Tên lửa đánh chặn tầm xa LR-SAM (Barak-2) do Ấn Độ và Israel phát triển sẽ tiến hành phóng thử nghiệm tại Ấn Độ trong năm 2011. Đây sẽ là lần thử nghiệm LR-SAM đầu tiên trong kế hoạch 11 lần thử nghiệm tiến hành trong năm 2011 của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DDRO)...
QĐND Online - Tên lửa đánh chặn tầm xa LR-SAM (Barak-2) do Ấn Độ và Israel phát triển sẽ tiến hành phóng thử nghiệm tại Ấn Độ trong năm 2011. Đây sẽ là lần thử nghiệm LR-SAM đầu tiên trong kế hoạch 11 lần thử nghiệm tiến hành trong năm 2011 của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DDRO).
Trước đó, tháng 3-2010, LS-SAM đã tiến hành phóng thử nghiệm lần đầu tiên tại Israel. Trong lần thử nghiệm này, LS-SAM được phóng từ thiết bị phóng thẳng đứng đặt trên chiến hạm.
 |
Tổ hợp Barak trên khu trục hạm lớp Delhi. Ảnh: defencetalk.com
|
Theo đại diện cao cấp của DDRO, hơn 70% khối lượng công việc của dự án phát triển tên lửa đánh chặn LS-SAM là chuyên gia Ấn Độ thực hiện. Tính đến giai đoạn hiện tại, tổng chi phí của dự án LS-SAM là khoảng 581 triệu USD.
Theo công ty Israel Aerospace Industries (IAI), một trong những đơn vị tham gia dự án phát triển LS-SAM, tên lửa mới này được phát triển nhằm trang bị trên hạm để bảo vệ chiến hạm khỏi các đợt tấn công của máy bay, tên lửa đối hạm và các thiết bị bay không người lái của đối phương. Nhờ trang bị trạm radar mảng pha quét điện tử chủ động, tầm hoạt động của Tổ hợp LS-SAM vào khoảng cách từ 70 - 100 km.
Được biết, sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm, LS-SAM sẽ được trang bị trên 3 tàu khu trục thuộc dự án 15A. Các chiến hạm này sẽ được chuyển giao cho hải quân Ấn Độ trong năm 2012. Cùng với đó, LS-SAM sẽ là yếu tố bổ sung khả năng tác chiến cho tổ hợp tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ.
Được biết, ngoài chương trình phát triển LS-SAM, Ấn Độ còn tiến hành phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung MR-SAM theo đơn đặt hàng của lực lượng không quân. Dự án trị giá khoảng 100 tỷ Rupee này đã được bắt đầu từ năm 2009. Dự kiến, sau khi được tiếp nhận, MR-SAM sẽ đảm nhiệm vị trí thay thế cho tổ hợp tên lửa phòng không S-125 do Liên bang Xô viết chế tạo.
Trịnh Đức (theo Cp)