QĐND Online - Từ năm 2008 tới nay, tổng số các dự án quốc phòng của Lầu Năm góc đã tăng từ 96 lên 98 với tổng chi phí dự án ước tính khoảng 1,6 8 nghìn tỉ USD, đó là thông tin đã được công bố trong báo cáo của Cơ quan kiểm soát trung ương Mỹ (GAO). Tới cuối năm 2010, chỉ 80% số dự án quân sự mà quân đội Mỹ đang tiến hành đã bội chi khoảng 135 tỉ USD, trong đó 70 tỉ USD là hậu quả của việc tăng chi phí các đơn mua hàng quân sự trong thời gian qua.

Khu trục hạm lớp DDG 51 Arleigh Burke. Ảnh: fas.org

Trong năm 2008, Lầu Năm góc tính toán tổng chi phí của các dự án quân sự cơ quan này quản lý vào khoảng 407 tỉ USD và tới năm 2010, con số này sẽ tăng lên 428 tỉ USD. Cũng trong năm 2008, chi phí mua sắm trang bị quân sự của Mỹ đạt khoảng 1,089 nghìn tỉ USD và tới năm 2010 dự kiến sẽ tăng lên 1,219 nghìn tỉ USD. GAO xác nhận, chi phí trên chưa bao gồm nguồn tài chính dành để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) đã bội chi thêm khoảng 15 tỉ USD của Mỹ.

Dự án phát triển máy bay thế hệ 5 Lockheed Martin F-35 Lightning II hiện được coi là dự án quân sự tốn kém nhất của quân đội Mỹ. Theo tính toán vào năm 2008, tổng chi phí của dự án này chỉ vào khoảng 249,7 tỉ USD, nhưng tới năm 2010, con số này đã tăng lên 267,7 tỉ USD. Cùng với đó, giá thành dự đoán của F-35 đã tăng từ 101,7 triệu USD lên 115,5 triệu USD. Đây là mức giá trung bình cho cả ba phiên bản của F-35 dành cho hải quân, không quân và thủy quân lục chiến Mỹ.

Một trong những dự án quân sự đắt giá nữa của quân đội Mỹ là dự án phát triển khu trục hạm lớp DDG 51 Arleigh Burke. Chi phí của dự án này đã tăng từ 77,4 tỉ USD lên 94,3 tỉ USD và giá thành của mỗi chiến hạm lớp Arleigh Burke vào khoảng 1,2-1,3 tỉ USD. Cùng với đó, tổng chi phí phát triển và đặt mua máy bay thế hệ 5 F-22 trong giai đoạn 2008-2010 đã cũng tăng từ 75,2 tỉ USD lên 77,4 tỉ USD và giá thành của dòng máy bay này cũng tăng từ 408,7 triệu USD lên 411,7 triệu USD.

Được biết, cách tính chi phí của GAO không chỉ bao gồm giá để mua sản phẩm vũ khí, mà còn là toàn bộ các chi phí kèm theo như: vũ khí, hậu cần, sửa chữa và đào tạo.

Theo giám đốc phụ trách các chương trình mua bán và tính toán chi phí của GAO Michael Sullivan, trong nhưng năm gần đây, rất nhiều dự án quân sự của Mỹ có xu hướng vi phạm quy chế Nunn-McCurdy (tổng chi phí thực tế của dự án vượt qua chi phí dự kiến 15%). Từ năm 1997 tới nay đã ghi nhận 74 trường hợp vi phạm quy chế Nunn-McCurdy, trong đó có 47 dự án quân sự trong các năm 2001, 2005, 2006 và 2009.

Tuấn Sơn (theo Lenta)