Đây chính là bước đi quan trọng không chỉ đối với chương trình đưa vào trang bị vũ khí siêu vượt âm của Quân đội Mỹ, mà còn là lựa chọn tiết kiệm khi tận dụng các khung thân máy bay ném bom B-1B cũ trong khi chờ đợi các nền tảng hàng không mới như B-21 Raider.
Lựa chọn không mới, nhưng phù hợp
Từ năm 2020, Không quân Mỹ đã tính toán phương án tiếp tục sử dụng các máy bay ném bom B-1B cũ được trang bị từ thập niên 1960, khi chúng bị loại khỏi nhiệm vụ hạt nhân cấp chiến lược.
Dù có nhiều vấn đề về công nghệ và sự thay đổi của học thuyết chiến tranh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng về mặt kỹ thuật, các máy bay ném bom B-1B vẫn là vũ khí đáng gờm với khả năng bay với vận tốc siêu thanh, trọng tải cất cánh lớn. Quan trọng hơn cả là Không quân Mỹ còn tới hơn 40 máy bay ném bom B-1B đủ tiêu chuẩn hoạt động chiến đấu. Việc tận dụng chúng cho các nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ làm bệ phóng tên lửa siêu vượt âm là hoàn toàn hợp lý.
 |
Máy bay ném bom siêu âm B-1B Lancer. Ảnh: Globallookpress |
Theo Tạp chí Topwar, Lầu Năm Góc lựa chọn máy bay B-1B làm bệ phóng tên lửa siêu vượt âm có liên quan tới tiến độ phát triển và bàn giao máy bay ném bom tàng hình B-21 chậm tiến độ tới năm 2030. Trong khi đó, các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đều đã hiện thực hóa, thậm chí là đưa vào trang bị và đưa vào thực chiến các loại vũ khí siêu vượt âm mới.
Chính vì thế, việc sử dụng các máy bay ném bom B-1B là lựa chọn tối ưu. Báo cáo ngân sách của Không quân Mỹ năm 2026 đánh giá, việc sử dụng máy bay ném bom B-1B mang vũ khí siêu vượt âm giúp tiết kiệm tới 90% ngân sách so với lựa chọn phát triển nền tảng mới.
Điều này thể hiện ở việc Không quân Mỹ chỉ cần khoảng 50 triệu USD để nâng cấp các module LAM cho các máy bay B-1B để giúp chúng có thể mang nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa siêu vượt âm. Mức chi phí này rẻ hơn hàng chục lần so với giá thành của một máy bay B-21 sản xuất mới.
Hiện chưa rõ mỗi chiếc B-1B có thể mang theo bao nhiêu tên lửa với module LAM. Theo hãng chế tạo Boeing, nơi phát triển module LAM, giá treo ngoài thân máy bay cho phép B-1B chở theo khoảng 3-4 tấn tải trọng hữu ích khi cất cánh.
Tư duy thực dụng của người Mỹ
So với các dòng máy bay ném bom của Không quân Mỹ hiện nay là B-52H và B-2, B-1B là dòng máy bay duy nhất có thể đạt tốc độ bay siêu âm với vận tốc bay tới Mach 1,25, tương đương 1.500km/giờ. Tốc độ cao và trần bay lớn không chỉ giúp máy bay có khả năng cơ động cao tới vị trí tối ưu phóng tên lửa, mà còn tạo thế năng ban đầu cho vũ khí siêu âm khi rời bệ phóng.
Hiện tại, Quân đội Nga đang sử dụng nền tảng máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31K để mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Hướng tiếp cận của Mỹ với máy bay ném bom B-1B và tên lửa AGM-183A cũng tương tự, nhưng với quy mô lớn.
Có thể lấy ví dụ, máy bay B-1B có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 1.500km để phóng tên lửa siêu vượt âm AGM-183A. Đây là khoảng cách an toàn trước phần lớn các hệ thống phòng không hiện đại. Với vận tốc tối đa dự kiến lên tới hơn Mach 15, các tên lửa AGM-183A chỉ mất khoảng 10-12 phút để hủy diệt mục tiêu.
 |
Nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm AGM-183A của Mỹ. Ảnh: Defense News |
Việc đưa vào sử dụng các máy bay B-1B cho nhiệm vụ mới giúp tối ưu chi phí khi tận dụng được hệ thống hậu cần sẵn có, cũng như kéo dài thời gian phục vụ của các máy bay ném bom siêu âm này ít nhất tới năm 2035. Đây là yếu tố cần thiết khi khả năng sẵn sàng chiến đấu của Không quân Mỹ đang giảm mạnh trong những năm qua khi chất lượng máy bay có trong trang bị giảm, trong khi các chương trình phát triển máy bay chiến đấu mới chưa đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.
Tờ The warzone nhận định, việc lựa chọn máy bay B-1B làm bệ phóng cho tên lửa siêu âm thể hiện tư duy thực dụng và tối ưu hóa nguồn lực của Lầu Năm Góc. Các “bệ phóng” B-1B là bước đệm phù hợp trong bối cảnh vũ khí siêu vượt âm đang là xu thế phát triển của thế giới, khi máy bay B-21 vẫn chưa sẵn sàng; gửi lời răn đe tới các đối thủ với việc Washington đã có năng lực triển khai và tấn công các mục tiêu cấp chiến lược ở quy mô toàn cầu nhờ sự kết hợp giữa máy bay B-1B và tên lửa AGM-183A.
Trong tương lai, “bộ đôi” này có thể kết hợp với các loại vũ khí siêu vượt âm mới của lục quân và hải quân Mỹ trở thành một phần của sức mạnh răn đe bằng cả vũ khí thông thường, lẫn vũ khí hạt nhân của Lầu Năm Góc.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.