt tốc độ siêu thanh gần Mach 4, với tầm bắn khoảng 160-180km, cho phép tấn công ngoài tầm nhìn (BVR).

Được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa trên không tiên tiến, AIM-120D3 có thể được phóng từ nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và 5, bao gồm F-15, F-16, F/A-18, F-22, F-35, Eurofighter Typhoon và Rafale. Tên lửa này có khả năng đánh chặn các mục tiêu cơ động cao như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tên lửa hành trình. Nó được trang bị đầu đạn phân mảnh nặng 20kg cùng hệ thống kích nổ bằng cảm biến tiệm cận và chạm nổ. Ngoài ra, phiên bản D3 còn tương thích với các hệ thống phòng không mặt đất như NASAMS, mở ra khả năng cho Ba Lan tích hợp tên lửa này vào một mạng lưới phòng không phân tầng theo tiêu chuẩn NATO.

* Ấn Độ đặt hàng 156 trực thăng tấn công Prachand

Theo Army Recognition, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký 2 hợp đồng với công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) để đặt hàng 156 trực thăng tấn công hạng nhẹ Prachand kèm theo thiết bị huấn luyện và hỗ trợ liên quan.

Trong số này, 66 trực thăng sẽ được biên chế cho Không quân Ấn Độ (IAF) và 90 chiếc cho Lục quân Ấn Độ. Việc bàn giao dự kiến sẽ bắt đầu từ năm thứ 3 sau khi ký hợp đồng và hoàn tất trong vòng 5 năm, với khoảng 30 chiếc được giao mỗi năm.

Trực thăng Prachand có cấu hình ghế đôi, thân máy bay hẹp giúp tối ưu hóa khả năng tác chiến trong các không gian hạn chế. Trực thăng này cũng được trang bị hệ thống bánh đáp ba càng chống va chạm, tăng cường độ an toàn trong các tình huống khẩn cấp. Ảnh: Aatish Pillai 

Được trang bị 2 động cơ trục tua bin, trực thăng Prachand có thể đạt tốc độ tối đa 280km/giờ, phạm vi hoạt động 700km khi mang vũ khí, thời gian bay liên tục 3 giờ 10 phút và trần bay 6.500m. Tải trọng vũ khí của trực thăng là 1.750kg.

Vũ khí chính của trực thăng bao gồm pháo nòng xoay 20mm Nexter M621, giá treo rocket 70mm FZ275, tên lửa không đối không Mistral và tên lửa chống tăng Helina (phóng từ trực thăng). Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, gồm cảnh báo radar, cảnh báo laser và cảnh báo tiếp cận tên lửa.

Hiện đã có 15 chiếc được bàn giao trong đợt sản xuất giới hạn và 156 chiếc tiếp theo đang được sản xuất theo hợp đồng mới. Phiên bản lục quân sẽ có khác biệt so với phiên bản không quân, đặc biệt là không sử dụng tên lửa không đối không Mistral 2 mà Không quân sử dụng.

* Chile đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để hiện đại hóa xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3

Theo nguồn tin từ TurDef, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động các cuộc thảo luận liên quan đến khả năng hiện đại hóa xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3 đang phục vụ trong Lục quân Chile. Động thái này diễn ra sau khi hai nước đạt được thỏa thuận riêng về gói nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4CHL theo chương trình PROACO.

Quân đội Chile mua 146 xe đã qua sử dụng từ Đức năm 2008 và và các đợt mua bổ sung sau đó đã nâng tổng số lên khoảng 270 xe, giúp Chile trở thành nước có đội xe lớn thứ hai trên thế giới. Ảnh: Ejército de Chile

Việc nâng cấp dòng Leopard hiện đang được thực hiện bởi công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Aselsan. Đây cũng là đối tác tiềm năng cho chương trình nâng cấp Marder 1A3. Những nỗ lực hợp tác quốc phòng song phương giữa Chile và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kéo dài tuổi thọ và nâng cao năng lực chiến đấu của các phương tiện bọc thép hiện có.

Chile hiện vận hành khoảng 270 xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3, là lực lượng lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Đức. Quân đội Chile bắt đầu mua các xe chiến đấu bộ binh này từ năm 2008 thông qua việc mua lại 146 xe đã qua sử dụng từ Đức, được cải tạo bởi công ty Rheinmetall Landsysteme GmbH.

Marder 1A3 được trang bị pháo tự động MK 20 Rh 202 20mm với hệ thống nạp đạn kép, tương thích với cả đạn nổ mạnh và đạn xuyên giáp. Pháo MK 20 Rh 202 có tầm bắn hiệu quả 2.000m và tốc độ bắn tối đa 880-1.030 phát/phút. Lớp giáp của xe có khả năng bảo vệ kíp xe và binh lính trước hỏa lực súng bộ binh từ mọi hướng và chịu được đạn cỡ 30mm ở mặt trước. Xe cũng được trang bị hệ thống bảo vệ NBC, thiết bị nhìn đêm cho lái xe và thiết bị ảnh nhiệt dùng chung cho chỉ huy và pháo thủ.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.