Theo đó, nhà thầu quốc phòng này sẽ phụ trách xây dựng và tích hợp một gói trang bị gồm các cảm biến tân tiến, hệ thống bắt và theo dõi mục tiêu, hệ thống MMHEL 50 Kilowatt, và hệ thống chỉ huy-kiểm soát hỏa lực trên xe Stryker.
Được biết, hệ thống MMHEL phải có kích thước nhỏ gọn để xe có thể di chuyển và chiến đấu cùng với các lực lượng tác chiến trực tiếp trên chiến trường.
Trong quá trình chiến đấu, vũ khí năng lượng trực tiếp trên sẽ góp phần bảo vệ các đơn vị bộ binh Mỹ trên tiền tuyến khỏi các cuộc tấn công bằng rocket, pháo và súng cối (RAM), máy bay không người lái (UAV), hoặc các mối đe dọa khác từ trên không của đối phương.
 |
Một xe Stryker được trang bị vũ khí laser công suất 5 Kilowatt. Ảnh: Army News Service. |
Năm 2017, Lục quân Mỹ cũng thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất thấp (5 Kilowatt và 10 Kilowatt) gắn trên xe Stryker. Hệ thống còn có một radar theo dõi riêng, đề phòng trường hợp radar của xe bị vô hiệu hóa khi chiến đấu, và thiết bị gây nhiễu điện từ chế áp máy bay trinh sát đối phương.
Nếu trang bị vũ khí laser công suất cao từ 50 Kilowatt trở lên, hệ thống đó sẽ tác chiến hiệu quả hơn để chống lại tên lửa và đạn pháo cũng như UAV cỡ lớn. Đây là ý tưởng mới về một hệ thống phòng thủ đa năng có thể bảo vệ những khu vực rộng lớn chống lại hỏa lực đối phương.
Song song với chương trình này, Lục quân Mỹ cũng đang hợp tác với liên doanh nội địa Dynetics để sản xuất tổ hợp vũ khí laser công suất cao lên tới 100 Kilowatt lắp trên xe cơ giới chiến thuật hạng trung (FMTV).
 |
Mô hình đồ họa xe FMTV trang bị vũ khí laser công suất 100 Kilowatt của liên doanh Dynetics. Ảnh: New Atlas. |
Vũ khí laser sẽ mang lại nhiều lợi thế như chi phí mỗi lần bắn rất thấp, không bị hạn chế về số lượng như đầu đạn hay tên lửa truyền thống, thiết bị hoạt động yên tĩnh và khó bị phát hiện bởi đối phương trong điều kiện ánh sáng tốt. Tuy nhiên, việc cung cấp đủ điện năng cho một phương tiện cỡ nhỏ như Stryker để sử dụng vũ khí laser công suất cao sẽ là một thách thức không nhỏ.
HỮU ĐÔ (theo Army Recognition)