Vấn đề bảo vệ các công trình chiến lược trước những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đang ngày càng trở nên cấp thiết. Các phương pháp truyền thống, chẳng hạn như tên lửa, không phải lúc nào cũng có thể phát huy tác dụng, bởi phải tiêu tốn nhiều đạn dược mà hiệu quả thường không đạt được mong muốn.

Do đó, các kỹ sư Nga đã phát minh ra phương pháp được gọi là “mái vòm điện”. Nó đã được cấp bằng sáng chế bởi Trung tâm khoa học-giáo dục quân sự thuộc Học viện Binh chủng hợp thành các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Phương pháp này được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quan trọng, như nhà máy điện nguyên tử, kho dầu… trước những cuộc tấn công theo kiểu “bầy đàn” từ trên không.

leftcenterrightdel
Máy bay trực thăng VM-V do Tập đoàn Rostec của Nga chế tạo. Ảnh: Technodinamiki 

Hàng rào nhiễm điện thích ứng có hệ thống điện tử phát hiện máy bay không người lái. Nó có thể xác định số lượng máy bay và các thông số của chúng, trong khi người vận hành “mái vòm” sẽ thiết lập các chế độ đánh chặn. Theo đó, “mái vòm điện” có 3 chế độ hoạt động, đó là chế độ bảo vệ, chế độ bảo vệ-đẩy lùi và chế độ bảo vệ-tấn công.

Thiết bị bao gồm cấu trúc mái vòm hình bán cầu, phương tiện phát hiện điện tử, máy trạm tự động, phần mềm, thiết bị chuyển đổi năng lượng điện và nhiều hệ thống khác.

Trước đó, có thông tin cho rằng, các chuyên gia của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) sẽ tạo ra một loại đạn có thể tóm gọn máy bay không người lái bằng lưới cắt. Khi đến gần mục tiêu, chất nổ sẽ bắn ra và nhờ đó tấm lưới được kéo căng.

Theo các nhà sáng chế, phương pháp này cho phép tăng phạm vi tiêu diệt hiệu quả máy bay không người lái. Ngoài ra, lưới cắt sẽ có tác dụng chống bom từ trên không. Các chuyên gia Nga sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm phương pháp mới.

Thời gian gần đây, Nga đã và đang cho thấy sự tiến bộ trong cuộc chiến chống lại máy bay không người lái, cũng như trong việc phát triển chúng. Mới đây có thông tin cho biết, thiết bị bay VM-V do Tập đoàn Rostec của Nga chế tạo lần đầu tiên được sử dụng làm mục tiêu trong các cuộc tập trận quân sự. Với sự hỗ trợ của trực thăng không người lái, người ta đã mô phỏng một cuộc không kích bị các tổ hợp phòng không Pantsir-S chống trả.

Trong cuộc tập trận, các tính năng chiến thuật và kỹ thuật của máy bay VM-V đã được kiểm tra trong điều kiện địa hình đồi núi. Được biết, thiết bị có thể bay liên tục trên không trong ít nhất 2 giờ đồng hồ. Trần bay tối đa của máy bay trực thăng này là 2,5 km. Phạm vi liên lạc vô tuyến lên đến hàng trăm km.

QUỐC KHÁNH (theo Naked-Science)