Theo đó, 10 tiêm kích F-35C phiên bản được nâng cấp phần mềm chiến đấu toàn diện mới nhất Block 3F thuộc Phi đội tấn công trên hạm Số 147 (VFA-147) hoạt động trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đã hoàn thành các bài nghiệm thu an toàn bay và được cấp chứng nhận Khả năng hoạt động ban đầu (IOC).

Việc công nhận khả năng hoạt động ban đầu của F-35C cũng có nghĩa rằng Phi đội VFA-147 đã sẵn sàng để triển khai tiêm kích tàng hình tối tân này cho các nhiệm vụ tác chiến một cách đầy đủ.

Lịch trình công bố chứng nhận IOC cho phi đội F-35C này cũng diễn ra theo đúng kế hoạch mà Hải quân Mỹ đã báo cáo với Quốc hội vào năm 2013. Phi đội VFA-147 sẽ là đơn vị đầu tiên của Hải quân Mỹ khai thác F-35C.

Một chiếc F-35C chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: US Navy.

Như vậy, quân đội Mỹ đã hoàn tất cấp chứng nhận IOC cho F-35; trước đó, Thủy quân Lục chiến và Không quân cũng lần lượt công bố dấu mốc này cho F-35B (phiên bản cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và F-35A (phiên bản tiêu chuẩn) vào các năm 2015 và 2016.

Đánh giá cao sự kiện trên, Phó đô đốc DeWolfe Miller, Tư lệnh Không quân của Hải quân Mỹ nhấn mạnh, F-35C của lực lượng này đã sẵn sàng tác chiến và chiến thắng. Tiêm kích này sẽ là tăng cường đáng kể năng lực và sức mạnh của các nhóm tác chiến tàu sân bay.

F-35C là phiên bản thiết kế hoạt động trên tàu sân bay từ chương trình tiêm kích tiến công kết hợp (Joint Strike Fighter-JSF). Về cơ bản, F-35C giống F-35A nhưng có kích thước cánh lớn hơn và có thể gập lại, đồng thời được bổ sung thêm móc đuôi và khung được gia cố để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay.

Hải quân Mỹ dự định mua 273 chiếc F-35C nhằm thay thế cho các phi đội F/A-18 Super Hornet đang trở nên lạc hậu trong biên chế.

PHẠM HUY (theo Defense News)