Giải mã sau 40 năm

Vào dịp giữa xuân năm 2008, sau đợt rét chết cây cổ thụ mùa đông năm 2007 kéo rớt ngay sau xuân, Chi hội nhà văn công an gửi giấy mời tôi đi dự trại sáng tác: “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” tại khu nghỉ mát nổi tiếng Sầm Sơn.

Tôi vui mừng thu xếp công việc vào để đi Sầm Sơn, về Thanh, nghỉ tại nhà khách Hương Thanh. Tình cờ, một lần thơ thẩn đi dạo, tôi gặp lại anh Đào Xuân Biên, nguyên là Bí thư Huyện ủy Quảng Xương, sau đó làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa. Biết tôi đang nuôi ý định viết về xứ Thanh thời kì chiến tranh phá hoại của Mỹ, anh Biên đưa tôi sang gặp Phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, Hoàng Văn Truyền, người gốc Quảng Xương sinh ra đúng thời kì Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Anh Truyền là con của Trưởng ban Phụ nữ huyện Quảng Xương, Nguyễn Thị Lại - một người phụ nữ có nghị lực hiếm có: Chồng ra đánh tàu Mỹ hi sinh, chị lặng lẽ nuôi con. Bao nhiêu năm dai dẳng dù nghe tin anh Duyên bị địch bắt mà vẫn kiên gan chờ đợi…

… Người tiếp tôi trong ngôi nhà tầng nhỏ xinh nhiều bóng cây râm mát là bà mẹ anh Truyền.

Sau những phút trò chuyện ban đầu, tiếp tục câu chuyện, trong sự im lặng của sự hồi tưởng về quá khứ một thời oanh liệt, chị chầm chậm kể lại những hồi ức bi tráng về người chồng thân yêu, về trận đánh tàu khu trục Mỹ, tuần dương hạm Mỹ, cùng hải đội tàu biệt kích Mỹ - ngụy trên vùng Tĩnh Gia, Quảng Xương của những ngư dân xứ Thanh gan góc ấy:

- Khi trận đánh xảy ra, đơn vị anh bảo vệ pháo bờ biển để họ bắn tàu Mỹ chi viện cho tàu của chúng tôi (chị nhấn mạnh chữ chúng tôi). Nhiều năm sau, những người còn sống trở về nói rằng trận đánh bắt đầu từ 8 giờ sáng kéo dài đến tận 3 giờ chiều. Trong bờ không chi viện. Nếu có chi viện thì tàu địch (tàu biệt kích) nhất định bị chìm và họ sẽ chiến thắng trở về!…

Tôi nhìn chị dứt khoát:

- Trận đánh rất ác liệt. Nhiều tàu địch, có cả các loại tàu tuần dương hạm, khu trục hạm của Mỹ rất hiện đại vây thuyền gỗ của ta. Pháo bờ biển đã bắn giãn đội hình tàu địch. Không bắn vào tàu nhỏ, thuyền của ta áp vào vì thuyền của ta nhỏ bị chìm trước.

Mẹ chiến sĩ vá áo chiến sĩ phòng không. Ảnh tư liệu

- Chị ơi, thật là dũng cảm, phi thường, hai chiếc thuyền gỗ chèo tay dám nổ súng vào cả một đoàn tàu, cự nhau với chúng nó. Gần tám tiếng đồng hồ tấn công. Anh hùng lắm chị ạ. Tôi nghĩ phải có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng, tổ chức, vũ khí và con người mới có được một trận đánh kì lạ như vậy!

Anh Truyền đã vào phòng khách, sửa lại ghế ngồi cạnh mẹ. Chị trầm ngâm:

 - Như anh đã biết, vào lúc đó, đế quốc Mỹ đã huy động tổng lực cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tung cả lực lượng biệt kích chuyên nghiệp ra miền Bắc tổ chức đánh phá, phá hoại, gây tâm lí lo ngại cho nhân dân. Những tên biệt kích nguy hiểm này khi xâm nhập các tỉnh duyên hải như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… tổ chức những hoạt động phá hoại, bắt cóc ngư dân, gây tâm lí hoang mang trong xã hội. Bắt cóc ngư dân, nhân dân vùng duyên hải là một phần quan trọng trong kế hoạch chống phá, kế hoạch hậu chiến lâu dài, phá hoại từ hậu phương của Mỹ-ngụy. Ngoài việc gây tâm lí sợ hãi, hoang mang trong xã hội những ngư dân bị bắt giữ còn bị những chuyên gia tâm lí chiến hàng đầu Mỹ-ngụy tại nơi giam giữ ép buộc họ phải lên đài “Gươm thiêng ái quốc” phản động nói xấu chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lung lạc quyết tâm kháng chiến của đồng bào, chiến sĩ ta.

Để thực hiện kế hoạch nguy hiểm này, chúng đã xây dựng một căn cứ biệt kích đồng thời là trung tâm cải huấn ở một hòn đảo vùng Nam Trung Bộ chúng gọi tên là đảo Thiên Đường (sau ngày toàn thắng ta mới xác định được hòn đảo đặt căn cứ biệt kích đó chính là đảo Lí Sơn (hay còn gọi là đảo Cù Lao Chàm) thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Tại đây, chúng đã xây dựng những khu làng giống hệt những làng quê duyên hải Bắc Bộ, sử dụng những nhân viên tình báo, tâm lí chiến đánh lừa họ đây là vùng đất của lực lượng kháng chiến tự do chống lại miền Bắc.

 Chị nói tiếp: 

- Tàu biệt kích là loại nhỏ, tốc độ cao, chạy như phá biển, vây tàu thuyền gỗ và mảng của bà con ngư dân các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa), bắt người, cướp ngư cụ, cướp cá tôm. Nếu ngư dân tỏ ý chống lại chúng bắn chìm thuyền, vỡ mảng. Anh biết đấy, mảng ghép bằng luồng già Thạch Thành đi lộng rất an toàn.

- Ngư dân bị chúng bắt mất nhiều, hầu hết họ đều bị chúng bắt về căn cứ biệt kích đồng thời là trung tâm cải huấn đảo Thiên Đường.

- Trước tình hình phức tạp ấy, có chỉ đạo của trên tỉnh ủy, tỉnh đội Thanh Hóa, huyện ủy Quảng Xương hạ quyết tâm tạo một trận chiến đấu của dân quân, du kích là ngư dân với tàu địch trên biển để giữ dân, giữ biển. Huyện ủy Quảng Xương cử đồng chí Viên Đình Trạc là phó ban tổ chức Huyện ủy và đồng chí Trinh Quốc huyện đội phó trực tiếp chỉ đạo hai con thuyền; về quân sự anh Quốc chỉ huy chung. Nhà tôi là Hoàng Văn Duyên phó bí thư chi đoàn xã, chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá chỉ huy một thuyền xác định phải đổ máu, hi sinh cũng không lùi bước. Lực lượng nòng cốt chọn ở xã tôi.

- Nhà tôi khi trực tiếp chỉ huy tổ chiến đấu hay gọi là thuyền chiến đấu cũng được. Trang bị súng B40, một trung liên RPD Liên Xô, súng trường K44 và CKC, bộc phá loại 5kg có loại 10kg. Nhận ngư cụ mới đem đổi cho bà con lấy lưới cũ, mái chèo cũ, buồm nâu cũ có những miếng vá. Tối tối đội tập dọc bờ, tập hợp đồng bơi thuyền, kể cả bơi chèo tay để tăng tốc. Không được bơi xa cách bờ trên một trăm mét. Nhiều đêm thuyền còn lượn vòng bơi dọc sông Ghép để giữ bí mật. Hai con thuyền chiến một của Thọ Quý, một của Thọ Khang bí mật về bến Bùi.

- Mùa hè năm 1967, máy bay Mỹ cất cánh từng đàn từ hàng không mẫu hạm (tàu chở máy bay) bay cắt qua biển và bờ Quảng Xương, Tĩnh Gia lên miền Tây, ngoặt qua Hòa Bình, qua Hà Tây vào đánh phía Nam Hà Nội. Ba giờ sáng một ngày đầu tháng 7 năm 1967, hai thuyền chiến đấu rời bến. Tôi bế cháu Truyền mới đầy năm ra sân, ngõ tiễn nhà tôi. Không dám đi ra bờ biển sợ nhà tôi bịn rịn.

Bà dừng nói, đón khăn mặt ướt anh Truyền vừa đưa mẹ, lau mặt và lau nước mắt… Giọng bà ngèn nghẹn:

- Con bé Hoàng Thị Lưu, chị cháu Truyền mới bốn tuổi không rời mẹ nửa bước. Tôi nhẩm tính thời gian thuyền đã rời bến, bế con vào nhà nằm xuống giường, áp mặt xuống gối khóc, sợ con nghe tiếng. Thế mà Truyền biết mẹ khóc. Tôi nghiêng mặt nhìn con. Con trai tôi còn bé quá. Nó biết ôm lấy đầu, con chị vỗ vỗ vào lưng dỗ mẹ!…

Truyền xin lỗi tôi, nói rằng mẹ anh dạo này yếu nhiều. Đoạn anh đưa mẹ về phòng. Tôi nghe được tiếng khóc cố nén của bà. Sau đó anh kể cho tôi nghe câu chuyện chiến đấu rồi kể về số phận những con người trên thuyền. Anh đã bỏ nhiều công gặp gỡ nhân chứng, thu thập từ nhiều nguồn, hệ thống lại.

Sau đây tôi viết lại câu chuyện anh kể:

… Thuyền ra ngoài mớn bờ thì trời mờ sáng. Gió Tây thổi mạnh từ bờ đẩy con thuyền trôi khá nhanh về phía Hòn Mê. Anh em vừa thả lưới xong phát hiện tàu biệt kích, năm chiếc dàn đội hình tiến lại. Anh Quốc chỉ huy chung hai thuyền ra lệnh:

- Tăng tốc. Nhằm đuôi tàu gần nhất.

Các tay chèo quay mạnh. Các mái chèo tay cũng thi nhau quạt nước, như bơi chải trong một hội đua thuyền nào đấy. Mấy chiếc tàu biệt kích đang chạy vòng chậm, xua thuyền mảng của ta vào chòm biển ngoài xa tầm súng của đảo Hòn Mê. Anh Viên Đình Trạc, Phó ban Tổ chức, phụ trách chính trị Huyện ủy bắc tay gọi loa:

- Truyền sang các thuyền khác. Bà con vô bờ nhanh!

Chiếc thuyến chiến đi theo đường đan chéo giữa thuyền mảng của bà con. Khi đã bứt ra khỏi mấy chiếc thuyền gỗ đã quay về phía bờ, nó tăng tốc độ bơi, hướng thẳng vào chiếc tàu gần nhất. Bọn địch nhận ra con thuyền có đường đi lạ, quả quyết lao về phía chúng. Các vũ khí nhẹ chĩa về thuyền ta thì khẩu trung liên RPD bất ngờ nổ súng. Đường đạn quạt ràn rạt, chíu chéo trên boong. Đến cự li gần hơn anh Quốc hô:

- Tung bộc phá.

Mấy quầng lửa chói lòa. Quả đạn B40 phụt ra kéo theo cái đuôi lửa màu da cam, đạn khoan vào đuôi tàu, phía bánh lái. Lửa bùng lên, tàu khựng lại. Con tàu trúng bộc phá bùng lên mấy đám lửa lớn lắc lư như sắp chìm. Con thuyền gỗ áp vào mạn phía đuôi tàu, áp sát như có sợi dây siết con thuyền gỗ vào tàu địch. Súng lớn không thể sử dụng được nữa. Một cuộc đấu súng bộ binh. Tiếng la hét của bọn ngụy trong tàu vọng ra. Đạn AK của ta bắn lên đài chỉ huy, mấy bóng địch ngã lộn xuống. Đạn súng cạc-bin từ đâu đó bắn về phía hai con tàu chở tụi biệt kích. Bọn ngụy tung lựu đạn. Đại bác tầm xa của lực lượng phòng thủ bờ biển trong bờ bắn ra bốn quả một, rồi tám quả, mười hai quả. Toàn tiểu đoàn pháo vào trận chặn đứng mấy chiếc tàu Mỹ khổng lồ nhằm con tàu bị thương hướng tới.

Một chiếc AD6 từ phía bờ vòng ra sà xuống thấp, bay sát chiếc tàu biệt kích. Anh em nghe rõ cả tiếng thằng giặc lái Mỹ nhắc đi nhắc lại câu gì đó (hình như là đã nhìn thấy cái thuyền của ta). Hai chiếc máy bay trực thăng độ cao thấp bay tới, treo trên chiếc tàu không còn khả năng di chuyển thả thêm biệt kích. Đồng chí Quốc ra lệnh:

- Trung liên bắn máy bay trực thăng.

Khẩu RPD rung lên mấy loạt ngắn, chiếc trực thăng bốc lên cao, lùi ra xới đạn hai mươi li vào con thuyền. Anh Quốc hi sinh, anh Viên Đình Trạc hi sinh, Hoàng Văn Duyên bị thương nặng, thương tích đầy người

Đã có 5 đồng chí trên 2 thuyền hi sinh, bị thương. Các tàu biệt kích ngụy chia hai tốp, ở hai phía chiếc tàu bị thương không cho con thuyền ta có thể rút vào bờ. Cho dù có rút thì với đường xa bờ như vậy chỉ trong chớp mắt con thuyền gỗ tan tành vì pháo địch, vì rốc-két, đạn hai mươi li từ máy bay bắn xuống.

Tất cả anh em vừa áp sát, di chuyển vòng quanh chiếc tàu địch, vừa trông chờ vào sự chi viện của đất liền. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, không cân sức kéo dài từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Anh em trên tàu đói lả, kiệt sức, hết đạn, 6 người trên đó đều bị thương. Hai chiếc AD6 rời bờ biển xoáy quanh chiếc tàu. Hai chiếc trực thăng thả thang dây, cho bọn lính tăng viện nhảy xuống boong tàu. Một chiếc tàu liều mạng áp vào phía mũi nối cáp kéo chiếc tàu ra xa con thuyền anh hùng. Tất cả các loại hỏa lực, các cỡ súng trên tàu, trên máy bay cánh quạt AD6, máy bay trực thăng xối xả bắn vào con thuyền nhỏ đầy thương tích, trơ trọi trên biển mênh mông. Chúng bu lại như bầy sói đói mồi.

Hoàng Văn Truyền lặng im cố nén xúc động nhìn tôi:

- Sau hiệp định Pa-ri năm 1973, một số người còn sống địch trao trả, trong đó có cụ Hoàng Văn Xuân, chú ruột bố em kể lại em được biết bố em bị thương nặng vẫn còn sống. Chúng bảo chết rồi 2 thằng khiêng ném xuống biển. Cụ Lộc nói:

- Hai thuyền 11 người, hi sinh sáu. Hai ông trên huyện đi cùng cũng hi sinh. Còn 5 người. Một người nhảy xuống biển quấn buồm quanh người lừa địch trôi vào Tĩnh Gia, cứu được. Một chiếc tàu biệt kích chìm. Xác ngụy trôi vào bờ Tĩnh Gia. Gia đình ông Nguyễn Bá Lịch đưa nhầm một tử thi ngụy về an táng. Năm 1973, ông Lịch được trao trả mới biết là bị nhầm. Trên thuyền, 11 người đều là đảng viên (có hai người là dự bị). Ông Lịch chưa là đảng viên, đi thay ông Nguyễn Văn Câu, hiện vẫn chưa được hưởng chính sách gì.

Vợ anh Truyền, chị Nguyễn Thị Thanh ngồi bên nắm một tay chồng nói nhỏ:

- Chị Hoàng Thị Lưu, chị cả của chúng em cũng mới mất vì bệnh ung thư máu. Giờ chỉ còn mẹ em, chúng em và các cháu. Hai cháu gái nhà chị Lưu đang học đại học. Hai cháu trai nhà em một đứa học lớp mười hai, một đứa học lớp sáu. Nhà em bây giờ thay bố em gánh vác cả gia đình.

Tôi đứng dậy nắm tay Truyền: 
-
         Gánh vác và cũng là phát huy truyền thống gia đình đấy phải không đồng chí Phó chủ tịch trẻ. 

Bút kí lịch sử của  Đại tá, nhà văn ĐÀO THẮNG
Về xứ Thanh (kỳ 5)

Kì VII: Đôi điều nghĩ ngợi