Theo tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao Nga, Hiệp ước về Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên Xô đã chính thức hết hiệu lực vào ngày 2-8 theo đề nghị từ phía Washington.
“Ngày 2-8-2019, theo yêu cầu từ phía Mỹ, Hiệp ước INF giữa Mỹ và Cộng hòa Liên bang XHCN Xô Viết ký ngày 8-12-1987 tại Washington đã chính thức hết hiệu lực”, trích thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.
 |
INF - hòn đá tảng của an ninh châu Âu đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 2-8-2019. |
Liên quan tới vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định với hãng tin Reuters rằng Mỹ đã chính thức không còn bị ràng buộc bởi INF và cáo buộc việc hiệp ước này sụp đổ là do sự vi phạm từ phía Nga.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, INF sụp đổ sẽ phá hủy các nguyên tắc đảm bảo an ninh chiến lược không chỉ tại châu Âu, mà còn là ở phạm vi toàn thế giới. Sau khi INF tan vỡ, hệ thống chính trị thế giới có thể biến đổi khó lường và khó kiểm soát.
INF đã được dự đoán sẽ đổ vỡ trong năm 2019 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này vào tháng 10-2018 và quyết định tương tự của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 4-3-2019. Cả Nga và Mỹ đều cáo buộc nhau vi phạm các quy định của INF về việc phát triển và triển khai các loại vũ khí không được cho phép tại châu Âu.
Theo quy định của INF, Mỹ và Liên Xô, sau này là Liên bang Nga tự động triệt thoái các dòng tên lửa đạn đạo, hành trình trên bộ có tầm bắn từ 500 đến 5.500km có trang bị. Quy định này cũng không cho phép các bên được phát triển, thử nghiệm các loại tên lửa mới tương tự. INF ra đời được coi là hòn đá tảng của an ninh châu Âu từ năm 1987 tới nay.
 |
INF đổ vỡ là tất yếu khi cả Nga và Mỹ cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước. |
Hiện tại, Mỹ đang đề xuất về INF mới có sự tham gia của nhiều quốc gia hơn, trong đó có Trung Quốc.
TUẤN SƠN (theo RIAN)