Bộ Quốc phòng Israel cho biết đã tiến hành thành công hàng loạt vụ phóng thử phiên bản nâng cấp của tổ hợp phòng thủ tên lửa Iron Dome. Phiên bản nâng cấp mới của Iron Dome sẽ có khả năng đánh chặn các phương tiện bay tương tự như các loại vũ khí phòng không thông thường.
Nguồn tin trên cho biết, nguyên mẫu Iron Dome nâng cấp đã tham gia thử nghiệm bắn chặn các mục tiêu bay không người lái tại bãi thử của Công ty Rafael Advanced Defense System ở miền Nam Israel.
“Iron Dome hiện là một thành phần thiết yếu của hệ thống phòng không Israel hiện tại và trong tương lai. Tất cả những cải tiến của tổ hợp vũ khí này đều đáp ứng những thách thức mới Israel phải đối phó trong tương lai”, Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Israel công bố.
 |
Tổ hợp tên lửa đánh chặn Iron Dome. Ảnh: Rafale. |
Đại diện Rafael Advanced Defense System cho biết, các thử nghiệm của tổ hợp Iron Dome nâng cấp đạt tỷ lệ thành công 100%. Vũ khí nâng cấp đã tiêu diệt tất cả các mục tiêu thử nghiệm đề ra. Kể từ năm 2010 tới nay, các tổ hợp Iron Dome đã thực hiện hàng trăm vụ đánh chặn với hơn 2.000 mục tiêu bị tiêu diệt.
Dù các thông tin chi tiết về phiên bản nâng cấp của tổ hợp Iron Dome không được tiết lộ, nhưng giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Israel giới thiệu phiên bản Iron Dome đa dụng mới là nhằm đối phó với các mối nguy cơ có thể đến từ Iran, cũng như nâng cao hiệu quả phòng không-phòng thủ tên lửa của nước này.
Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng tới 150km vuông, mỗi tiểu đoàn Iron Dome bao gồm một trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi và dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ. Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở việc, tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn tiêu diệt mục tiêu.
 |
Tổ hợp Iron Dome có tỷ lệ đánh chặn thành công rất cao tới gần 90%. Ảnh: Jerusalem Post.
|
Iron Dome được đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất thế giới. Các tổ hợp Iron Dome trong biên chế Quân đội Israel tỷ lệ thành công tới hơn 90% khi triển khai hoạt động tại Dải Gaza, địa điểm thường xuyên bị tấn công bởi đạn cối, rocket và đạn pháo từ vùng lãnh thổ Palestine.
Vì hiệu quả của tổ hợp Iron Dome, Quân đội Mỹ đã đặt mua một số đơn vị với nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ khỏi nguy cơ bị tấn công bởi thiết bị bay không người lái tự sát.
TUẤN SƠN (theo Defense News)