Cơn gió rét căm căm lùa qua những ngọn cây khô khốc, mang theo hơi thở của thời gian và những thanh âm trầm lặng của lịch sử. Không gian nơi đây nhuốm màu hoài niệm, như thể từng hạt mưa rơi xuống đều thấm đẫm ký ức của một thời lửa đạn.
Sân bay Tà Cơn từng là đầu cầu hàng không trong cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh thời kỳ 1966-1968. Đứng giữa khung cảnh ấy, tôi-một người trẻ chỉ biết về chiến tranh qua những trang sách và lời kể-vẫn cảm nhận được sức nặng của lịch sử in hằn trên từng vết tích còn sót lại. Hơn nửa thế kỷ trước, nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, nơi lửa đạn vẽ nên những trang sử đau thương nhưng cũng đầy kiêu hãnh.
Thắp nén hương trong ngôi miếu nhỏ cùng anh đồng nghiệp, tôi lặng lẽ quan sát mọi thứ xung quanh. Gió lùa qua những hàng cây trơ trọi, cuốn theo lớp bụi đỏ mịt mù. Dường như những linh hồn năm xưa vẫn còn quẩn quanh, chưa muốn rời xa mảnh đất này.
 |
Tác giả tại Di tích lịch sử Quốc gia sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Ảnh: QUYẾT THẮNG |
Hơn nửa thế kỷ trước, nơi đây là một chiến trường rực lửa. Những chiếc máy bay C-130 của địch gầm rú trong tuyệt vọng, cố gắng cất cánh giữa những trận pháo kích xé toạc màn đêm của quân ta. Tiếng trực thăng phành phạch, quần thảo như những con thú bị dồn vào đường cùng. Dưới mặt đất, từng lớp chiến sĩ giải phóng siết chặt vòng vây, từng bước, từng bước một, tiến về phía ánh lửa của lịch sử. Đạn xé gió, bom vùi xác, nhưng không gì có thể chặn đứng dòng chảy cách mạng chính nghĩa mà một dân tộc đã lựa chọn.
Tà Cơn hôm nay bình yên, chỉ còn lại những tàn tích trơ trọi giữa trời. Tôi đưa tay chạm vào lớp vỏ thép lạnh của chiếc máy bay C-130 còn sót lại và như nghe thấy âm thanh của quá khứ vọng về. Nhìn qua lớp cửa kính phủ màu thời gian của máy bay, tôi hình dung ra ánh mắt hoảng loạn của những kẻ xâm lược và bọn tay sai từng có mặt ở đây, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Những dấu vết trên thân máy bay, những lô cốt đổ nát, những chiến hào ngập cỏ dại... tất cả đều là chứng tích không thể phai mờ của một thời kỳ chiến tranh khốc liệt.
Tôi không sinh ra trong thời chiến, nhưng khi chạm vào những vết tích này, tôi ngỡ như có thể nghe thấy tiếng súng xa xăm, tiếng hô xung phong, tiếng gọi đồng đội của bậc cha chú giữa biển lửa. Lịch sử chiến đấu hào hùng của quân, dân ta vẫn ở đó, hiện hữu trong từng viên đá, từng gốc cây, từng ngọn gió thổi qua những ngọn đồi trập trùng.
Giữa trời Quảng Trị, tôi tự hỏi: Bao nhiêu giấc mơ đã nằm lại dưới lớp đất này? Bao nhiêu thanh xuân đã gửi thân nơi đây để đổi lấy bầu trời thanh bình hôm nay? Lịch sử không phải là những con số khô khốc, không phải là những tấm bia đá lạnh lùng. Lịch sử là những linh hồn, là máu xương, là những tiếng vọng dường như chưa bao giờ nguôi lắng trong không gian.
Tôi rời Tà Cơn, rời Khe Sanh trong cơn mưa lạnh, mang theo sự bồi hồi khó tả. Mỗi cơn gió thổi qua nơi này như mang theo lời thì thầm của quá khứ. Một quá khứ hào hùng của dân tộc mà tất cả chúng ta không bao giờ được phép lãng quên.
LÊ PHI ĐIỆP
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.