Đây là vụ phóng thử thứ 2 của BrahMos-A được Ấn Độ tiến hành. Vụ phóng thử đầu tiên của BrahMos-A được Không quân Ấn Độ tiến hành ngày 22-11-2017. Trong vụ phóng thử, tên lửa đã đạt tốc độ bay tối đa tới Mach 2.8 (gấp gần 3 lần tốc độ âm thanh) với mục tiêu giả lập được đặt trên biển.

Đại diện Không quân Ấn Độ cho biết, nguyên mẫu tên lửa BrahMos-A có tầm bắn tới 300km và có thể hoạt động tốt ở độ cao từ 500 tới 14.000m. Vụ thử được tiến hành thành công với sự hỗ trợ của Hải quân Ấn Độ để đảm bảo hành lang an toàn cho vụ thử nghiệm.

 
Nguyên mẫu tên lửa BrahMos-A được phóng thử thành công từ máy bay Su-30MKI.

Với vụ phóng thử thành công nói trên, nhiều khả năng biến thể BrahMos-A có thể hoàn thiện giai đoạn thiết kế ngay trong quý 3 năm 2019. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, việc trang bị biến thể mới của tên lửa hành trình BrahMos cho Không quân Ấn Độ sẽ bắt đầu từ năm 2020 với các phiên bản tấn công mặt đất và diệt hạm.

Giới chức Không quân Ấn Độ nhấn mạnh, tên lửa BrahMos-A sẽ giúp mở rộng khả năng tác chiến của lực lượng này với khả năng “tấn công tầm xa các mục tiêu trên bộ và trên biển trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết”. Hiện tại, Quân đội Ấn Độ đang có kế hoạch mua 200 đạn tên lửa BrahMos-A trị giá 1,5 tỷ USD. Chi phí này bao gồm cả quá trình phát triển, tích hợp và thử nghiệm tên lửa trên máy bay Su-30MKI.

So với biến thể trên bộ, BraMos-A được thu gọn lại để phù hợp với giá treo vũ khí dưới thân máy bay Su-30MKI. Biến thể hàng không của BrahMos ngắn hơn 50cm và nhẹ hơn 700kg so với tên lửa BrahMos tiêu chuẩn (dài 8,35m; nặng 2,5 tấn). Ngoài ra, để phù hợp với khả năng hoạt động ở độ cao lớn, hệ thống kích hoạt động cơ phản lực của BraMos-A cũng được sửa đổi để hoạt động ở độ cao lớn.

Phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yankhont) của Nga, BrahMos có thể đạt tốc độ từ Mach 2.5-2.8 và tầm hoạt động đạt 280km. BrahMos có thể tiêu diệt mục tiêu với đầu nổ nặng 200kg. Việc ngăn chặn loại tên lửa nhanh nhất thế giới này là rất khó khăn do tốc độ và các chế độ bay phức tạp của nó. Nga và Ấn Độ đang phát triển phiên bản BrahMos phiên bản nâng cấp với tốc độ bay có thể đạt Mach 5. Mới đây, Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu tên lửa BrahMos tới các quốc gia có nhu cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á.

TUẤN SƠN (theo Lenta)