Người đến, hơi ngỡ ngàng vì được đón tiếp trong dãy nhà điều hành cũ kỹ, xây theo kiểu thập niên 1970-1980. Ngỡ ngàng vì từng được nghe kể, Nhà máy Z129 giờ là một trong những nhà máy cơ khí hiện đại bậc nhất ngành CNQP. Vậy mà...!
Như nhận ra nỗi niềm của khách, Đại tá Nguyễn Phi Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29-Bộ Quốc phòng (tên giao dịch dân sự của Nhà máy Z129) vội giải thích: “Chúng tôi đã xây dựng xong dãy nhà điều hành mới khang trang, hiện đại. Ít hôm nữa, ban giám đốc, các phòng, ban sẽ về nơi ở mới”.
Chuyện về một nhà máy cơ khí hiện đại, đẹp lung linh vừa hiện lên giữa núi rừng Việt Bắc xin được kể ở cuối bài. Còn đoạn đầu, “như thường lệ”, trong một dịp nhiều ý nghĩa như kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, các thế hệ sau luôn nhắc nhớ về những người “khai sơn, phá thạch” với tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Cuộc “trường chinh” tìm đất an cư
Hơn 50 năm trước, Ban Kiến thiết cơ bản, Cục Quân giới được giao nhiệm vụ tổ chức một nhóm cán bộ đi khảo sát tìm địa điểm để xây dựng nhà máy sản xuất ngòi đạn mang mật danh 6505. Hai phương án được đưa ra. Thứ nhất, xây dựng công trình 6505 ngay cạnh Nhà máy V113, một phần được đặt trong hang đá, một phần ở ngoài hang. Phương án hai, công trình 6505 được xây dựng cách Nhà máy V113 khoảng 4-5km về phía nam. Cả hai phương án này đều có được thuận lợi cơ bản là dễ dàng di chuyển về Hà Nội bằng cả đường bộ, đường sông, lại gần các nhà máy sẽ cung cấp bán thành phẩm và tiêu thụ sản phẩm của nhà máy mới.
Phương án hai đã được lựa chọn, bởi nếu theo phương án thứ nhất, thời gian thi công sẽ kéo dài và tốn nhiều chi phí vì phải xây dựng hầm trong núi. Một đoàn khảo sát được thành lập gồm các đồng chí: Lý Chấn Phương, Hoàng Đình Long và Tống Ngọc Viên. Xẻ núi, băng rừng, đoàn khảo sát nhanh chóng xác định được một địa điểm phù hợp để xây dựng công trình 6505. Đó là thung lũng Voi Đầm nằm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Khu vực này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cho việc xây dựng một nhà máy quân giới thời chiến: Một thung lũng rộng, phía bắc là những ngọn núi cao, phía đông nam là những ngọn đồi nối tiếp nhau; chia đôi thung lũng là một con đường nhỏ, một đầu vươn ra Quốc lộ 2, phía đông khuất dưới những lũy tre ven bờ sông Lô lịch sử.
Ngày 15-1-1971, Cục trưởng Cục Quân giới ra quyết định thành lập Ban Kiến thiết nhà máy sản xuất ngòi đạn (V129). Đây chính là quyết định khai sinh ra Nhà máy Z129 ngày nay. Tổ chức biên chế của Ban Kiến thiết là 425 người. Số cán bộ, công nhân này được điều từ Nhà máy V113 sang và một số từ các đơn vị khác chuyển đến. Đồng chí Lý Chấn Phương, nguyên Giám đốc Nhà máy 117 được bổ nhiệm làm trưởng ban. Đồng chí Lương Trọng Kính và Hoàng Đình Long làm phó ban.
 |
Việc chủ động đưa dây chuyền công nghệ mới vào sản xuất đã tạo bước đột phá về doanh thu trong năm 2020. |
Những ngày đầu năm 1971, nhân dân địa phương thấy các đoàn bộ đội về đo đạc, khảo sát địa hình. Họ dự đoán chắc sắp có công trình quân sự được xây dựng. Ai cũng náo nức đón chờ, mong được góp công, góp của cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Vì thế, trong buổi Ban chỉ huy công trường V129 gặp gỡ cán bộ và nhân dân địa phương, nhiều người dân đã phát biểu: Sẵn sàng tiếp nhận cán bộ, công nhân công trường đến ở nhà mình.
Sau khi nơi ăn, chốn ở ổn định, Ban chỉ huy công trường cùng cán bộ địa phương vận động bà con đang sinh sống ở khu vực xây dựng nhà máy di chuyển đi nơi khác. Sau khi được đả thông tư tưởng, 18 hộ, với 74 nhân khẩu, toàn bộ là người Cao Lan, vốn sống nhiều đời ở thung lũng Voi Đầm, đã tự nguyện di dời nhà cửa sang vị trí mới.
Công việc đầu tiên trên công trường xây dựng V129 là mở đường từ Quốc lộ 2 vào để vận chuyển vật tư, nguyên liệu xây dựng. Bất chấp nắng mưa, chỉ với những dụng cụ thô sơ, sau ít ngày, con đường đá cấp phối rộng 8m, dài 2km đã được hoàn thành.
Công việc san ủi mặt bằng xây dựng nhà máy đang diễn ra suôn sẻ thì đột ngột thiên tai ập đến. Sau mấy ngày mưa, nước sông Lô dâng cao đến báo động cấp 3. Khu vực công trường là một thung lũng nên nước ngập mênh mông, có chỗ sâu tới 3m. Trước tình hình ấy, Cục Quân giới quyết định cho di chuyển địa điểm xây dựng nhà máy sang vị trí mới, cách chỗ cũ 2km về phía nam. Nhận được lệnh trên, cán bộ, công nhân viên công trường vật lộn với mưa gió, di chuyển cơ sở vật chất đến nơi an toàn.
Một lần nữa, nhân dân địa phương lại là chỗ dựa vững chắc để các cán bộ, công nhân viên công trường V129 nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, tiếp tục công việc đang ngổn ngang trước mắt.
Ở vị trí mới, hình hài một nhà máy quân khí hình thành ngày một rõ nét. Tại Hội nghị thanh niên cụm các công trường Cục Quân giới, ngày 28-4-1974, báo cáo điển hình của Chỉ huy trưởng công trường V129 khẳng định: “Trong hơn hai năm triển khai xây dựng, với sự nỗ lực của hơn 400 cán bộ, công nhân viên và sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị, công trường đã hoàn thành khối lượng công việc: Đào đắp hơn 35.000 mét vuông nền đường; san lấp 107.000 mét vuông đất đá, tạo hơn 3ha mặt bằng để xây dựng nhà xưởng; làm hơn 7.000m2 nhà tạm và gần 4.000m2 nhà cấp 4, hoàn thành xây móng nhà kho hóa phẩm trong khu kỹ thuật”.
Năm 1978, Nhà máy Z129 hoàn thành việc xây dựng cơ bản. Dù mới bắt đầu đi vào vận hành nhưng nhà máy đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Chế thử và sản xuất ngòi đạn cối, ngòi đạn B40, ngòi nổ hẹn giờ... Không thể vì lý do là mới vận hành thử, công nhân chưa thạo việc mà chậm trễ cung cấp vũ khí cho chiến trường, cuối năm 1978, lãnh đạo, chỉ huy nhà máy quyết định phát động Chiến dịch “90 ngày đêm không nghỉ, phấn đấu hoàn thành 400.000 sản phẩm vũ khí cung cấp cho chiến trường Tây Nam”.
Kết quả, năm 1978, năm đầu tiên đi vào sản xuất chế thử, so với kế hoạch được giao, Nhà máy Z129 đã hoàn thành 105,6% giá trị tổng sản lượng.
Bước chuyển mình vạm vỡ
Tròn nửa thế kỷ hình thành và trưởng thành thành một nhà máy cơ khí hiện đại bậc nhất ngành CNQP, Nhà máy Z129 có nhiều điều đáng để tự hào. Trong đó, điều tự hào luôn được các cán bộ, công nhân viên nhắc tới là truyền thống tiếp nối. Rất nhiều con, cháu lớp cán bộ, công nhân viên đầu tiên của Nhà máy Z129 đã nối bước cha anh, tiếp tục dựng xây nhà máy. Trong số ấy, tôi được gặp một cô gái xinh xắn-Hoàng Thị Huệ, công nhân Phân xưởng A4.
- Em về nhà máy từ bao giờ?-tôi hỏi.
- Dạ, từ năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng CNQP, chuyên ngành cơ khí, Huệ trả lời.
- Sao em lại về đây?
- Vừa là tiếp nối truyền thống, vừa là có duyên anh ạ! Bố mẹ chồng em thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng nhà máy. Giờ chồng em cũng làm ở Xưởng A7 tổng lắp.
- Nữ làm cơ khí có vất vả không em?
- Nặng nhọc một tí, vất vả một tí nhưng vẫn làm được hết anh ạ.
- Công việc thường ngày của em?
- Khoan, quét, sửa ba via, cuốn lò xo...
- Năng suất so với nam?
- Không quá khác biệt, công việc như nhau thôi!
- Thu nhập có bảo đảm cuộc sống?
- Từ khi em về đây làm việc, thấy cũng ổn định, lương trung bình trên 10 triệu đồng/tháng.
Cuộc hội thoại ngắn ngủi của tôi với Huệ tạm dừng khi Thượng tá QNCN Vũ Quang Bồng, Quản đốc phân xưởng Cơ khí xuất hiện, tươi cười bắt chuyện. Anh khoe, năm 2020 vừa qua, năng lực sản xuất của phân xưởng tăng 25-30%. Đặc biệt, giá trị tiền lương sản phẩm năm 2020 lên tới 18 tỷ đồng, bứt phá mạnh so với những năm trước (năm 2019 là hơn 12 tỷ đồng, năm 2018 gần 10 tỷ đồng). Kết quả sản xuất của Phân xưởng Cơ khí đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, phân xưởng được bổ sung thêm một số thiết bị công nghệ cao. Thứ hai, đã có sự đổi mới về tư duy, sắp xếp lại hệ thống làm việc theo dây chuyền sản xuất loạt lớn.
Sự tăng trưởng của Phân xưởng Cơ khí là một minh chứng cho bước chuyển mình vạm vỡ của cả Nhà máy Z129.
Nhiệm vụ chính của Nhà máy Z129 là sản xuất, sửa chữa, nghiên cứu các loại ngòi đạn-sản phẩm được ví như trái tim của vũ khí. Đây là loại sản phẩm khó, yêu cầu kỹ thuật, độ chính xác cao. Trong khi đó, những dây chuyền thiết bị do nước bạn giúp đỡ từ khi thành lập nhà máy đã trở nên lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu chất lượng vũ khí ngày càng cao. Vì thế, trước năm 2015, Nhà máy Z129 lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, năng lực sản xuất sản phẩm ngòi rất thấp, mảng cơ khí chính xác thì cạnh tranh rất vất vả với các doanh nghiệp ngoài quân đội.
Đứng trước nguy cơ “tồn tại hay không tồn tại”, năm 2015, Ban giám đốc Nhà máy Z129 đã mạnh dạn đề xuất đầu tư dây chuyền công nghệ mới của châu Âu. Theo tiến độ đầu tư, dự kiến dây chuyền công nghệ mới được hoàn thành lắp đặt trong năm 2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên các đối tác châu Âu chưa thể đưa chuyên gia sang Việt Nam để chuyển giao, dù các máy móc đã được nhập về tương đối đầy đủ. Không để dây chuyền máy móc hiện đại “ngồi im”, ban giám đốc đề nghị phía đối tác được khai thác một số trang thiết bị đã lắp đặt. Kết quả, với khả năng sáng tạo, làm chủ kỹ thuật mới, các cán bộ, công nhân Nhà máy Z129 đã đưa được một số máy tự động vào sử dụng, góp phần quan trọng tạo nên bước đột phá về kết quả kinh doanh trong năm 2020. Theo đó, doanh thu năm 2020 đạt 850 tỷ đồng. Con số này vô cùng ý nghĩa nếu so với những năm gần đây: Từ năm 2016 trở về trước, trung bình doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm; năm 2018 đạt hơn 300 tỷ đồng; năm 2019 đạt hơn 400 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, theo Đại tá Nguyễn Phi Trường, khi toàn bộ dây chuyền công nghệ mới được đưa vào khai thác, doanh thu của Nhà máy Z129 sẽ là những con số khổng lồ.
Đồng bộ với sự đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền công nghệ mới, các công trình khác như: Khu điều hành mới, hội trường, đường nội bộ, khu sản xuất, nhà xưởng, nhà ăn ca, nhà khách, nhà công vụ, các công trình văn hóa, thể thao... đều được xây dựng mới, khang trang, khiến Nhà máy Z129 như “thay da, đổi thịt”. Đời sống của cán bộ, công nhân viên cũng được nâng lên rất nhiều, thu nhập bình quân năm 2020 khoảng 13 triệu đồng/người/tháng. Đại tá Nguyễn Phi Trường khoe: “Năm vừa qua, có những tuần, 7-8 gia đình cán bộ, công nhân viên nhà máy mua ô tô. Rất nhiều hộ đã xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Nhà máy Z129, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi mời tất cả những ai từng công tác ở nhà máy về gặp mặt”.
Bài và ảnh: HUY ĐĂNG