QĐND Online - Israel, quốc gia sở hữu ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến nhất tại khu vực Trung Đông, đang là nước đi đầu về tốc độ mở rộng ngành sản xuất phương tiện không người lái - điều sẽ tạo ra những đổi thay lớn về phương thức tiến hành chiến tranh trong những thập kỷ tới.
Được biết, Israel đang đầu tư một khoản ước tính lên đến 50 tỷ USD/năm cho các doanh nghiệp nhà nước như Aircraft Industries, Elbit Systems và Aeronautics Defense Systems để phát triển, sản xuất các phương tiện hàng không, mặt đất và đường biển không người lái.
Thực tế, Israel được xem như quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu phương tiện bay không người lái (UAV). Nước này bán các sản phẩm và công nghệ liên quan cho những bạn hàng tiềm năng ở rất xa như Ấn Độ, Nga, Nigeria và Mexico.
 |
Máy bay không người lái Hermes 900 của Israel. Ảnh: aviationweek.com
|
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, số UAV xuất khẩu của các công ty Israel chiếm đến 41% các đơn đặt hàng toàn cầu trong giai đoạn 2001-2011. Những sản phẩm này được xuất đi 24 quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Khối lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên do chi phí sản xuất tương đối thấp. Các quan chức ngành công nghiệp Israel tự hào rằng, số tiền để mua một chiếc UAV tiên tiến của nước này rẻ hơn rất nhiều so với đào tạo một phi công.
Chuẩn tướng Ophir Shoham, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển của Bộ Quốc phòng Israel (Mafat) cho biết những năm gần đây, Không quân Israel điều động máy bay không người lái nhiều hơn là sử dụng phi công. Mafat đảm nhiệm phát triển công nghệ tiên tiến áp dụng cho tên lửa, hệ thống đánh chặn tên lửa, vệ tinh và các tổ hợp không người lái của Bộ Quốc phòng.
Ông Shoham cung cấp thêm: “Trong vài năm tới, chúng tôi sẽ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến chỉ với một số lượng nhỏ các thiết bị không người lái. Đó là chủ trương mà chúng tôi đang thực hiện. Rô-bốt không thể thay thế vai trò của người lính - đó là một tương lai còn xa - nhưng chúng tôi sẽ sử dụng các phương tiện không người lái trên mặt đất để đương đầu với các mục tiêu nguy hiểm”.
Ông lý giải rằng đối với các mục tiêu nằm trong lãnh thổ đối phương, quân đội Israel có thể vận hành các phương tiện không người lái từ xa, như một lực lượng bảo vệ đi trước, bởi chúng được trang bị cả khả năng quan sát và tấn công, trong một tương lai gần đây.
Quân đội Israel từ lâu đã dùng UAV cho các hoạt động thu thập tin tức tình báo trong cuộc chiến với Palestine và quân du kích Hezbollah ở Li-băng. Nước này cũng tiên phong trong việc sử dụng UAV có trang bị tên lửa để tiêu diệt thủ lĩnh các lực lượng phiến quân.
Tuy nhiên, Mỹ mới là nước phát triển UAV thành một cỗ máy sát thủ, ví dụ như mẫu MQ-1 Predator của hãng General Atomic, và sử dụng chúng trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau sự kiện ngày 11-9-2001.
Israel bắt đầu nghiên cứu UAV từ năm 1970. Nhiệm vụ đầu tiên có sự tham gia của UAV, trước đây được gọi là Scout (máy bay do thám), là trong cuộc chiến với Li-băng vào tháng 6-1982.
Israel sử dụng các Scout của Phi đội 200 (đơn vị UAV đầu tiên của Israel) như mồi nhử để thu hút các vị trí tên lửa đất-đối-không của Syria tại Li-băng, để lực lượng này nghĩ rằng đó là máy bay chiến đấu, từ đó Quân đội Israel có thể phát hiện hệ thống ra-đa cũng như cách bố trí trận địa của họ.
Trong hai ngày này, máy bay chiến đấu Israel đã phá hủy tất cả 19 khẩu đội, bắn rơi 85 máy bay của phía Syria mà không có thiệt hại gì.
Ngoài xuất khẩu, các công ty quốc phòng Israel còn thiết lập các cơ sở sản xuất tại các nước bạn hàng để hướng đến các thị trường nước ngoài hơn là mở rộng sản xuất nội địa.
Theo ông Shoham, phát triển UAV "là một trong những khoản đầu tư tuyệt vời nhất của Israel. Nó kéo theo sự phát triển to lớn về hạ tầng cơ sở công nghệ trong cả nước. Đó là nhân tố quan trọng để Israel duy trì vị trí hàng đầu thế giới về công nghệ của mình. Đồng thời đây cũng là chìa khóa cho sự phát triển của những thế hệ công nghệ sau này."
HỮU ĐÔ (theo Space Daily)