Kỷ niệm đáng nhớ
Đằng sau mỗi tấm huy chương là biết bao mồ hôi, công sức và những hy sinh thầm lặng. Tấm Huy chương Bạc trong lần thứ hai tham dự Army Games hồi năm ngoái của Đội tuyển Xe tăng cũng không phải ngoại lệ. Với Thượng úy QNCN Phan Anh Tuấn của Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG (Binh chủng TTG), một khi được chọn vào đội tuyển là phải xác định cường độ tập luyện cao hơn so với thực tế thi đấu và đến nửa năm xa nhà. “Đã là bộ đội TTG và chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thì chúng tôi phải luôn cố gắng hết sức mình”, Thượng úy QNCN Phan Anh Tuấn từng đoạt giải pháo thủ giỏi khi tiêu diệt 8/8 mục tiêu tại vòng bán kết Army Games 2019 chia sẻ.
Cho đến nay, các thành viên trong Đội tuyển Xe tăng vẫn thường đùa vui với Thiếu úy QNCN Chu Văn Tùng của Lữ đoàn Xe tăng 201 (Binh chủng TTG) rằng từng có hai Chu Văn Tùng khác nhau ở Army Games 2019. Chuyện là tại vòng bán kết của Army Games 2019, anh bất ngờ bị gãy một chiếc răng khi đang thi đấu. “Đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Lúc đầu, do quá chú tâm thi đấu nên tôi cũng không hay biết. Sau đó, được sự quan tâm, động viên của đồng đội, tôi đã cố gắng hiệp đồng, lái xe hoàn thành tốt vòng đua”, Thiếu úy QNCN Chu Văn Tùng cho biết.
 |
Các thành viên Đội tuyển Xe tăng luyện tập trên thao trường ở Trung tâm Huấn luyện tổng hợp Tăng thiết giáp. Ảnh: HUY QUÂN. |
Thuần hóa "lò bát quái"
Nếu không trực tiếp có mặt trên thao trường giữa lúc miền Bắc đang vào đợt nắng nóng cao điểm, thật khó có thể hình dung đầy đủ được nỗi vất vả của các đội tuyển QĐND Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho Army Games 2020. Với Đội tuyển Xe tăng cũng vậy. Dưới cái nắng chói chang, những chiếc xe tăng không khác gì "lò bát quái" chỉ sau vài vòng luyện tập trên thao trường ở Trung tâm Huấn luyện tổng hợp TTG. “Nhiều khi chỉ sau 4 vòng tập, đặt một miếng giẻ lên trên xe tăng là cháy luôn cả miếng giẻ”, Thượng tá Vũ Mạnh Từ, Phó trưởng phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu, Binh chủng TTG, Phó đội trưởng Đội tuyển Xe tăng tham dự Army Games 2020 kể.
Thời tiết chưa phải là trở ngại duy nhất. Đó còn là điều kiện thao trường, vũ khí, trang bị kỹ thuật tập luyện có nhiều khác biệt so với thực tế thi đấu. Trong những trở ngại ấy, đối với Đội tuyển Xe tăng phải kể đến loại xe thi đấu tại Army Games là xe tăng T-72B3 vốn không có trong biên chế của QĐND Việt Nam. Trong khi đó, nhiều đối thủ của đội tuyển tại Army Games lại có khả năng sử dụng T-72B3 thuần thục hơn chúng ta vì trong biên chế của họ có loại xe tăng này. Ngoài ra, phải thừa nhận một thực tế thi đấu tại Army Games đang ngày càng trở nên “khó nhằn” hơn với các đội tuyển tham dự. “Nội dung thi đấu có thể tương tự như những năm trước nhưng khó khăn hơn ở chỗ, sau mỗi một năm dự thi, đội tuyển các nước đều rút ra được kinh nghiệm, tìm cách khắc phục điểm yếu của mình”, Thượng úy QNCN Phan Anh Tuấn chia sẻ.
Tinh thần “năm anh em...”
Để khắc phục khó khăn, theo Thượng tá Vũ Mạnh Từ, không còn cách nào khác là phải vượt lên chính mình, làm đúng như lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Theo đó, chỉ huy Đội tuyển Xe tăng cùng ban huấn luyện thường xuyên tổ chức kiểm tra các nội dung huấn luyện bắn, lái theo các bài phân đoạn, tổng hợp đối với các thành viên kíp xe, có sổ ghi chép đánh giá và nhận xét kết quả luyện tập của từng kíp xe, kịp thời rút kinh nghiệm đối với tồn tại, khuyết điểm sau từng lượt tập, từng buổi huấn luyện. Cùng với đó là thường xuyên tiếp thu ý kiến đóng góp, kinh nghiệm thực tế từ hai lần tham gia Army Games trước để điều chỉnh các nội dung huấn luyện sao cho sát với điều kiện thi đấu nhất. “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Army Games. Thời gian đầu tập luyện, tôi còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được sự quan tâm, chỉ dẫn của ban huấn luyện cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm của đồng đội từng tham gia thi đấu, tôi đã nhanh chóng bắt nhịp đội hình chung. Nếu ngay từ giai đoạn tập luyện trong nước đã đạt thành tích cao thì khi tiếp cận với xe tăng T-72B3, chúng tôi tin tưởng có đủ khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại úy Phùng Anh Cương của Lữ đoàn Xe tăng 215 (Binh chủng TTG) khẳng định.
Nhắc đến bộ đội xe tăng Việt Nam, mọi người thường liên tưởng ngay tới ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho như một biểu tượng sáng ngời về ý chí quyết chiến quyết thắng, sức mạnh đoàn kết thống nhất. Cho dù hiện nay, với các loại xe tăng hiện đại hơn, kíp xe không còn biên chế 5 người, nhưng truyền thống “năm anh em...” thì vẫn còn mãi. Thượng tá Vũ Mạnh Từ cho biết: "Đối với bộ đội xe tăng, nếu không thực sự đoàn kết, không có sự kết nối, hiệp đồng thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tham gia thi đấu Army Games cũng đòi hỏi tinh thần đồng đội rất cao đối với Đội tuyển Xe tăng. Nếu như ở vòng thi đầu tiên cần có sự thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động giữa các thành viên trong một kíp xe thì ở vòng thi tiếp sức lại là sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các kíp xe với nhau. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập đội tuyển, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về tâm lý, lứa tuổi, tính cách để xếp các thành viên chung một kíp xe. Khi ăn ở, sinh hoạt, các thành viên được bố trí ở chung một phòng. Trong quá trình huấn luyện, nếu có vấn đề nảy sinh thì kịp thời giải quyết để bảo đảm sao cho mọi người hiểu nhau nhất và đoàn kết nhất. Cho đến giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định đã sẵn sàng cho Army Games 2020. Chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng tối đa mọi cơ hội và khắc phục tất cả khó khăn để thi đấu tốt nhất”.
HOÀNG VŨ - LINH OANH - NGỌC THƯ