* Xung đột phe phái ở Sudan đã bùng nổ thành xung đột vũ trang toàn diện

Số người chết trong xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF đã lên con số 61 và hơn 670 người khác bị thương. Cuộc đụng độ xảy ra do tranh giành quyền lực giữa người đứng đầu quân đội Sudan Tướng Abdel-Fattah Burhan và người đứng đầu Lượng lượng bán quân sự RSF Tướng Mohammed Hamdan Dagalo. Hai nhân vật quyền lực này từng là đồng minh tổ chức cuộc đảo chính quân sự vào tháng 10-2021 khiến quá trình chuyển đổi sang một chế độ chính trị dân chủ của Sudan lâm vào bế tắc.

leftcenterrightdel
Xung đột toàn diện nổ ra ở Sudan. Ảnh: AFP qua Onmanorama  

Trong vài tháng gần đây, hy vọng về quá trình chuyển đổi dường như sống lại khi các cuộc đàm phán được cộng đồng quốc tế ủng hộ đã được nối lại. Thế nhưng căng thẳng đã lại gia tăng giữa Tướng Burhan và Tướng Dagalo. Thỏa thuận giữa các đảng phái chính trị cuối cùng lại thêm một lần nữa bị trì hoãn.

Căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm và biến thành xung đột vũ trang toàn diện vào ngày 15-4 (giờ địa phương) khi cả 2 bên huy động hỏa lực hạng nặng nã thẳng vào đội hình của nhau ở ngay thủ đô Khartoum và nhiều địa phương khác. Giao tranh đặc biệt dữ dội ở các địa điểm chiến lược như sân bay, trụ sở đài truyền hình quốc gia và các điểm đóng quân của quân đội.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal Bin Farhan trong các cuộc điện đàm với lãnh đạo các phe phái ở Sudan đã kêu gọi các bên ngừng mọi hoạt động leo thang quân sự. Mặc dù cả 2 bên đều tuyên bố nắm giữ các điểm trọng yếu và thể hiện rõ quan điểm không sẵn sàng đàm phán, nhưng đã nhất trí để Liên hợp quốc mở một hành lang an toàn cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo từ 15 giờ ngày 16-4 (giờ GMT).

* 40 người đã thiệt mạng và 33 người khác bị thương trong cuộc tấn công nhằm vào quân đội và lực lượng tình nguyện quốc phòng ở Burkina Faso. Trong thông báo phát đi cuối ngày Chủ nhật (giờ địa phương), cuộc tấn công nổ ra ở làng Aorema gần thị trấn Ouahigouya ở miền Bắc, gần biên giới với Mali, nơi đang bị kiểm soát bởi các nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hiện chưa có nhóm nào trong số này nhận trách nhiệm về cuộc tấn công.

leftcenterrightdel
Bất ổn lan rộng ở Tây Phi sau khi bùng phát ở Mali năm 2012. Ảnh: AFP qua Alarabiya News  

Thông báo cũng cho biết đã có 6 binh sĩ chính phủ và 34 nhân viên lực lượng tình nguyện quốc phòng thiệt mạng trong cuộc tấn công. Chính phủ Burkina Faso đã kêu gọi người dân tham gia các lực lượng quốc phòng nhằm nỗ lực ngăn chặn bạo lực kéo dài 8 năm qua khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nhà đi tị nạn.

Chỉ trong 2 năm qua đã nổ ra 2 cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia Tây Phi này. Lực lượng quân đội tuyên bố sẽ tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia nhưng vẫn không thể ngăn chặn các cuộc tấn công vào thường dân và ngay chính bản thân lực lượng của mình. Tình trạng bất ổn bắt đầu xảy ra ở khu vực Tây Phi vào năm 2012, từ Mali lan rộng sang các quốc gia láng giềng Burkina Faso và Niger, đe dọa gây bất ổn sâu hơn cho các quốc gia ven khu vực này.

* Giải cứu phi công New Zealand bất thành, ít nhất 6 binh sĩ Indonesia thiệt mạng và 30 người khác mất tích

Các quan chức Indonesia cho biết, cuối ngày 16-4 các tay súng ly khai Tây Papua đã tấn công vào lực lượng quân đội Indonesia được triển khai đến Tây Papua để giải cứu Phillip Mark Mehrtens, phi công New Zealand bị phiến quân bắt làm con tin nhiều tháng trước đó.

leftcenterrightdel

Giải cứu bất thành phi công New Zealand bị phiến quân bắt giữ ở Papua, Indonesia. Ảnh: Stuff 

Thông tin ban đầu từ các báo cáo của quân đội cho biết 36 binh sĩ này đang đóng quân tại một chốt quân sự khu vực miền núi Nduga thì bị tấn công bởi các tay súng ly khai. 21 người trong số đó đã bỏ chạy vào rừng. Trong khi phát ngôn viên quân đội xác nhận chỉ có một binh sĩ thiệt mạng và 9 binh sĩ khác đang bị phiến quân bắt giữ, báo cáo quân sự báo chí New Zealand tiếp cận được cho biết đã có ít nhất 6 binh sĩ thiệt mạng.

Phát ngôn viên lực lượng quân đội ở Papua Đại tá Herman Taryaman xác nhận 36 binh sĩ nói trên thuộc lực lượng được phái đến Papua để giải cứu viên phi công người New Zealand của hãng hàng không Susi Air. Phát ngôn viên lực lượng phiến quân Sebby Sambom cũng tuyên bố cuộc tấn công là để trả đũa cho 2 tay súng của mình bị tiêu diệt bởi lực lượng an ninh Indonesia hồi tháng trước. Hoạt động giải cứu viên phi công New Zealand vẫn lâm vào bế tắc.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)