* Phần Lan hỗ trợ Slovenia mua xe bọc thép mô-đun AMV XP

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen và Bộ trưởng Quốc phòng Slovenia Borut Sajovic đã chính thức ký Ý định thư (LOI), đánh dấu cam kết của cả 2 quốc gia trong việc hỗ trợ Slovenia mua xe bọc thép mô-đun 8x8 (AMV) từ Patria, một công ty công nghệ và quốc phòng hàng đầu của Phần Lan.

Được soạn thảo bởi Bộ Quốc phòng 2 nước, LOI nêu bật ý định của 2 bên trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng. Theo thỏa thuận, Phần Lan sẽ hỗ trợ Slovenia mua AMV XP 8x8 của Patria.

Được biết đến với tính mô-đun, tính cơ động và khả năng bảo vệ mạnh mẽ, mẫu bọc thép này được đánh giá là một trong những phương tiện tốt nhất trên thị trường toàn cầu. Với khả năng cung cấp hỏa lực, bảo vệ, cùng tính linh hoạt vượt trội, phương tiện phù hợp hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau.

AMV XP là phiên bản nâng cấp của xe bọc thép mô-đun AMV do Patria thiết kế, mang lại khả năng bảo vệ và chiến đấu vượt trội. Ảnh: PATRIA

Với khả năng vượt trội, AMV XP 8x8 đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong các dự án của các quốc gia.

Quyết định mới đây của Slovenia đã phản ánh xu hướng ngày càng tăng trong việc tìm kiếm khả năng xe bọc thép nâng cao cho lực lượng vũ trang của mình.

AMV XP là phiên bản nâng cấp của xe bọc thép mô-đun AMV, cung cấp khả năng bảo vệ và chiến đấu vượt trội. Chủ yếu được sử dụng bởi các quốc gia như Bulgaria, Phần Lan và Slovakia, AMV XP nổi bật với các tính năng tiên tiến, phù hợp với nhu cầu hiện đại của lực lượng vũ trang.

Vũ khí của AMV XP bao gồm hệ thống vũ khí Trackfire, với 1 pháo 25mm và một súng máy đồng trục 7,62mm, cung cấp hỏa lực đáng kể cho các cuộc giao tranh tầm trung.

Xe cũng có thể được trang bị 1 pháo 120mm, linh hoạt tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ. Về khả năng bảo vệ, AMV XP có lớp giáp chống đạn bắn thẳng dạng mô-đun, cùng với hệ thống bảo vệ chống mìn và thiết bị nổ tự chế, đảm bảo an toàn cho kíp xe trước các mối đe dọa trên chiến trường hiện đại.

Với trọng lượng chiến đấu tối đa là 30.000kg, AMV XP có thể duy trì lớp giáp chắc chắn trong khi vẫn duy trì tính cơ động cao. Với tốc độ tối đa 100km/giờ trên đường, AMV XP có khả năng di chuyển nhanh chóng và hiệu quả trên nhiều địa hình khác nhau, đồng thời cung cấp phạm vi hoạt động từ 600 đến 1.000km, tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và nhu cầu hoạt động.

Ngoài kíp lái 2 người, AMV XP cũng có thể chở thêm 10 binh lính. Điều này khiến nó trở thành phương tiện vận chuyển bọc thép lý tưởng cho các hoạt động triển khai nhanh và chiến đấu.

Xe cũng được trang bị một số phụ kiện giúp tăng cường khả năng hoạt động, như hệ thống bảo vệ hạt nhân, sinh học, hóa học; công nghệ chiếu sáng LED; điều hòa không khí; hệ thống liên lạc nội bộ; thiết bị nhìn đêm.

* UAV nội địa Aarok của Pháp có gì nổi bật?  

Quân đội Pháp đang theo dõi chặt chẽ tiến độ dự án phát triển Aarok, máy bay không người lái (UAV) tầm trung có khả năng bay trong thời gian dài (MALE), của Công ty Turgis & Gaillard.

Kể từ khi được giới thiệu, Aarok đã thu hút sự chú ý của các quan chức Quân đội Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã đề cập đến khả năng đưa Aarok vào chương trình quân sự 2024-2030.   

Aarok được thiết kế để có thể bay liên tục trong hơn 24 giờ, nhờ động cơ tua-bin cánh quạt 1.200 mã lực. Phương tiện này được trang bị cảm biến quang điện tử lớn, thiết bị điện từ, radar đa chế độ và có khả năng mang theo tới 1,5 tấn đạn dược, có thể triển khai trên địa hình gồ ghề, một tính năng đặc biệt được Quân đội Pháp quan tâm.

Theo quan chức Quân đội Pháp, chi phí ước tính cho Aarok là từ 5 đến 10 triệu Euro.  

Kể từ khi trình làng, UAV Aarok thu hút sự quan tâm của Quân đội Pháp. Ảnh: Aarok

Aarok có thể mang theo tên lửa và bom dẫn đường chính xác. Hệ thống vũ khí của UAV được thiết kế theo dạng mô-đun, cho phép thay đổi khí tài phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm tập kích, trinh sát trên biển và đất liền, chống tàu ngầm.

Khả năng Quân đội Pháp mua Aarok cho tới nay vẫn còn bỏ ngỏ. Trong các cuộc tranh luận về dự luật tài chính năm 2025, Bộ trưởng Lecornu đã đề cập đến khả năng dùng khoản tiết kiệm ngân sách, liên quan đến sự chậm trễ trong dự án máy bay không người lái MALE Eurodrone cho việc mua UAV, để đẩy nhanh quá trình "UAV hóa" của Quân đội Pháp.

Do đó, mặc dù việc mua Aarok vẫn chưa được xác nhận, nhưng không loại trừ khả năng Quân đội Pháp có thể cân nhắc mua nó trong tương lai gần.

* Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng động cơ nội địa cho pháo tự hành Firtina-II

Army Recognition dẫn thông tin từ trang SavunmaSanayiST cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được tổng cộng 140 pháo tự hành Firtina-II 155mm, như một phần của chương trình hiện đại hóa quân đội của mình.

SavunmaSanayiST cũng nhấn mạnh việc nước này sẽ sử dụng nhóm động cơ UTKU nội địa cho các phiên bản nâng cấp trong tương lai. Việc chuyển đổi sang các thành phần sản xuất nội địa nằm trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Là phiên bản cải biên từ pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc, T-155 Firtina đã được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng từ năm 2004. Được phát triển thông qua thỏa thuận chuyển giao công nghệ với Hàn Quốc, Firtina có tháp pháo được cải tiến, với khả năng chứa đạn dược tăng lên và hệ thống kiểm soát hỏa lực được điều chỉnh theo yêu cầu hoạt động thực tế. Hệ thống này cũng đã trải qua quá trình cải tiến liên tục.

Phiên bản cải tiến Firtina-II được trang hệ thống định vị tháp pháo và nòng pháo chạy bằng điện, cơ chế nạp đạn tự động và tích hợp hệ thống vũ khí điều khiển từ xa SARP (RCWS). Những thay đổi bổ sung bao gồm hệ thống kiểm soát hỏa lực được nâng cấp, kiểm soát khí hậu và hệ thống chữa cháy tự động.

Xe vẫn giữ nguyên lớp vỏ bọc thép hàn hoàn toàn, được thiết kế để chịu được hỏa lực vũ khí nhỏ cỡ nòng 14,5mm và mảnh đạn pháo.

Phiên bản cải tiến Firtina-II bao gồm hệ thống định vị nòng và tháp pháo chạy bằng điện, cơ chế nạp đạn tự động và tích hợp hệ thống vũ khí điều khiển từ xa. Ảnh: SavunmaSanayiST

Firtina-II được trang bị pháo nòng 155mm, dài 52 caliber, tương thích với đạn tiêu chuẩn NATO, và có tầm bắn lên đến 40km tùy thuộc vào loại đạn được sử dụng.

Pháo được trang bị động cơ diesel MTU 881 Ka-500, công suất 1.000 mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa 67km/giờ. Xe duy trì tỷ lệ công suất trên trọng lượng là 21 mã lực/tấn và có thể bắn 3 phát trong 15 giây.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển một biến thể của Firtina có tên là Gürhan. Phiên bản này kết hợp hệ thống đẩy kết hợp động cơ diesel với động cơ điện. Động cơ điện tạo ra công suất 1.300 mã lực, tăng phạm vi hoạt động lên 500km.

Gürhan đã trải qua các cuộc thử nghiệm bắn vào tháng 7-2024 và được thiết kế để giảm bớt hạn chế về nguồn cung từ nước ngoài, trong khi chuẩn bị cho các đợt bán hàng tiềm năng.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.