Giá dầu thế giới
Tuần qua, giá dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 2% so với tuần trước. Giới đầu tư đang thận trọng trước những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, cùng dữ liệu tồn kho nhiên liệu tăng mạnh tại Mỹ. Những yếu tố này góp phần khiến giá dầu biến động khó lường.
Theo Oilprice, lúc 5 giờ 15 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 0,12 USD/thùng, tương đương 0,17%, lên mức 69,4 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 0,17 USD/thùng, tương đương 0,25%, lên mức 67,51 USD/thùng.
 |
Giá dầu Brent và WTI giảm khoảng 2% so với tuần trước. Ảnh minh họa: Tehran Times |
Giá dầu thế giới đã quay đầu giảm nhẹ sau hai tuần liên tiếp tăng giá. Theo các nhà phân tích, đà giảm chủ yếu là do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khi Liên minh châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.
"EU vừa thông qua một trong những gói trừng phạt mạnh nhất đối với Nga cho đến nay", người đứng đầu Chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas cho biết.
Gói trừng phạt mới của EU bao gồm việc hạ trần giá mua dầu Nga xuống còn 47,6 USD/thùng và cấm nhập khẩu mọi sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga. Các chuyên gia cảnh báo, động thái này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu thô từ Nga - quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới.
 |
Giá xăng dầu tiếp tục biến động khó lường. Ảnh minh họa: The Hindu Business
|
Trong một diễn biến khác, căng thẳng thương mại Mỹ - EU gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc áp mức thuế tối thiểu 15-20% lên hàng hóa châu Âu, cùng các loại thuế đối ứng có thể khiến thuế suất hiệu dụng vượt ngưỡng 25% - mức cao nhất kể từ thập niên 1930.
Thông tin về lập trường cứng rắn của ông Trump đã khiến thị trường tài chính Mỹ phản ứng tiêu cực. Giới phân tích nhận định, bất ổn trong đàm phán thương mại có thể gây áp lực lạm phát tại Mỹ. Lạm phát gia tăng có thể đẩy giá cả tiêu dùng lên cao, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và kéo theo nhu cầu dầu mỏ giảm.
Mặt khác, Mỹ bất ngờ tăng thêm 7 giàn khoan dầu khí, nâng tổng số lên 544 giàn, cho thấy khả năng sản lượng có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới. Điều này xảy ra trong bối cảnh rủi ro chính trị tăng cao khiến thị trường lo ngại về nguồn cung. Điều này khiến đà giảm của giá dầu chưa sâu, nhưng cũng chưa có yếu tố đủ mạnh để tạo sóng tăng giá mới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-7 cụ thể như sau:
- Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.481 đồng/lít.
- Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.925 đồng/lít.
- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.799 đồng/lít.
- Dầu hỏa: Không cao hơn 18.429 đồng/lít.
- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.478 đồng/kg. |
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều 17-7. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 178 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 165 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 38 đồng/lít; dầu hỏa tăng 58 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 85 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
THẢO NHIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.