QĐND - Từ đầu mùa khô năm 2012 đến nay, cháy rừng liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tính đến hết tháng 8, số vụ cháy rừng đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm sao để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại?
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia dập lửa cứu rừng
|
Thực trạng đáng lo ngại
Tại hội nghị triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng năm 2012, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định phương châm: “Phòng là chính, phát hiện lửa từ xa và tổ chức cứu chữa kịp thời, triệt để”. Mục tiêu của tỉnh là hạn chế diện tích rừng bị thiệt hại do cháy dưới 0,5% so với diện tích trồng mới trong năm (khoảng dưới 20ha), không để cháy rừng xảy ra trên diện rộng và gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên, chỉ tính đến giữa tháng 8-2012, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ cháy rừng với diện tích gần 100ha, trong đó, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 70ha. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 8 vừa qua liên tục xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở các địa phương. Trong đó, ngày 3-8 xảy ra 3 vụ cháy rừng tại núi Ngự Bình (TP Huế), xã Hồng Tiến (TX Hương Trà), núi Mỏ Tàu và núi Rệ (TX Hương Thủy); ngày 5-8, có đến 4 vụ cháy rừng xảy ra tại xã Hồng Hạ và xã Phú Vinh (huyện A Lưới), xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc), xã Hương Hồ (TX Hương Trà), xã Phú Sơn (TX Hương Thủy) thiêu rụi hơn 50ha rừng thông và rừng keo; ngày 6-8, tại phường An Cựu, An Tây của TP Huế liên tục xảy ra 5 vụ cháy rừng…
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân các vụ cháy bước đầu được xác định là do bom đạn sót lại sau chiến tranh phát nổ, người dân thắp hương đốt vàng mã, chập lưới điện... Đáng chú ý là sự bất cẩn khi sử dụng lửa thắp hương, đốt vàng mã tại một số nghĩa địa trong rừng. Điển hình là dịp Lễ Vu lan đã xảy ra vụ cháy rừng thông vào trưa ngày 12-8, tại khu vực dốc Đốt, núi Túc Tiên, phường Hương Chữ (TX Hương Trà). Đây là khu vực tập trung nhiều lăng mộ, do người dân bất cẩn khi thắp nhang viếng mộ nên gây cháy thiệt hại gần 10ha rừng thông…
Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài các nguyên nhân nói trên, tình trạng cháy rừng tăng một cách đột biến vào cuối tháng 7 và tháng 8-2012 còn có hai nguyên nhân nữa. Thứ nhất, năm nay, chu kỳ khai thác rừng trồng ở các huyện tăng đột biến. Sau khi khai thác xong, các chủ rừng hộ gia đình nhanh chóng xử lý thực bì để vào vụ mới mà không chấp hành khuyến cáo của cơ quan chức năng. Thực tế, những ngày qua, thời điểm này dự báo cấp cháy rừng luôn ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, nên cơ quan chức năng đã chỉ đạo nghiêm cấm đốt, xử lý thực bì. Song vẫn có nhiều chủ rừng cố ý xử lý thực bì mà không báo cáo với kiểm lâm địa phương. Thậm chí, cơ quan kiểm lâm đã hướng dẫn cụ thể kỹ thuật, nguyên tắc xử lý thực bì an toàn đến từng hộ gia đình, thế nhưng người dân vẫn tự làm theo ý mình, nên đã gây ra cháy rừng. Điển hình phải kể đến vụ cháy lớn gây thiệt hại hơn 40ha rừng trồng của 9 hộ dân ở xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc) vào ngày 5-8.
Nguyên nhân thứ hai, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhấn mạnh sự khác biệt so với những năm trước đó là chỉ tiêu P - chỉ tiêu dự báo tổng hợp tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tính toán từ các chỉ tiêu về khí tượng như: Nhiệt độ lúc 13 giờ, độ chênh lệch bão hòa lúc 13 giờ và hệ số K là hệ số lượng mưa đo được của những ngày trước đó, nếu chỉ tiêu P ở ngưỡng từ 20.001 - 25.000 thì cấp dự báo cháy rừng là cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong các năm trước, chỉ tiêu P đạt ngưỡng khoảng 28.000. Riêng tháng 7 năm 2011, chỉ tiêu P đạt ngưỡng cao nhất là 31.100. Nhưng có những ngày của tháng 7 và tháng 8-2012, chỉ tiêu P lên đến hơn 53.000, tăng gần gấp đôi so với dự báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm. Cơ quan Kiểm lâm tính ra chỉ tiêu P một số ngày gần đây đã vượt ngưỡng 53.000. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt còn diễn biến phức tạp, giai đoạn đỉnh điểm của mùa nắng nóng vẫn còn, việc đối phó với cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế càng trở nên nguy cấp.
Kết hợp “4 tại chỗ” với “4 sẵn sàng”
Tuy diễn biến có chiều hướng phức tạp, nhưng nhìn chung các vụ cháy rừng ở Thừa Thiên – Huế được phát hiện sớm, huy động lực lượng ứng cứu kịp thời nên đã giảm tối đa diện tích rừng bị thiệt hại. Đặc biệt vai trò nòng cốt của LLVT nói chung, của quân đội và dân quân tự vệ nói riêng tiếp tục được khẳng định. Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 8 vừa qua đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên – Huế được huy động dập lửa cứu rừng. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá cao vai trò của các đơn vị quân đội đã phối hợp với kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ trong công tác phòng, chống cháy rừng.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cẩn trọng, đề phòng cho người dân, thời gian tới, để giảm số vụ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trương, kết hợp phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với “4 sẵn sàng” (chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng), trong đó nòng cốt vẫn là lực lượng quân đội, công an và dân quân tự vệ.
Về lâu dài, theo ý kiến của các nhà quản lý, việc xây dựng một lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp từ chuyên môn nghiệp vụ, trang thiết bị, phương tiện để phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của tỉnh cũng cần được tính đến. Đi đôi với mặt tích cực của sự tăng trưởng nhanh chóng về diện tích và quy mô trồng rừng, thì công tác quản lý cháy rừng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Để khắc phục tồn tại này, các đơn vị chức năng cần quy hoạch rừng trồng hợp lý, cùng với đó là phải đầu tư thỏa đáng cho hệ thống hạ tầng, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bài và ảnh: HÀ THÀNH