Lần đầu với Army Games

Army Games 2020 sẽ đánh dấu lần đầu tiên Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cử Đội tuyển TTLL tham dự. Tham gia một đấu trường quốc tế lớn như Army Games, Đội tuyển TTLL đại diện không chỉ riêng cho Binh chủng TTLL mà còn cả ngành TTLL toàn quân. “Đó là niềm tự hào rất lớn nhưng cũng vô hình trung tạo ra áp lực với chúng tôi, nhất là khi các đội tuyển QĐND Việt Nam tại Army Games những năm trước đã đạt rất nhiều thành tích đáng ghi nhận”, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 205 (Binh chủng TTLL), Đội trưởng Đội tuyển TTLL chia sẻ.

Đại tá Lê Dũng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng TTLL kiểm tra việc tập luyện của vận động viên thuộc nhóm Công nghệ thông tin. Ảnh: HUY QUÂN

Trong khuôn khổ Army Games 2020, Đội tuyển TTLL sẽ tham gia cuộc thi Chiến sĩ thông tin “Kỹ năng thành thục” dự kiến được tổ chức tại Belarus. Đội tuyển được chia làm 3 nhóm, gồm: Vô tuyến điện, tiếp sức quân sự và công nghệ thông tin (CNTT) để tranh tài 5 nội dung thi đấu là: Tiếp nhận tin, truyền tin, định hướng vô tuyến điện ban đêm, tiếp sức quân sự, làm việc với các thiết bị có cấu trúc IP. Nhận được sự quan tâm thường xuyên, tạo mọi điều kiện của cấp trên nhưng vì là lần đầu tiên tham gia Army Games, công tác huấn luyện chuẩn bị thi đấu của Đội tuyển TTLL cũng không tránh khỏi được những bỡ ngỡ ban đầu. Đó là chưa kể tới một thực tế giống như nhiều đội tuyển khác của QĐND Việt Nam, vũ khí, trang bị kỹ thuật tập luyện trong nước của Đội tuyển TTLL có nhiều khác biệt so với những gì mà Ban tổ chức Army Games cung cấp để thi đấu. Trong số 5 nội dung thi đấu tại Army Games 2020 sắp tới, có những nội dung mới hoàn toàn với Đội tuyển TTLL. Ví như với nội dung định hướng vô tuyến điện ban đêm, các vận động viên sử dụng bản đồ, la bàn được cấp để xác định nhanh và chính xác nhất vị trí đặt các trạm phát được đánh dấu trên bản đồ. “Đây vốn là một môn thể thao quân sự tại Nga cũng như một số nước láng giềng và họ thi đấu rất thường xuyên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chúng ta không tổ chức môn thi này”, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu cho biết.

Không riêng định hướng vô tuyến điện ban đêm, ngay cả với hai nội dung tiếp nhận tin và truyền tin, các báo vụ viên của Đội tuyển TTLL cũng phải đối mặt với trở ngại vô cùng lớn cho dù đây được xem là “nghề” của họ. Sở dĩ nói như vậy là bởi trong khi Quân đội ta sử dụng chữ cái, chữ số Latin để thu-phát báo, Army Games lại quy định sử dụng chữ cái, chữ số tiếng Nga. “Khi chuyển sang tập luyện báo vụ tiếng Nga, mọi thứ cơ bản thay đổi gần hết, chúng tôi gần như phải làm lại từ đầu. Trong giai đoạn đầu tập luyện, chúng tôi còn chưa quen với tiếng Nga nên tốc độ thu-phát báo của báo vụ viên bị ảnh hưởng không ít”, Thượng úy QNCN Đào Thanh Quân (Lữ đoàn 205, Binh chủng TTLL) nhấn mạnh.

Nguồn cổ vũ, động viên to lớn

Bộ đội TTLL có hơn 70 năm truyền thống vẻ vang. Trong thư gửi bộ đội TTLL tháng 1-1969, Bác Hồ từng căn dặn: “Đã có cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, ngày càng tiến bộ, lập nhiều thành tích mới”. Truyền thống vẻ vang cùng lời căn dặn của Bác trở thành di sản tinh thần vô giá, kim chỉ nam để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ TTLL ra sức phấn đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, bảo đảm TTLL “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Đội tuyển TTLL không ngừng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo tập luyện, phấn đấu lần đầu tiên tham gia Army Games đạt thành tích tốt nhất vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Các vận động viên của nhóm Vô tuyến điện trong một buổi tập luyện thu-phát báo. Ảnh: HUY QUÂN

Với phương châm huấn luyện “cơ bản, phân đoạn, tổng hợp”, ngay từ đầu, Đội tuyển TTLL đã xây dựng chương trình huấn luyện chi tiết, từ tiếng Nga, thể lực cho đến các nội dung chuyên ngành. “Ban đầu, ngoại ngữ là một rào cản rất lớn với đội tuyển. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian học tiếng Nga, tập trung vào đọc, viết chữ cái, chữ số, các khẩu lệnh sử dụng trong cuộc thi cũng như các câu giao tiếp thông thường. Sau hơn hai tháng tập trung đội tuyển, cho đến nay, chúng tôi dần khắc phục được rào cản này. Ngoài những giờ huấn luyện chuyên môn ban ngày, chúng tôi cũng tận dụng thời gian buổi tối để sưu tầm, nghiên cứu thêm tài liệu. Với mong muốn giành kết quả thi đấu tốt nhất, các thành viên của đội tuyển đang ngày đêm không ngừng cố gắng tập luyện, tự trau dồi thêm kiến thức”, Thượng úy Trần Thanh Tùng (Lữ đoàn 134, Binh chủng TTLL) chia sẻ.

Một trong những điểm đáng chú ý của Đội tuyển TTLL là luôn đặt ra định mức huấn luyện cụ thể cả về thể lực lẫn các nội dung thi đấu. Hằng tuần, ban huấn luyện đều tổ chức hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả từng vận động viên trong đội tuyển nhằm không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, đồng thời rèn bản lĩnh, tâm lý thi đấu. "Chúng tôi tổ chức duy trì tập luyện theo đúng lịch luyện tập chi tiết đề ra. Đội tuyển cũng duy trì nghiêm các quy định về nền nếp, chế độ sinh hoạt, luyện tập. Ví dụ điện thoại di động, chúng tôi quy định thời gian được phép sử dụng để bảo đảm sức khỏe cho các vận động viên. Gia đình và người thân có thể liên lạc qua điện thoại quân sự trong trường hợp cần thiết. Hiện nay, đội tuyển đang sử dụng 100% khẩu lệnh, bảng biển trên thao trường bằng tiếng Nga theo như quy chế thi đấu để thực hành luyện tập. Các vận động viên đã quen với khẩu lệnh tiếng Nga. Các vận động viên luôn tự giác rèn luyện và cơ bản đạt định mức hằng tuần đề ra về nội dung huấn luyện chuyên môn cũng như thể lực”, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu khẳng định.

HOÀNG VŨ - LINH OANH - NGỌC THƯ