Đô đốc Daryl Caudle, người đứng đầu Bộ tư lệnh các lực lượng hạm đội của Mỹ vừa qua tuyên bố Hải quân nước này cần “cảm thấy bị bẽ mặt” về năng lực bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật của mình.
“Cần phải nói rõ ràng như vậy chứ không phải cứ né tránh mãi”, trang mạng Defense News dẫn lời Đô đốc Caudle. Trong khi đó, theo Sputnik, Đô đốc Caudle cho rằng, trong trường hợp Mỹ xảy ra xung đột vũ trang với một đối thủ gần hoặc ngang sức, Hải quân Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Và sẽ không có gì để lấp đầy những khoảng trống bởi các nhà máy đóng tàu của Hải quân Mỹ không đủ năng lực sửa chữa nhiều tàu chiến lớn cùng một lúc.
    |
 |
Tàu ngầm USS Virginia (SSN-774) được bảo dưỡng tại nhà máy đóng tàu Portsmouth của Hải quân Mỹ ở bang Maine, tháng 6-2021. Ảnh: Defense News |
Những phát biểu của Đô đốc Caudle được đưa ra trong bối cảnh năng lực bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật của Hải quân Mỹ trong những năm qua được tờ Business Insider đánh giá là “gặp nhiều vấn đề, gây trở ngại nghiêm trọng đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu”.
Defense News cũng cho rằng, thời gian bảo dưỡng các tàu chiến của Hải quân Mỹ thường kéo dài hơn so với dự kiến và đây không phải là vấn đề mới đối với lực lượng này.
Tờ Business Insider cho biết, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ đã chuyển trọng tâm từ “sửa chữa thời chiến sang bảo dưỡng thời bình, giảm số lượng các nhà máy đóng tàu”.
Trong một báo cáo hồi tháng 8-2020, Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ (GAO)-một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ nêu rõ, trong giai đoạn từ tài khóa 2015 đến tài khóa 2019, 4 nhà máy đóng tàu của Hải quân Mỹ đã không hoàn thành đúng thời hạn 75% công việc bảo dưỡng các tàu sân bay và tàu ngầm, “tiếp tục đối mặt với việc trì hoãn bảo dưỡng liên tục và đáng kể, làm cản trở khả năng sẵn sàng chiến đấu của các tàu sân bay và tàu ngầm”.
Tới tháng 6-2021, GAO nhận định, Hải quân Mỹ “chưa sẵn sàng tiến hành sửa chữa những tàu chiến bị hư hại trong trường hợp xảy ra giao tranh với các cường quốc”.
Nhấn mạnh năng lực bảo dưỡng tàu chiến đóng vai trò quan trọng trong duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ, GAO khẳng định năng lực quan trọng này “hiện không hiện diện ở nơi cần thiết, nhất là liên quan tới việc sửa chữa tàu bị hư hại khi chiến đấu và đưa chúng quay trở lại chiến trường”.
Theo GAO, tùy vào bản chất của một cuộc xung đột, Hải quân Mỹ không phải lúc nào cũng có thể trông chờ vào các tàu bổ sung để thay thế những tàu bị hư hại. Điều này cho thấy việc nâng cao năng lực bảo dưỡng ngày càng trở nên quan trọng. Giới chức Hải quân Mỹ nói với GAO rằng, lực lượng này “có thể xử lý một vụ hư hại đơn lẻ trong giao tranh” nhưng họ lại “không chắc chắn làm sao xử lý nhiều vụ hư hại xảy ra cùng lúc hay gần như cùng lúc”.
“Sự trỗi dậy của các đối thủ trong thế kỷ 21 có khả năng gây ra những mối đe dọa tốn kém trong giao tranh đòi hỏi Hải quân Mỹ cần xem xét lại năng lực sửa chữa hư hại trong giao tranh để bảo đảm lực lượng này sẵn sàng trước các xung đột tiềm tàng”, GAO nêu rõ.
Hải quân Mỹ từng đặt mục tiêu hoàn thành đúng thời hạn 80% công việc bảo dưỡng các tàu chiến trong tài khóa 2020 và 100% trong tài khóa 2021. Thế nhưng, chia sẻ với báo chí mới đây, Phó đô đốc Roy Kitchener, chỉ huy các lực lượng tàu mặt nước của Hải quân Mỹ thừa nhận mục tiêu trên chưa đạt được mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể khi hoàn thành đúng thời hạn khoảng 59% công việc bảo dưỡng các tàu chiến trong tài khóa 2021.
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng đã tạo ra “những thách thức bổ sung”, khiến Hải quân Mỹ chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. “Tôi nghĩ còn nhiều việc phải làm để mọi thứ trở nên tốt hơn. Nhưng tôi cho rằng, chúng tôi đang bắt đầu tập trung đúng hướng trong bối cảnh tiếp tục tìm cách cải thiện năng lực của các nhà máy đóng tàu”, Defense News dẫn lời Phó đô đốc Kitchener.
Theo Hạ nghị sĩ Rob Wittman thuộc Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ, các tàu chiến của Hải quân Mỹ “không còn nhiều giá trị” một khi không được triển khai thường xuyên do phải “đắp chiếu” chờ bảo dưỡng quá lâu. Điều này có thể đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.
“Chúng ta có thể có những tàu chiến lớn nhất thế giới, từ các tàu sân bay tới các tàu ngầm hay tàu khu trục. Tuy nhiên, nếu không được triển khai trên biển thường xuyên, chúng không còn nhiều giá trị. Chúng ta cần có sự hiện diện trên khắp thế giới để ngăn chặn các kẻ thù của mình.
Nếu các nhà máy đóng tàu của chúng ta không có năng lực đưa các tàu chiến quay trở lại biển hoặc thậm chí là đóng thêm tàu chiến khi xung đột kéo dài trong khi đối phương lại có thì điều này sẽ đem lại ưu thế vượt trội cho đối phương trong xung đột và đây không phải là điềm lành đối với chúng ta”, Navy Times dẫn lời Hạ nghị sĩ Wittman.
HOÀNG VŨ