QĐND - Sau 8 tháng đàm phán, Pháp và Nga cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về số tiền bồi thường mà Pa-ri phải trả cho Mát-xcơ-va vì phá vỡ hợp đồng bàn giao 2 tàu chiến lớp Mistral.

Phát biểu với Hãng thông tấn Nga RIA Novosti, ông Vla-đi-mia Cô-din (Vladimir Kozhin), Cố vấn về hợp tác quân sự và kỹ thuật của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) cho biết, các cuộc đàm phán đã kết thúc ngày 30-7 và tất cả mọi vấn đề về số tiền bồi thường cũng như khung thời gian thanh toán đều đã được hai bên quyết định. Ông Cô-din bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm ký thỏa thuận để kết thúc hợp đồng, theo đó phía Nga sẽ thông báo chính thức số tiền Pháp phải bồi thường vì phá hủy hợp đồng.

Hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga trị giá 1,2 tỷ ơ-rô (1,5 tỷ USD) được ký bởi Công ty DCNS/STX của Pháp và Tập đoàn Rosoboronexport hồi năm 2011. Theo hợp đồng trên, Công ty DCNS/STX đóng 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga. Đây là loại tàu chiến dài 180m, trọng tải 22.000 tấn, có khả năng chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự cùng tối đa 700 binh sĩ. Chiếc đầu tiên mang tên "Vladivostok", dự kiến được chuyển giao cho Nga chậm nhất vào tháng 11-2014, chiếc còn lại mang tên "Sevastopol" được chuyển giao trong năm 2015.

Tàu chiến lớp Mistral lẽ ra đã giao cho Nga từ tháng 11-2014. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, trước sức ép từ Mỹ và các đồng minh phương Tây liên quan tới "vai trò" của Nga trong cuộc khủng hoảng U-crai-na, Pháp đã tuyên bố ngừng bàn giao tàu chiến Mistral đầu tiên cho Nga vào cuối năm ngoái. Đến ngày 6-7 vừa qua, Pháp đã hủy hợp đồng bàn giao 2 tàu trên cho Nga với lý do Mát-xcơ-va "chưa thể hiện vai trò tích cực" giúp chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông U-crai-na. “Hủy hợp đồng là biện pháp không thể nào khác cho dù quyết định đó sẽ làm Pháp thiệt hại nặng nề”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Giăng Y-vơ Lơ Đri-ăng (Jean-Yves Le Drian) cho hay. Ông Đri-ăng nhấn mạnh, Pháp chấp nhận bồi thường cho Nga vì phá vỡ hợp đồng. 

Về phần mình, Tổng thống V.Pu-tin từng tuyên bố sẽ không phạt Pháp vi phạm hợp đồng, nhưng yêu cầu Pa-ri phải hoàn lại mọi chi phí mà Mát-xcơ-va đã phải chi trả liên quan tới việc đóng hai con tàu nói trên, trong đó bao gồm cả chi phí đào tạo thủy thủ và xây dựng lại cảng Vla-đi-vô-xtốc, là nơi dự định làm căn cứ cho tàu Mistral. Ngày 25-7, Nga đã bắt đầu cử đội chuyên gia sang Pháp tháo các thiết bị liên lạc trên tàu Mistral, đây đều là tài sản riêng của Nga và hoàn toàn có thể sử dụng tiếp trên các tàu chiến của hải quân nước này.

Mặc dù sau cuộc đàm phán, giới chức Nga và Pháp chưa đưa ra con số Pa-ri phải bồi thường cho Mát-xcơ-va, song theo tiết lộ của tờ Kommersant số ra ngày 31-7, Pa-ri đã đồng ý thanh toán đầy đủ số tiền yêu cầu Nga. Nguồn tin này cho biết, các cuộc đàm phán về thương vụ Mistral giữa Nga và Pháp kéo dài từ mùa xuân 2015. “Lúc đầu, Pa-ri đã đồng ý trả 784,6 triệu ơ-rô, tuy nhiên Mát-xcơ-va yêu cầu 1,16 tỷ ơ-rô. Số tiền trên bao gồm việc thanh toán số tiền tạm ứng là 892,2 triệu ơ-rô cũng như bồi hoàn chi phí đào tạo thủy thủ đoàn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phi hành đoàn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho tàu chiến, 4 nguyên mẫu trực thăng Ka-52k”, tờ Kommersant tiết lộ.

Vậy Pháp sẽ làm gì sau khi hủy hợp đồng bán tàu Mistral với Nga? Có ý kiến đề nghị giao các thiết bị này cho NATO. Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức bị nhiều người phản đối vì cho rằng giải pháp này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga. Cũng có ý kiến khác đề nghị các thiết bị này giao cho Liên minh châu Âu (EU). Đề xuất này được xem là có vẻ hợp lý hơn vì EU không phải là một liên minh quân sự. Các sứ mệnh của EU là duy trì hòa bình hoặc thực hiện các hoạt động nhân đạo và đối với EU, tàu chiến lớp Mistral là một công cụ lý tưởng. Nếu thực hiện giải pháp này, đây sẽ là cơ hội để EU thể hiện khả năng của mình, điều mà bấy lâu nay họ vẫn luôn tìm kiếm. Tuy nhiên, bàn giao tàu Mistral cho ai đến nay vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Pa-ri.

BÌNH NGUYÊN