Hiện tại, tiêm kích Su-30MKI của quốc gia Nam Á này đang trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Vympel R-77 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, đây là tên lửa đời đầu với công nghệ đầu dò lạc hậu và đã xuống cấp.

Chương trình thay thế tên lửa R-77 bằng tên lửa I-Derby ER sẽ được tiến hành ngay khi hai bên đạt được thỏa thuận và dự định hoàn tất trong năm 2021.

Tên lửa I-Derby ER tại một triển lãm quân sự. Ảnh: Defense Talk.

Đây là bước tiếp theo của New Delhi trong việc trang bị dòng tên lửa hiện đại đến từ Trung Đông này. Trước đó, vào giữa năm 2018, Không quân Ấn Độ cũng đã trang bị thành công tên lửa I-Derby cho tiêm kích hạng nhẹ nội địa HAL Tejas.

Thêm vào đó, Ấn Độ có thể tận dụng số tên lửa biên chế cho 18 hệ thống phòng không Spyder-SR, mà lực lượng không quân nước này mua của Rafael trong giai đoạn 2008-2009, lúc cần thiết và ngược lại, bởi tên lửa I-Derby cũng là đạn đánh chặn trong hệ thống này.

Tên lửa I-Derby có chiều dài 362cm, sải cánh 64cm, đường kính 16cm, trọng lượng phóng 118kg, mang đầu đạn nặng 23kg, tốc độ tối đa Mach 4, tầm bắn 50km. Phiên bản I-Derby ER được cải tiến tầm bắn lên 100km, trang bị đầu dò radar có khả năng tự động dẫn đường đến mục tiêu.

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Defense Talk.

Điểm độc đáo của tên lửa I-Derby so với các đối thủ cùng phân khúc là nó có thể tác chiến cả trong tầm nhìn lẫn ngoài tầm nhìn, khả năng kháng nhiễu điện tử cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Nếu Ấn Độ và Israel hợp tác thành công trong việc tích hợp tên lửa I-Derby ER lên Su-30MKI thì tiêm kích này sẽ có thêm một vũ khí cực kỳ lợi hại, tạo ra sự đa dạng trong kho vũ khí, khiến đối phương khó nắm bắt và khó đưa ra phương án đối phó tối ưu.

PHẠM HUY (theo Jane’s)