Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh chiến đấu, UAV được Quân đội Hàn Quốc sử dụng như một tổ hợp trinh sát di động tầm gần cấp chiến thuật để hỗ trợ Lục quân hoặc một thiết bị tấn công tiên tiến, có thể bay trong vùng không phận đang xảy ra tranh chấp.
 |
KUS-FT được Thuỷ quân lục chiến Hàn Quốc sử dụng như một thiết bị bay không người lái chiến thuật. Nguồn: Topwar. |
Cuối năm 2016, Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Hàn Quốc KAL-ASD đã bắt đầu cung cấp UAV chiến thuật KUS-FT (còn gọi là RQ-102) cho đơn vị Thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Trước đó, trong tháng 12 -2015, KAL-ASD đã nhận được từ Cơ quan mua sắm quốc phòng DAPA của Hàn Quốc một bản hợp đồng cho chương trình này trị giá hơn 30 triệu USD. UAV KUS-FT được phát triển dựa trên các nghiên cứu trước đây về việc chế tạo mẫu UAV KUS-7 và KUS-9. Được biết, KUS-FT có thiết kế khá nhỏ gọn với chiều dài 3,7 m, chiều cao 0,9 m và sải cánh dài 4,5 m. Mẫu UAV này được thiết kế cho mục đích trinh sát, phát hiện mục tiêu và chỉ định mục tiêu cũng như đánh giá mức độ thiệt hại trong chiến đấu. KUS-FT được lắp đặt thiết bị quang-điện tử với một máy đo khoảng cách laser do Tập đoàn Hanwha Thales của Hàn Quốc sản xuất.
 |
UAV EAV do Viện KARI sản xuất có thể bay ở tầm cao lớn trong thời gian dài. Nguồn: Topwar. |
Ngoài ra, trong trang bị của Quân đội Hàn Quốc còn có 2 mẫu UAV Remo-Eye-002B và RemoEye-006A do Công ty Uconsystem của nước này sản xuất. Theo thông tin từ đơn vị sản xuất Uconsystem, được thiết kế cho mục đích trinh sát, UAV RemoEye-006A với chiều dài 1,72 m được trang bị một trạm quang điện tử ở mũi thiết bị bay, thực hiện chức năng quét toàn cảnh. UAV RemoEye-006A có hình dạng giống như một chiếc thuyền với sải cánh dài 2,72 m, trọng lượng cất cánh tối đa 6,5 kg. Nhờ được trang bị động cơ điện, UAV RemoEye-006A có thể tăng tốc độ lên mức tối đa là 75 km /h. Phạm vi kiểm soát mẫu UAV này là 15 km. Các nhà chế tạo vũ khí cũng trang bị cho loại UAV này một bộ ắc quy đảm bảo chuyến bay kéo dài đến 120 phút. Ngoài ra, UAV RemoEye-006A có thể tự động quay lại căn cứ trong trường hợp mất liên lạc giữa máy bay không người lái và trạm điều khiển.
Bên cạnh đó, mẫu UAV Remo-Eye-002B đã được quân đội Hàn Quốc tiếp nhận vào trang bị hồi cuối năm 2013 như một thiết bị trinh sát tầm gần di động. Loại UAV này có cấu hình tương tự với RemoEye-006A, nhưng có kích thước hơi nhỏ hơn: tổng chiều dài là 1,44 m, sải cánh dài 1,8 m, trọng lượng cất cánh tối đa 3,4 kg. Theo công ty Uconsystem, nhờ được trang bị động cơ điện, UAV Remo-Eye-002B có thể đạt tốc độ tối đa 80 km/h. Mẫu UAV này có thời gian bay ngắn hơn RemoEye-006A, chỉ bay được trong 60 phút. Phạm vi điều khiển mẫu UAV này là 10 km.
 |
UAV Remo-Eye-002B thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm gần. Nguồn: Topwar. |
Hàn Quốc còn chưa mạnh trong lĩnh vực chế tạo UAV lớp MALE ( mẫu UAV bay ở độ cao trung bình, thời gian bay dài) nên quân đội nước này vẫn phải mua lại thiết bị của nước khác. Hiện nay, quân đội Hàn Quốc đang sử dụng UAV Heron của Công ty Israel IAI, được đưa vào trang bị để thay thế UAV Night Intruder 300 (còn gọi là RQ-101) do Tập đoàn Công nghiệp Hàng Không Hàn quốc KAI phát triển. Mặc dù UAV Heron đã giúp quân đội Hàn Quốc nâng cao khả năng quân sự đáng kể nhưng trên thực tế, UAV Heron chỉ là một phương án tạm thời của quân đội Hàn Quốc trong thời gian chờ mua mẫu UAV Corps Next, đang được Tập đoàn KAI phát triển.
Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu phát triển UAV tầm cao, tầm xa (lớp HALE) cùng với động cơ sử dụng năng lượng mặt trời. Dẫn đầu xu hướng này là chương trình UAV Electrical Air Vehicle (EAV) của Viện nghiên cứu không gian Hàn Quốc KARI. Việc phát triển các nền tảng công nghệ chính cho chương trình EAV được bắt đầu vào năm 2010. Chuyến bay đầu tiên của thiết bị EAV-1 đã diễn ra vào tháng 10 cùng năm. Chuyến bay đầu tiên của phiên bản EAV-2 được thực hiện vào tháng 12-2011 và cuối cùng đã đạt đến thời lượng bay là 22 giờ. Hai mẫu UAV EAV-1 và EAV-2 khác nhau khá đáng kể. Mô hình đầu tiên có sải cánh 2,4 m và trọng lượng cất cánh là 7 kg. Mẫu EAV-2 có sải cánh dài 7 m và nặng 18 kg. Trong năm 2015, phiên bản EAV-3 đạt tầm bay cao tối đa 14.000 m. Viện KARI cho biết, chương trình UAV EAV luôn tục được cải tiến để thiết bị bay này có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và thông tin liên lạc trong một khoảng thời gian dài.
Về lâu dài, Hàn Quốc hy vọng sẽ tiếp nhận các mẫu UAV tấn công hay còn gọi là UCAV, do Tập đoàn Công nghiệp Hàng Không Hàn quốc KAI và Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Hàn Quốc KAL-ASD đang tích cực phát triển. KAL-ASD đang triển khai một dự án KUS-FC, còn KAI thực hiện dự án K-UCAV cùng với dự án UCAV sử dụng công nghệ tàng hình. Thông tin về những chiếc máy bay này khá khan hiếm, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng tất cả những chiếc UCAV tàng hình này sẽ tiến hành trinh sát và tấn công cả mục tiêu trên không và dưới mặt đất.
THUỲ LINH