QĐND - “Tôi luôn tâm niệm: Dù làm được một việc nhỏ, nhưng giúp được những người dân nghèo bớt cơ cực và những người mù tìm lại được ánh sáng là cảm thấy nghề thầy thuốc mình đang theo đuổi có ý nghĩa hơn” - Đó là suy nghĩ của bác sĩ trẻ Vũ Mạnh Hà.

Thấu hiểu người nghèo

Vũ Mạnh Hà đến với phong trào mùa hè tình nguyện do Trung ương Đoàn phát động vào năm 2000, khi ấy anh đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Y Thái Nguyên. Lần đó, anh và 7 bạn sinh viên cùng trường tự nguyện vác ba lô lên biên giới, vượt qua hàng trăm cây số đường đồi núi quanh co, hiểm trở đến với 3 xã đặc biệt khó khăn là Sính Lủng, Sủng Là và Sà Phìn của huyện Đồng Văn (Hà Giang). Về với bà con nghèo, anh vừa tích cực vận động, tuyên truyền cho đồng bào về nếp sống vệ sinh, ăn ở sạch sẽ, vừa trực tiếp khám, phát thuốc miễn phí và tư vấn sức khỏe cho dân bản. Những ngày lội suối, luồn rừng đến giúp bà con người Mông trên lưng chừng núi, Hà càng thấu hiểu sự lam lũ, cực nhọc của bà con dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Không chỉ sống dưới những căn nhà đơn sơ, tuềnh toàng, bữa ăn hằng ngày chỉ có “mèn mén”, nước sinh hoạt thiếu thốn, nhiều người dân còn bị bệnh tật “hành hạ” rất cơ cực. Đáng thương nhất là những ông cụ, bà lão đã chịu đựng cả một đời vất vả, đến tuổi xế chiều lại dò dẫm từng bước đi do bị mù lòa. Hơn một tháng cùng ăn, cùng ở, cùng sẻ chia với bao gian khổ của đồng bào, Hà tự nhủ phải quyết tâm học hành thật tốt để trở lại công tác ở Hà Giang, với tâm nguyện là được đóng góp một phần công sức của mình giúp đỡ những người dân nghèo bớt nhọc nhằn hơn.

Bác sĩ Vũ Mạnh Hà (ngoài cùng, bên trái) chuẩn bị khám bệnh cho bà con dân tộc thôn Nà Thác, xã Phương Độ, TP Hà Giang.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cuối năm 2003, Hà về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Mới làm việc chưa đầy 3 tháng ở bệnh viện, bác sĩ trẻ Vũ Mạnh Hà đã xung phong đi phục vụ Đoàn công tác phân giới cắm mốc trên dọc tuyến biên giới Việt - Trung của tỉnh Hà Giang. Trong 2 năm sống và làm việc ở địa bàn biên giới, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đoàn công tác, Hà còn tích cực giúp đỡ và cùng các nhân viên y tế các xã, thôn bản biên giới tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con ăn ở theo nếp sống mới, đồng thời chủ động tìm hiểu cơ cấu bệnh của người dân trên địa bàn. Trong số các bệnh thường gặp, Hà nhận thấy tỷ lệ người cao tuổi bị mù lòa khá cao một phần là do lối sống chưa hợp vệ sinh, phần khác do đồng bào thiếu kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe. “Làm thế nào để giúp những người mù lòa tìm lại ánh sáng” là câu hỏi thường trực và cũng là nỗi niềm day dứt khôn nguôi trong lòng bác sĩ trẻ Vũ Mạnh Hà.

“Thủ lĩnh” của nhiều chương trình nhân văn

Trở lại Bệnh viện đa khoa Hà Giang công tác được ít lâu, năm 2006, Hà đã thi đỗ cao học chuyên ngành mắt. Hà tâm sự, được theo học chuyên sâu khoa mắt là mong muốn bấy lâu của anh. Vì vậy, anh đã nỗ lực vượt bậc để tiếp thu những thành tựu y học mới nhất về chuyên khoa này, trong đó có thành tựu phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp pha-cô. Được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Mắt Trung ương và đoàn bác sĩ của I-xra-en truyền đạt kinh nghiệm, Hà đã dần dần tiếp cận, làm chủ được phương pháp điều trị này. Năm 2008, lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, bác sĩ trẻ Vũ Mạnh Hà cùng đồng nghiệp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thủy tinh thể bằng phương pháp pha-cô. Đây là một phương pháp hiện đại, phẫu thuật ít đau, giúp phục hồi thị lực nhanh chóng và ít tốn kém.

Có tay nghề chuyên môn cao, bác sĩ Vũ Mạnh Hà không quên hướng về những người dân nghèo bị mù lòa mà anh đã gặp. Anh đã tham gia hàng chục chuyến hành quân dã ngoại đến các địa bàn khó khăn nhất của tỉnh để trực tiếp tư vấn, khám và phẫu thuật thủy tinh thể cho các bệnh nhân nghèo. Nhưng Hà nghĩ rằng, “một cây làm chẳng nên non”, bản thân mình dù cố gắng làm tốt đến mấy cũng chưa đủ mà cần phải dựa vào vai trò của các đồng nghiệp trẻ. Do vậy, năm 2009, với cương vị Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện đa khoa Hà Giang, anh đã chủ động đề xuất với Ban giám đốc bệnh viện và lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho phép thành lập “Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang” với mong muốn phát huy nguồn lực trẻ trong ngành y tế địa phương vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là những người dân nghèo. Bằng trình độ và uy tín chuyên môn, cộng với lòng tận tụy và tinh thần nhiệt huyết của mình, bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã tập hợp được gần 300 y, bác sĩ trẻ trong toàn tỉnh tham gia CLB. Từ đó đến nay, Chủ nhiệm “CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang” Vũ Mạnh Hà đã đề ra và tổ chức cho CLB thực hiện nhiều chương trình thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”, “Mang lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo”, “Áo ấm cho trẻ em biên cương”, “Niềm vui cho những người già cô đơn”, “Thầy thuốc trẻ Hà Giang hướng về biên giới”…

Sau 10 năm công tác, bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã được tặng thưởng gần 20 bằng khen, giấy khen của Sở Y tế và UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhãn khoa Việt Nam. Vũ Mạnh Hà cũng được trao tặng các danh hiệu: Giải thưởng nghiên cứu khoa học trẻ châu Á năm 2010, Chiến sĩ thi đua 4 năm liên tục (2008-2011), Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011, Đảng viên tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh Hà Giang trong 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2007-2010), Tài năng trẻ khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2012.

Dù cuộc sống gia đình chưa hết khó khăn, hai con còn nhỏ, nhưng Hà luôn tận tâm với công việc chuyên môn tại bệnh viện và hết lòng với các hoạt động nhân đạo, từ thiện của CLB. Bởi theo anh, làm nghề y mà chỉ nghĩ đến danh vị, tiền bạc đơn thuần thì hai chữ “lương y” đâu còn giá trị. Thế nên, gác lại một phần hạnh phúc riêng tư, anh đã tình nguyện đến những địa bàn biên giới nơi địa đầu Tổ quốc như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Yên Minh, Vị Xuyên… để sẻ chia khó khăn với đồng bào, góp phần mang lại niềm tin và khát vọng sống tốt hơn cho bà con. Chỉ trong 2 năm (2011-2012), hơn 8000 bệnh nhân trong tỉnh, trong đó có gần 1.800 bệnh nhân nghèo không chỉ được bác sĩ Vũ Mạnh Hà và đồng nghiệp mổ miễn phí bằng phương pháp pha-cô, mà mỗi người còn được hỗ trợ thêm 300.000 đồng để chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian chữa bệnh. Đây là số tiền do “CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang” vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ. Bên cạnh đó, anh cùng các thầy thuốc trẻ đã đến khám, chữa bệnh miễn phí cho các thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh và các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Lao và Phổi của tỉnh. CLB cũng đã quyên góp, ủng hộ nhiều sách vở, quần áo, chăn màn, thuốc chữa bệnh, muối ăn… cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều xã dọc tuyến biên giới Việt - Trung.

Điều gì đã gắn kết Vũ Mạnh Hà với phong trào tình nguyện suốt 13 năm qua? Hà “bật mí” với tôi rằng, bố mẹ anh từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong lên Hà Giang làm con đường Hạnh Phúc từ Đồng Văn sang Mèo Vạc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vì vậy, anh muốn nối tiếp truyền thống của gia đình và thông qua những chuyến đi vùng cao, vùng biên giới, anh được trải nghiệm, chia sẻ, thấu hiểu hơn những phận nghèo, những cảnh đời thiếu may mắn để qua đó không ngừng củng cố, bồi đắp và hoàn thiện phẩm chất y đức cho người thầy thuốc. Bác sĩ Vũ Mạnh Hà tâm sự: “Do điều kiện đồi núi chia cắt, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, nên hiện nay Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Rất nhiều bà con dân tộc thiểu số không có điều kiện tiếp cận các trang thiết bị và dịch vụ y tế hiện đại để khám chữa bệnh. Ngày ngày họ phải lo cơm áo đã rất vất vả rồi thì đâu còn điều kiện để tích lũy. Chỉ vì quá nghèo, không có tiền chữa bệnh nên không ít người phải ngậm ngùi nhìn người thân ra đi trong nỗi đau bệnh tật. Tôi may mắn hơn họ là có một việc làm ổn định. Do vậy, tôi luôn tâm niệm một điều, dù làm được một việc nhỏ, nhưng giúp những người dân nghèo bớt cơ cực và những người mù tìm lại được ánh sáng là cảm thấy nghề thầy thuốc mình đang theo đuổi có ý nghĩa hơn”.

Đã nhiều lần lên Hà Giang và từng đến những bản xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh biên giới này, tôi hiểu rằng, những ai không thật lòng quý trọng tình đồng bào và sẻ chia, đồng cảm với những thiệt thòi, lam lũ, gian khổ của bà con đang bám trụ nơi địa đầu Tổ quốc, thì người đó khó có thể đủ lòng kiên nhẫn để gắn bó với phong trào tình nguyện được bền bỉ như bác sĩ Vũ Mạnh Hà. Điều đó cũng giúp tôi hiểu vì sao, hàng chục nghìn “cư dân mạng” trên mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng khâm phục, quý mến và tín nhiệm bình chọn anh là một trong năm gương mặt tình nguyện viên tiêu biểu của quốc gia năm 2012.

Bài và ảnh: THIỆN VĂN