Thầy Thành ra đi một cách đột ngột ở tuổi 69 khiến những người quen biết cảm nhận sâu sắc về sự mong manh, vô thường, thoáng chốc của đời sống. Nghĩ lại, một người thầy hiền lành, khiêm nhường, nhân hậu và bao dung với mọi người, với cuộc sống, tận tụy hết mình trong công việc, bất chợt rời bỏ cõi thế, đã tuyệt nhiên vắng bóng giữa nhân gian, lòng tôi dâng lên nỗi ngậm ngùi.
 |
PGS, TS Trần Khánh Thành.
|
Thầy Trần Khánh Thành là một chuyên gia về lý luận văn học, văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là khu vực Thơ mới 1932-1945. Những năm tháng sôi nổi nhất của đời mình, thầy vừa dạy học, vừa nghiên cứu, vừa làm cán bộ quản lý ở Khoa Sau đại học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Cho đến hiện tại, khi bạn bè, đồng nghiệp và học trò còn chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của thầy, thầy vẫn đang giữ vị trí Phó trưởng tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương). Nghĩa là, thầy chưa một ngày rời xa công việc! Những vấn đề như bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học, vấn đề địa-văn hóa, đường lối văn nghệ, đời sống nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, khuynh hướng tượng trưng-siêu thực trong thơ hiện đại, văn học mạng-xu hướng sáng tạo và tiếp nhận... hay các tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam như Huy Cận, Tố Hữu, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Lê Đình Kỵ, Hoài Thanh... đều đã được thầy dụng công tìm hiểu, mô tả, lý giải và đánh giá. Di sản học thuật của thầy chắc chắn đã tạo móng nền cho nhiều thế hệ nghiên cứu sau và các lớp học trò tựa vào, bước tiếp.
Khi tôi và TS Vũ Thị Lan Anh (Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) cùng thầy viết chung cuốn chuyên luận “Khuynh hướng tượng trưng và siêu thực trong thơ Việt Nam hiện đại” (Nhà xuất bản ĐHQGHN, năm 2016), ấy là quãng 10 năm trước. Thầy gặp tôi và đưa ra đề nghị cùng thầy tham gia một dự án sách. Tôi đã rất hào hứng, trình bày ý tưởng, vấn đề, tác giả, kéo dài từ giai đoạn Thơ mới đến Thơ đương đại. Thầy chăm chú lắng nghe, lúc gật đầu, khi mỉm cười khích lệ, khi nhẹ nhàng đề xuất góp ý, chỉnh sửa. Ánh mắt bao dung và lời nói nhẹ nhàng, nhất là thái độ ân cần động viên học trò đã khiến chúng tôi lao vào làm việc một cách hăng say. Cái hăng say của tuổi trẻ trước công việc được thầy tin tưởng giao cho, cũng là cái hăng say khi thấy mình lớn lên qua từng trang viết được thầy góp ý, ghi nhận.
Thời gian thầm lặng mà khắc nghiệt. Nó cuốn người ta vào bao lo toan bề bộn. Dẫu vậy, tôi vẫn có nhiều lần được gặp thầy để trao đổi công việc đọc và viết, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật. Khi thì ở Viện Văn học, khi thì ở Hội Nhà văn Việt Nam, khi thì ở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, khi thì ở Đài Truyền hình Việt Nam-bàn về “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, khi thì ở Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam-bàn về hiền tài là nguyên khí quốc gia... Ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, câu chuyện là gì, thầy vẫn luôn dành cho học trò sự ân cần đầy khích lệ. Người ta không thấy mình trở nên nhỏ bé khi bên cạnh thầy. Đúng hơn, người ta thấy mình được lớn hơn lên khi trò chuyện với thầy. Đó là cảm nhận của riêng tôi.
Sự ra đi đột ngột của PGS, TS Trần Khánh Thành là một mất mát của giới khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Điều tôi có thể cảm nhận sau tin buồn ấy không chỉ là sự mất đi của một nhà khoa học có nhiều đóng góp, một nhà quản lý văn hóa, văn nghệ tận tụy, mà sâu xa là sự mất đi của một con người, một nhân cách. Thầy đã sống một cuộc đời điềm đạm, khiêm nhường, lặng lẽ cống hiến. Sự tử tế của thầy không ồn ào nhưng đủ sâu sắc để ai một lần tiếp xúc cũng không thể quên. Thầy lắng nghe nhiều hơn nói, nâng đỡ nhiều hơn phán xét. Trong phê bình, thầy không tìm kiếm sự gay gắt mà hướng đến sự thấu hiểu để có thể chia sẻ, đồng cảm. Với đồng nghiệp, học trò, thầy luôn giữ ở vị thế của người đón nhận một cách bao dung, gần gũi, từ đó tạo niềm tin, khích lệ sự tự tin của người đối diện. Vĩnh biệt thầy Trần Khánh Thành trong niềm thương tiếc bùi ngùi, trong tôi lại ùa về những ký ức ân cần của một cuộc đời lặng lẽ, đầy trí tuệ và nhân văn.
Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.