Khi những sản phẩm sẵn có với mẫu mã phong phú ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống của bà con dân tộc Khơ Mú tại xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nghệ nhân Quàng Văn Hặc cùng một số người cao tuổi vẫn cặm cụi với từng dây mây, nan nứa đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt với hy vọng nghề đan lát truyền thống của dân tộc không bị mai một.

 Nghệ nhân Quàng Văn Hặc (bên trái) và các cụ cao niên tại bản Kéo cùng đan mẹt.

Nghệ nhân Quàng Văn Hặc chia sẻ: “Người Khơ Mú chúng tôi thường đan các sản phẩm phục vụ sinh hoạt và đời sống như: Mẹt, mâm, rổ, giá, gùi... Ngay cả vách nhà này (nhà truyền thống của dân tộc Khơ Mú tại bản Keo) cũng do chúng tôi đan thành. Mỗi sản phẩm lại có kiểu cách đan khác nhau để phù hợp mục đích sử dụng và tạo hình hoa văn. Làm cái này thì chỉ tranh thủ thôi chứ còn phải đi làm nương, làm rẫy. Tranh thủ đan sản phẩm để dùng, rồi để đi bán có thu nhập giúp các cháu học hành. Cho nên chúng tôi cứ cố để giữ cái nghề vì bây giờ các cháu không mấy ai làm”.

Tỉnh Điện Biên là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng dân tộc Khơ Mú, riêng tại Bản Kéo (xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ), toàn bộ dân cư đều là người dân tộc Khơ Mú với khoảng 90 hộ và trên 500 nhân khẩu. Trước kia, nhà nào cũng biết đan lát, từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối nhưng đến thời kỳ hội nhập ngày nay, số hộ còn giữ nghề không nhiều mà đa phần chỉ có thế hệ ông bà vẫn làm nghề. Ông Hặc kể: “Nghề đan lát này có từ xưa, ông bà tổ tiên để lại, là nghề truyền thống của dân tộc. Bố mẹ làm thì chúng tôi xem rồi học mà giữ nghề kẻo mất gốc để rồi sau này tương lai mai sau lại dạy cho con cháu học hỏi mình nữa”.

Nghệ nhân Quàng Văn Hặc - bản Kéo, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. 

Tính đến nay, ông Hặc đã làm nghề được 60 năm. Theo ông, nghề đan lát truyền thống của dân tộc Khơ Mú đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người đan. Không chỉ vậy, kinh nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng, nhất là trong khâu chọn vật liệu.

Nghệ nhân Quàng Văn Hặc cho biết: “Một người nếu làm chuyên nghiệp và làm hết công suất thì ngày được khoảng 5 chiếc mẹt, bao gồm tất cả các công đoạn từ lấy vật liệu trên rừng về đến hoàn thiện sản phẩm. Chúng tôi đan bằng mây, bằng nứa, tre rồi cả giang... Cây giang chúng tôi phải lấy ở xa trong núi cơ, chứ ở vùng đồng bằng không có, lấy về còn phải chẻ, vót, vài công đoạn rồi mới làm được. Mỗi loại vật liệu lại có cách lấy và cách dùng riêng. Phải nhớ thì mới làm ra sản phẩm tốt được”.

 Nhà truyền thống của dân tộc Khơ Mú ở bản Kéo có vách làm từ kỹ thuật đan lát.

Vật liệu chủ yếu được chọn kỹ lưỡng từ cây mây, cây giang, cây tre, cây nứa nhưng không phải cứ lên rừng lấy về thế nào cũng được mà còn phải dựa vào kinh nghiệm để chọn cây đúng thời điểm, đúng sắc độ thì mới có độ dẻo, bền và không bị mọt. Nghệ nhân nhấn mạnh: Cách chẻ và xử lý vật liệu (tre, nứa, giang, mây) cũng khác nhau nên người làm phải hết sức chú ý. Ông cho biết, nghề đan lát của dân tộc Khơ Mú có nhiều kỹ thuật như đan ô vuông, đan nong mốt, đan nong đôi, đan bắt chéo, đan quả trám...

Nghệ nhân Quàng Văn Hặc chia sẻ: “Bây giờ nhiều cháu không làm được đâu! Khả năng mình để lại cái cũ thì các cháu làm tiếp thôi chứ chúng không làm đâu. Tôi cũng cố gắng truyền nghề cho con cháu trong gia đình, họ hàng. Học cái này thì tùy loại, có loại đơn giản như đan mẹt chẳng hạn, còn các loại khác thì khó hơn, đan cái gùi là khó nhất. Thường thì đan đơn giản các cháu học chỉ mất một đôi ngày là làm được”.

Ông Hặc cho biết nghề đan lát yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã vào cuộc, hỗ trợ bà con tại bản Kéo thành lập Câu lạc bộ Đan lát truyền thống nhằm bảo tồn nghề truyền thống và phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú nơi đây. Tuy ban đầu câu lạc bộ chỉ có trên dưới 20 thành viên, phần lớn là các cụ cao niên nhưng dần dần, câu lạc bộ đã thu hút được một số thành viên trẻ tuổi. Cùng với các nghệ nhân khác và các cụ cao tuổi trong bản, ông Hặc vẫn luôn đau đáu giữ nghề và nỗ lực trao truyền cho lớp lớp thế hệ sau với hy vọng nghề truyền thống của dân tộc sẽ được trường tồn cùng thời gian.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 16" xem các tin, bài liên quan.