Mỹ, Nga dẫn đầu thị trường xuất khẩu vũ khí

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI cho biết, Mỹ và Nga vẫn là hai nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí. Mỹ chiếm 33% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015, còn Nga đứng thứ hai với tỷ lệ 25%. Xếp ngay sau Nga và Mỹ là Trung Quốc (5,9%), Pháp (5,6%) và Đức (4,7%). Như vậy, tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2011-2015 chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

Báo cáo của SIPRI cho thấy một điểm đáng lưu ý, trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, có đến 6 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% tổng số lượng giao dịch, gấp đôi nước đứng thứ hai là A-rập Xê-út và gấp ba lần Trung Quốc, nước đứng thứ ba, và Pa-ki-xtan đứng thứ tư kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga luôn được các nước trong khu vực quan tâm. Ảnh: fightersweep.com 

Theo báo cáo này, Mỹ đã bán hoặc viện trợ vũ khí tới 96 nước trên thế giới. Theo nhà nghiên cứu A.Phliu-rơn (Aude Fleurant), Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI, Mỹ xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho các khách hàng châu Á trong 5 năm qua. Ngoài ra, ngành công nghiệp vũ khí nước này hiện vẫn còn một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong đó có hơn 600 máy bay tiêm kích đa năng F-35.

Nước Nga tuy khó khăn với lệnh cấm vận của phương Tây nhưng vẫn giữ vững những thị trường vũ khí truyền thống, đứng vị trí thứ hai trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí thông thường. Trong vòng 5 năm qua, tổng sản lượng vũ khí xuất khẩu của Nga tăng thêm 25% so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2014-2015 đang có chiều hướng chậm lại. Theo SIPRI, đối tác chính mua vũ khí của Nga trong 5 năm trở lại đây là Ấn Độ (39%), Trung Quốc (11%)… Có đến 68% lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2011-2015 được đưa sang các nước châu Á và châu Đại Dương. Ngoài hai khu vực trên, Nga đã tạo ra được bước tiến lớn tại thị trường vũ khí châu Âu khi chiếm được 6,4% thị phần tại thị trường này. Mặc dù thị phần còn nhỏ nhưng đây là bước đột phá đáng kể của Nga khi gia tăng được sản lượng vũ khí xuất khẩu sang châu Âu thêm 264%.

Đằng sau những hợp đồng chuyển giao vũ khí trên toàn cầu

Các chuyên gia lý giải, chính sự phức tạp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tham vọng của một số nước trong khu vực đã khiến nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương cảnh giác, tăng cường phòng vệ. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại thủ đô Luân Đôn (London, Anh) cho biết thêm, năm 2015 một số nước lớn ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a tăng chi tiêu quốc phòng khiến chi tiêu quân sự tại châu Á đã tăng lên mức 1,48% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2010. Trung Quốc dẫn đầu khu vực khi chiếm 41% chi tiêu quân sự trong vùng, tiếp đến là Ấn Độ (13,5%) và Nhật Bản (11,5%).

Liên quan tới chi tiêu quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo của Tổ chức nghiên cứu an ninh IHS Jane’s chỉ rõ, nếu các điểm nóng ở châu Á-Thái Bình Dương ít hoặc không hạ nhiệt sẽ khiến dự báo chi tiêu quân sự hằng năm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi theo chiều hướng tăng lên thêm 100 tỷ USD, ở mức 533 tỷ USD vào năm 2020 so với 435 tỷ USD của năm 2015. Nhà nghiên cứu A.Phliu-rơn cho rằng trong thời gian tới, Mỹ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.

Theo giới chuyên gia, Mỹ vẫn tiếp tục tìm cách đưa vũ khí của mình "xâm nhập" vào các khu vực nhiều tranh cãi, một phần được thúc đẩy bởi những nguy cơ và các mối đe dọa. Trong 8 năm qua, Mỹ đã thống trị thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu nhờ các thương vụ lớn với A-rập Xê-út, Ca-ta (Qatar), Hàn Quốc... U.Ha-tung (William Hartung), phụ trách các dự án an ninh và vũ khí tại Trung tâm chính sách quốc tế nhấn mạnh, chính những bất ổn Trung Đông, bao gồm cả sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đã tạo ra "một nhận thức về mối đe dọa", mở đường cho dòng vũ khí chảy vào khu vực.

Nỗ lực chuyển từ nhập khẩu sang xuất khẩu vũ khí

Nội dung trong báo cáo của SIPRI còn chỉ ra xu hướng mới: Nhiều nước lớn ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang ngày càng đầu tư nhiều vào công nghiệp quốc phòng với tỷ lệ công nghệ cao ngày càng lớn để chuyển từ nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu vũ khí… Trung Quốc với chính sách đầu tư “bạo tay” cho công nghiệp quốc phòng đang tạo ra những thay đổi lớn trên bản đồ buôn bán vũ khí toàn cầu. Theo chuyên gia Uây-dơ-man (Wezeman) thuộc SIPRI, Trung Quốc có thể sớm rời khỏi danh sách 3 quốc gia nhập vũ khí hàng đầu thế giới khi ngày càng có thể “tự cung tự cấp” hơn. Cụ thể, theo báo cáo của SIPRI, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới trong giai đoạn 2011-2015 khi chiếm 5,9% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Việc tăng chi tiêu quân sự ở mức kỷ lục trong thời gian dài đã giúp Trung Quốc gia tăng nỗ lực cải thiện chất lượng vũ khí để chuyển đổi từ một nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu vũ khí. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi trong giai đoạn 2011-2015, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu 25% trong khi xuất khẩu vũ khí của nước này lại tăng 88%. Nhà phân tích C.Ca-phrây (Craig Caffrey) của IHS Jane’s cho hay, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 là 886,9 tỷ Nhân dân tệ (136,4 tỷ USD), chỉ bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng với việc liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số; điều này giúp quân đội Trung Quốc có tiền để đầu tư mạnh cho công nghiệp quốc phòng.

Nếu như Trung Quốc đang có bước dịch chuyển từ nhập khẩu sang xuất khẩu vũ khí thì Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm tới 14% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Theo nghiên cứu của SIPRI, Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ trong giai đoạn 5 năm vừa qua và chiếm tới 70% giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ.

 Trong nghiên cứu đưa ra, SIPRI giải thích rằng lý do chính việc nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ tăng mạnh là bởi vì đến nay ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ phần lớn vẫn chưa sản xuất được các vũ khí công nghệ nội địa có khả năng cạnh tranh cao. Một chuyên gia quốc phòng của Ấn Độ cho biết, Ấn Độ cũng đã có lộ trình cho phát triển ngành công nghiệp quốc phòng với nhiều loại vũ khí tối tân trong tương lai nhằm chấm dứt vị thế quốc gia hàng đầu nhập khẩu vũ khí. Tờ Hindustan Times cho biết, sau năm 2020, bằng nỗ lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, vị thế nhập khẩu vũ khí hàng đầu sẽ không thuộc về Ấn Độ nữa.

NGUYỄN HÒA