Để hoàn thành tốt nhất nội dung thi, các thành viên trong đội tuyển, không phân biệt nam hay nữ, đều phải trải qua quá trình rèn luyện thể lực khắc nghiệt. Nâng tạ, chống đẩy, chạy bộ, cõng thương binh, bắn súng, ném lựu đạn... là những bài tập “cơm bữa” với những y, bác sĩ vốn quanh năm làm bạn với bông băng và kim tiêm.
Nỗ lực vượt qua chính mình
Giữa cái nắng như rang của thao trường, các vận động viên đội tuyển Tiếp sức quân y nhanh thoăn thoắt trườn qua chướng ngại vật dây thép gai, vượt hào sâu, tường cao, băng qua cây cầu đứt rời, dựng đứng... sau đó lại dùng những sợi dây dù buộc vào hai thân cây để vượt sông. Những thiếu nữ đôi mươi vóc người nhỏ nhắn cõng thương binh nam nặng tới 65-70kg vượt quãng đường 30m rồi lại đưa thương binh sang sông. Tất cả những hình ảnh đó chỉ diễn ra trong vài chục phút, nhưng công sức mà những vận động viên đội tuyển Tiếp sức quân y đã bỏ ra thì thật khó có thể đong đếm được.
 |
Vận động viên vượt qua cây cầu gồm 3 đoạn đứt rời, dựng đứng. Ảnh: Huy Quân |
Trong khuôn khổ Army Games 2020, đội tuyển Tiếp sức quân y sẽ tham gia các bài thi đồng đội và cá nhân. Cả đội nam và nữ đều tham gia những nội dung thi như nhau bao gồm: Bắn súng, tháo lắp súng, ném lựu đạn, vượt chướng ngại vật, vận chuyển thương binh, vượt sông, băng bó, cấp cứu tại hỏa tuyến....
Đối với các thành viên nữ trong đội tuyển, quá trình luyện tập chính là lúc họ phải nỗ lực vượt qua chính mình. Trải lòng về những gian nan trong quá trình này, Thiếu úy QNCN Vũ Thị Huệ, đến từ Viện Y học Quân chủng Hải quân, cho biết: “Dù đã tìm hiểu trước về cuộc thi, song khi bước vào thực tiễn luyện tập, tôi vẫn bất ngờ vì quá trình luyện tập thật sự khác xa rất nhiều so với những gì tôi đã tưởng tượng. Công việc bình thường của tôi gắn liền với bông băng, kim tiêm và môi trường bệnh viện. Còn ở đây, tôi thường xuyên làm bạn với súng, đạn, với bãi vật cản và thao trường đầy nắng”.
 |
Các nữ vận động viên phải cõng nam thương binh nặng tới 65-70kg. Ảnh: Huy Quân |
So với Huệ, Trung úy Bùi Thị Hương Lan, bác sĩ điều trị tại Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã có kinh nghiệm hơn vì đây là lần thứ hai cô có mặt trong đội tuyển Tiếp sức quân y. Tuy nhiên, với những thử thách mà quá trình tập luyện đặt ra, Lan đã phải cố gắng hết sức mình, vượt qua cả những giới hạn của bản thân để có thể đáp ứng yêu cầu của các bài thi.
Đối với cuộc thi Tiếp sức quân y, khó khăn không chỉ dừng lại ở vấn đề thể lực mà đây còn là nội dung đòi hỏi chuyên môn cao. Cuộc thi năm nay có nhiều điểm mới so với năm 2019, đặc biệt là tăng nhiều nội dung chuyên môn cho cả đối tượng bác sĩ lẫn trung cấp quân y. Bởi vậy, ngoài thời gian luyện tập trên thao trường, mỗi tối, các thành viên trong đội vẫn rủ nhau ôn luyện lại những kiến thức quân y để đảm bảo hành trang tốt nhất mang sang Uzbekistan. Dường như những khó khăn, vất vả chỉ càng khiến họ thêm quyết tâm, nỗ lực hết sức để chứng minh bản lĩnh của người chiến sĩ quân y Việt Nam trước bạn bè thế giới.
Chiếc chìa khóa vàng
Rút kinh nghiệm từ những lần thi trước (năm 2018 ở Nga, 2019 ở Uzbekistan), công tác chuẩn bị cho cuộc thi Tiếp sức quân y năm nay đã được thực hiện từ rất sớm. Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Bạch Đằng, Trưởng đoàn của đội tuyển Tiếp sức quân y, quá trình chuẩn bị từ nhân sự tới thao trường, bãi tập, nơi ăn, chốn ở cho các thành viên trong đội tuyển đều được đảm bảo chu đáo. So với những năm trước, sức trẻ được xem là một thế mạnh của đội tuyển năm nay, bởi đa phần các thành viên trong đội đều ở độ tuổi dưới 25. Đây được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo các thành viên có sức khỏe, thể lực tốt đáp ứng được điều kiện bài thi.
 |
Băng bó vết thương vùng đầu. Ảnh: Huy Quân |
Kinh nghiệm rút ra từ những lần thi trước cho thấy bên cạnh yếu tố thể lực, tính đồng đội cũng được xem là điều kiện tiên quyết để đội tuyển Tiếp sức quân y có thể giành được thành công trong hội thao lần này. Trung tá Nguyễn Quốc Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quân y 1, người từng 3 lần được giao trọng trách huấn luyện viên của đội tuyển Tiếp sức quân y nhận định rằng, mỗi thành viên sẽ là một mắt xích làm nên sự thành công cho toàn đội. Trong quá trình luyện tập, để tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên, Trung tá Nguyễn Quốc Thịnh thường xuyên đề nghị họ trao đổi, cùng nhau rút ra bài học kinh nghiệm trong cách xử lý các tình huống. Phương pháp này sẽ giúp các vận động viên tránh những động tác thừa, rút ngắn được thời gian thi.
 |
Rửa dạ dày. Ảnh: Huy Quân |
Army Games luôn là một thử thách rất lớn với các đội tuyển của Việt Nam. Ngoài nội dung thi mới, trang thiết bị không tương thích, thách thức về mặt thể lực cũng như tâm lý khi đứng trước các đối thủ mạnh đều là những “ải” khó vượt qua. Xây dựng cho bản thân một ý chí thép, một nghị lực kiên cường trước những gian khó sẽ là chiếc chìa khóa vàng giúp lực lượng quân y Việt Nam vượt qua những khó khăn, sẵn sàng đương đầu với những thử thách sắp tới tại đấu trường quân sự quốc tế.
NGỌC THƯ- HOÀNG VŨ - LINH OANH