Theo USNI News, lực lượng này sẽ phát ra đề nghị mời thầu (RFP) về dự án này cho các hãng sản xuất quốc phòng trong vòng hai tháng tới.
Dự kiến, tàu USV tầm trung này sẽ trở thành một trạm cảm biến và thông tin liên lạc trên biển, nằm trong mạng lưới các hệ thống vũ khí mặt nước không người lái của Hải quân Mỹ trong tương lại.
Hải quân Mỹ yêu cầu các nhà thầu xây dựng thiết kế của USV với chiều dài dự tính khoảng 50m, có thể chuyên chở thiết bị tương đương với 1 chiếc container tiêu chuẩn, hoạt động trên biển khoảng 60 ngày liên tục và khả năng tiếp nhiên liệu trên biển.
 |
Nguyên mẫu USV Sea Hunter của Hải quân Mỹ. |
Đặc biệt, tàu còn phải tự hành theo quy định của luật biển quốc tế với tốc độ 30km/giờ, tầm hoạt động hơn 8.000km, và có thể được điều khiển thông qua tín hiệu vệ tinh hoặc các trạm mặt đất.
Theo Chuẩn Đô đốc Ron Boxall, người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến mặt nước (OPNAV N96) Hải quân Mỹ cho biết khả năng lớp USV mới này sẽ lấy cảm hứng từ nguyên mẫu tàu chiến chống ngầm không người lái Sea Hunter (Thợ săn trên biển) của lực lượng này.
Sea Hunter là sản phẩm của Cơ quan Nghiên cứu thiết kế cao cấp Bộ Quốc phòng (DARPA) và đã được bàn giao cho Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR) để tiếp tục thử nghiệm, đánh giá. Tàu có chiều dài 40m, lượng giãn nước 145 tấn, tốc độ tối đa 50km/giờ, có thể hoạt động trong mọi thời tiết. Tàu không trang bị vũ khí và được thiết kế có khả năng tìm kiếm, phát hiện, lọc ra mối đe dọa thụ động, định vị trí và theo dõi mục tiêu một cách tự động.
Tàu USV được coi là một phần quan trọng trong đội hình tác chiến hạm đội tương lai với khả năng dần thay thế các tàu có người lái thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm. Bên cạnh đó, nó sẽ phát huy được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tàu chiến hải quân, cảng biển, các công trình trên biển...
PHẠM HUY (theo Navy Recognition)