Tờ báo Nhật Bản The Mainichi dẫn các nguồn tin quốc phòng đăng tải, Bộ Quốc phòng đang theo đuổi chương trình phát triển tên lửa siêu vượt âm tương lai với tên gọi Нyper Velocity Gliding Projectiles - HVGP (tạm dịch: Thiết bị lượn siêu vượt âm tương lai). Dòng vũ khí tương lai này sẽ được trang bị cho Lục quân Nhật Bản vào năm 2026, còn phiên bản chống hạm sẽ được biên chế vào năm 2028.
Từ các thông tin công khai, HVGP sẽ là tổ hợp vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, do bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, HVGP phiên bản tiêu chuẩn sẽ chỉ được giới hạn ở phạm vi 500km. Trong tương lai, Nhật Bản có thể phát triển các biến thể mới của HVGP với tầm bắn, trọng lượng đầu đạn mang theo và hệ thống dẫn đường phức tạp hơn.
 |
Hình ảnh mô phỏng được cho là của tổ hợp vũ khí siêu vượt âm HVGP. |
Dù chưa có phác thảo, nhưng Quân đội Nhật Bản đã lên kế hoạch trang bị các tổ hợp HVGP phiên bản diệt hạm trên quần đảo Ryukyu để tăng cường năng lực phòng thủ ở Hoàng Hải. Trong các năm tài khóa 2018-2019, Nhật Bản tổng cộng đã chi 18,5 tỷ Yên cho chương trình phát triển HVGP. Con số này trong năm 2020 sẽ tăng lên 25 tỷ Yên.
Điểm khác biệt chính của các loại vũ khí siêu vượt âm mới đều có tốc độ bay tiệm cận Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh). Chúng có thể thay đổi quỹ đạo bay, cũng như trần bay rất thấp. Các hệ thống cảnh báo sớm có thể nhầm tín hiệu của dòng vũ khí này với nhiễu nền của mặt đất hoặc thời tiết. Trên thế giới hiện chưa có hệ thống phòng thủ nào bảo đảm khả năng phát hiện và đánh chặn hiệu quả với các dòng vũ khí siêu vượt âm tương lai.
Trong vài năm gần đây, Mỹ rất tích cực phát triển các dòng tên lửa siêu vượt âm tương lai. Năm 2018, Mỹ đã khởi động chương trình phát triển tên lửa đối đất mới. Chương trình này được tiến hành đồng thời với dự án vũ khí mới của Không quân Mỹ. Trong đầu tháng 1-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng khẳng định nước này đang tập trung phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai.
 |
Vũ khí siêu vượt âm tương lai đang tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các siêu cường.
|
Giới chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá, việc phát hiện và theo dõi các loại vũ khí siêu vượt âm mới khó hơn nhiều so với các loại vũ khí đạn đạo truyền thống. Chúng nhỏ hơn, bay nhanh hơn và có quỹ đạo bay rất phức tạp. Để đối phó với dòng vũ khí tương lai này, cần hệ thống cảnh báo sớm có thể làm việc theo mốc thời gian thực. Hệ thống cảm biến sẽ liên kết với nhau trong mạng truyền thông tin hợp nhất. Việc bảo đảm luồng thông tin được thông suốt trong hệ thống tới trung tâm chỉ huy chính là vấn đề MDA cần giải quyết.
Hiện không rõ Nhật Bản có hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí tương lai này hay không? Trong quá khứ hai nước từng có nhiều hợp tác thành công trong lĩnh vực vũ khí phòng thủ tên lửa.
TUẤN SƠN (theo Defense News)