“Sống” giữa đại ngàn

Ngày mới thành lập (năm 1997) muốn vào Đồn Biên phòng Suối Cát chỉ có hai cách để lựa chọn; hoặc là đi bộ từ xã Mô Rai thuộc huyện Sa Thầy, xuyên qua “vùng lõi” Vườn quốc gia Chư Mom Ray, hoặc vòng qua xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) rồi xuôi về hướng Bắc, men theo con đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh mà đi. Bao giờ nhìn thấy bóng người là chắc chắn chuẩn bị vào đến đồn. Cách nào thì cũng phải lội bộ trên dưới 40km, nhanh cũng mất hơn một ngày “cơm rừng ngủ bụi”.

Giữa đại ngàn biên giới mênh mông, gần như không có người qua lại, người lính Biên phòng Suối Cát cứ lặng thầm thực hiện nhiệm vụ, dẻo dai giữa muôn vàn thử thách. Bên cạnh sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, mang đến những trận sốt rừng dai dẳng suốt 6 tháng mùa mưa, là những khó khăn thiếu thốn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần do phải sống cách biệt với khu dân cư, mà điều dễ nhận thấy nhất đó thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn cho bộ đội. Anh em phải tự túc gần như 100% rau xanh, thịt cá mỗi ngày và để làm được điều này thì chỉ có một giải pháp duy nhất đó là đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khép kín mô hình VAC quanh bếp quanh nhà.

Khuôn viên Đồn Biên phòng Ia Đal.  

Sống biệt lập, những người lính Biên phòng Suối Cát có khá nhiều lợi thế cả trong trồng trọt lẫn chăn nuôi giúp cho bữa ăn mỗi ngày được “tươi” hơn. Tuy nhiên cũng chính từ điều kiện tự nhiên như thế đã mang đến những bất lợi không hề nhỏ, trong đó gian nan nhất vẫn là những chuyến “viếng thăm” của lũ lợn rừng. Bọn này vừa đông con lại vừa lắm đàn, đi đến đâu là y như rằng “sạch sành sanh” đến đó. Từ vườn rau, bụi chuối đến đám mì, rẫy ngô, bộ đội chăm bẵm cả năm không đủ “tiếp đón” chúng nửa ngày. Đại tá Trần Xuân Vĩnh (nguyên Phó chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum), nguyên đồn trưởng đầu tiên của Đồn Biên phòng Suối Cát đã có lần chia sẻ rằng: “Có thời điểm cả tháng trời không hề thấy một bóng người qua lại. Anh em ngày đi tuần tra biên giới, tối đến ôm súng canh lũ heo rừng. Loại này không thể dùng dây thép gai rào được, vì chúng vừa đông lại rất khỏe. Cách tối ưu nhất là cắt cử nhau trông coi, bởi chỉ cần lơ là một tý thôi thì không chỉ con người mà đến cả vật nuôi cũng cạn sạch nguồn thức ăn…”. “Giải pháp” tăng gia sản xuất rất cũ mà cũng rất lạ, chắc chỉ thấy ở những đồn biên phòng heo hút giữa ngàn xanh.

“Pháo đài” trên biên giới

Tạm biệt những ngày đơn độc giữa ngút ngàn biên giới, năm 2014, Đồn Biên phòng Suối Cát được xây dựng cơ bản theo chuẩn mới và được đổi tên thành Đồn Biên phòng Ia Đal. Do tính đặc thù của các khu dân cư mới thành lập, bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 18,2km đường biên giới, tiếp giáp 2 huyện Đun Mia và Tà Veng, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) Đồn Biên phòng Ia Đal được giao quản lý địa bàn 7 thôn thuộc hai xã Ia Đal và Ia Dom, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) với tổng dân số 3.326 người thuộc 15 dân tộc anh em chung sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 72,25%).

Kể từ ngày chuyển về nơi ở mới khang trang, hiện đại, vững vàng như “pháo đài” trên biên giới, những người lính Đồn Biên phòng Ia Đal nhanh chóng khẳng định được vai trò nòng cốt, xung kích trên mọi mặt trận, trong đó nổi bật nhất chính là công tác dân vận, xây dựng địa bàn, từng bước xây chắc “pháo đài” giữa lòng dân. Với một địa bàn đa sắc màu, có người ví nó như một tấm “sa bàn” hình ca rô cả về bố trí sắp xếp cư dân lẫn đời sống kinh tế, văn hóa thì việc người lính Đồn Biên phòng Ia Đal lựa chọn những mô hình giúp dân quy mô nhỏ, chậm mà chắc là rất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Đồn Biên phòng Ia Đal hỗ trợ ngày công giúp bà con xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi trên địa bàn. 

Thiếu tá Dương Văn Năm, Huyện ủy viên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Đal chia sẻ: “Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng, quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tập trung giúp đỡ hỗ trợ những đối tượng đặc biệt khó khăn như gia đình chính sách, trẻ em nghèo hiếu học, người tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa... Tùy vào khả năng của đơn vị, quy mô có thể nhỏ nhưng hiệu quả phải lớn, để không một ai trên địa bàn đồn quản lý bị tụt lại quá xa ở phía sau”.

Có thể nói, với gần 350 hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, hầu hết đều là những “tân chủ nhân” ở nơi xa đến đây lập nghiệp, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc “giang tay ôm cả bầu trời” là điều không thể. Trên đường chạy marathon mang tên “thoát nghèo” ấy, những người lính đến từ Đồn Biên phòng Ia Đal chỉ là người tiếp sức, hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế nhất để tất cả cùng về đích.

Xin điểm qua những địa chỉ của lòng nhân ái để thấy tình yêu của người lính bên dòng Suối Cát trân quý đến nhường nào. 4 cháu học sinh nghèo thuộc chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, một Mẹ liệt sĩ và 1 trẻ tàn tật. Trong đó riêng 2 địa chỉ sau, bên cạnh mức hỗ trợ chung là 500.000 đồng/người/tháng, Đồn Biên phòng Ia Đal còn đồng hành mỗi ngày với “gói” trợ giúp y tế trị giá 500.000 đồng, chăm sóc tốt sức khỏe cho người có công, cũng như tạo chỗ dựa vững chắc giúp người tàn tật vượt qua số phận. Nói về tình cảm của người lính Biên phòng Ia Đal, anh Hà Văn Tuyên, bố của cháu Hà Thị Kiều Oanh (trẻ tàn tật) ở thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai xúc động cho biết: “Gia đình tôi chuyển từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp, nhưng do thiếu đất đai canh tác, cháu lại bị bệnh bại não bẩm sinh nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Đal tận tình giúp đỡ chắc chúng tôi không thể tìm ra lối thoát. Không chỉ giúp đỡ gia đình tôi, cán bộ, chiến sĩ của đồn còn chung tay với chính quyền địa phương giúp dân xóa đói giảm nghèo, chăm lo nhà ở, tổ chức đón Xuân ấm áp cho người nghèo trên biên giới…”.

Không chỉ là “điểm tựa” vững chắc cho những mảnh đời thiếu may mắn, Đồn Biên phòng Ia Đal còn triển khai nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững như mô hình nuôi cá thịt và chăm sóc vườn điều ở hộ gia đình ông Lô Văn Duy (thôn 4, xã Ia Đal), mô hình nuôi dúi sinh sản của ông Lê Ngọc Muôn (thôn 3, xã Ia Đal), tham gia xây dựng các quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí định kỳ trên địa bàn… Chỉ tính riêng năm 2021 đến nay, đồn đã hỗ trợ trên 500 ngày công giúp bà con lao động sản xuất, xây dựng đời sống.

Niềm tin của quần chúng nhân dân trên địa bàn dành cho Đồn Biên phòng Ia Đal không ngừng được củng cố, tình cảm quân dân ngày càng bền chặt chính là cơ sở giúp người lính biên phòng bên dòng Suối Cát bám trụ vững vàng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chúng tôi ví sự dẻo dai của người lính Biên phòng Suối Cát thời bám trụ giữa ngàn xanh và tầm vóc của Đồn Biên phòng Ia Đal hôm nay vững vàng như một “pháo đài” trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bên dòng Suối Cát giờ đây lính biên phòng không còn đơn bóng giữa đại ngàn mênh mông. Trong vòng tay yêu thương của đồng bào các dân tộc chung sống trên địa bàn và cứ thế, “pháo đài” mang tên Đồn Biên phòng Ia Đal đang ngày càng được xây chắc giữa lòng dân biên giới.

Bài, ảnh: CẨM XUYÊN-THANH TRÚC