Bấp bênh, mịt mờ như làn khói

Văn Đức một sớm đầu tháng 7, con đường vào xóm chài bì bõm nước, dày đặc ổ trâu, ổ gà. Hai mép đường, những thân lau, cỏ voi...cao quá đầu oặt ẹo mỗi khi gió thổi. Chòng chành dọc mép sông là hàng chục “nóc nhà” được quây tôn tạm bợ, đã bạc màu thời gian.

Con đường dọc theo xóm chài Văn Đức bì bõm nước, dày đặc ổ trâu, ổ gà.
Một góc xóm chài Văn Đức.

Thấy người lạ, đám trẻ trong nhà ông Nguyễn Văn Vân (55 tuổi) dáo dác nhìn trước, ngó sau, tỏ ra ngạc nhiên rồi hét lớn: “Chụp ảnh kìa, chụp ảnh kìa...”. Thế là con bé Nguyễn Trâm Anh (5 tuổi, cháu nội ông Vân), mắt sáng lên chạy tới nũng nịu mẹ đòi chụp ảnh.

Mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà tuềnh toàng, trống huếch rộng chừng 10m2, có chiếc ti-vi đít lồi và cặp loa là tài sản quý giá nhất. Ông Vân bảo các con trải chiếu, lấy nước mời khách và bắt đầu câu chuyện: “Hôm nay gia đình có việc, nên tôi gọi các con, các cháu tới. Chứ ngày thường, ở đây chỉ có 2 lão già thôi”.

Đường vào nhà ông Nguyễn Văn Vân.

Với chiếc điếu cày ở góc nhà, ông “bắn” một “bi” rồi kể về cuộc sống bấp bênh, mịt mờ như làn khói của dân chài Văn Đức: Sông nước bốn bề, nhưng cái thiếu nhất của dân vạn chài lại chính là nước sạch. Mấy năm trước, chúng tôi sử dụng 100% nước sông để sinh hoạt, nhưng giờ nước ô nhiễm quá, phải mua nước bình để ăn. Còn tắm rửa, giặt giũ thì dùng nước sông được khử bằng phèn chua. Mỗi tháng, tiền mua phèn, nước sạch cũng tốn 400-500 nghìn đồng.

Bé Nguyễn Trâm Anh đòi chụp ảnh.

Tiếp lời ông Vân, chị Lê Thị Nhanh (31 tuổi, mẹ bé Nguyễn Trâm Anh) bảo ở đây chỉ sướng hơn miền núi là không phải đi nương, trèo núi. Nhưng ngược lại, hằng ngày người dân phải chòng chành trên sông, sống phụ thuộc hoàn toàn vào con tôm, con cá. Ngày nào may mắn thì kiếm được vài ba trăm, không may mắn thì bù lỗ tiền dầu. Ấy thế mà trời vẫn chưa cam. Năm ngoái, chồng chị Nhanh khi đi chài lưới chẳng may trúng gió không qua khỏi, bỏ lại chị và 3 đứa con thơ, đứa lớn nhất vừa học hết lớp 6, đứa thứ 2 học hết lớp 2, đứa còn lại là con bé Nguyễn Trâm Anh. Nói tới đây, giọng chị nghẹn lại: Giờ muốn đi kiếm mớ tôm, mớ cá phải nhờ ông bà trông các cháu giúp. Để chúng ở nhà không yên tâm. Sảy chân một cái là ngã xuống sông. Con bé Trâm Anh đã mấy lần ngã, nhưng phúc thay đều có người phát hiện.

Bà Nguyễn Thị Thi, vợ ông Nguyễn Văn Vân giặt giũ bằng nước sông...

Rời nhà ông Nguyễn Văn Vân, chúng tôi lội nước gần 500m tới cuối xóm tìm gặp ông Nguyễn Văn Hiền, Phó trưởng bến thuyền Văn Đức. Trong nhà, một người đàn ông tuổi ngoài 40, đang ngồi tựa vào cửa, khuôn mặt ủ rũ, hướng ánh mắt xa xăm về phía trung tâm thành phố. Hỏi ra được biết, đó là ông Nguyễn Văn Hải (45 tuổi), cháu ông Hiền. Vừa qua, ông Hải và một cậu em vay mượn được hơn chục triệu để thả cá. Được mấy hôm, cá chết sạch. Giờ lồng cá của ông Hải và cậu em bỏ chỏng chơ với khoản nợ chưa biết bao giờ trả được. “Muốn vay tiền để thả cá nhưng không có đất thế chấp, ngân hàng không cho vay nên chẳng biết làm thế nào chú à”, ông Hải than thở và chấp nhận số phận như định mệnh đã an bài.

Mặc dù đã có cầu phao, nhưng để vào nhà ông Nguyễn Văn Hiền, chúng tôi vẫn phải dùng đò.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết: Vạn chài Văn Đức có hơn 80 hộ, với 285 nhân khẩu. Một số lấy vợ, lấy chồng trên bờ. Một số sau nhiều năm góp nhặt, đã mua được miếng đất "cắm dùi". Hiện xóm chài còn 31 hộ không có đất, sống lênh đênh trên phà. Kinh tế của toàn bộ những hộ dân xóm chài (bao gồm một số hộ đã chuyển lên bờ) phụ thuộc chủ yếu vào bến đò và con tôm, con cá trên sông. Trước kia chở đò còn được, chứ giờ cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, bến đò chỉ phục vụ bà con trong thôn.

“Đời sống của dân vạn chài vất vả lắm chú à. Nhiều khi đang ăn cơm phải nhảy xuống sông để chằng, buộc tài sản. Có những cơn dông đột xuất, không kịp trở tay, thuyền đắm rất nhiều. Khoảng 3 năm trước, dông còn quật đổ cả nhà bà Hồ Thị Vinh”, ông Hiền than thở.

Mơ về nơi xa lắm...

Nhiều thập niên qua, dân chài Văn Đức vẫn chỉ mơ có một mảnh đất "cắm dùi". Họ bảo, có đất rồi sẽ không còn phải tránh trú mỗi khi bão về; có đất rồi, sẽ không phải thuê lối đi; có đất rồi, những đứa trẻ sẽ không còn lo ngã nước, không còn phải lênh đênh trên thuyền, nay đây mai đó với bố mẹ chúng, và lẽ đó, những đứa trẻ cũng sẽ được ăn học đàng hoàng hơn...

Bao năm qua, không ít dân chài Văn Đức phải thuê lối đi từ đường xuống nhà ở dưới sông, bởi phần đất bãi từ đường xuống sông thuộc quyền sử dụng của người khác. Đi qua đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoa màu. Trường hợp của ông Phó trưởng bến Nguyễn Văn Hiền là một ví dụ. Ông Hiền cho biết: “Dân chài Văn Đức thiệt thòi lắm. Đóng góp các khoản như dân trong thôn. Nhưng trong thôn thì đường sá khang trang, còn ngoài này nắng thì bụi, mưa thì lầy. Đa phần các hộ còn phải đi thuê lối đi. Như nhà tôi, phải thuê lối đi một năm khoảng 1 triệu đồng”.

Bao năm qua, mỗi khi có bão, người già, phụ nữ, trẻ nhỏ lại kéo nhau vào hội trường xã để tránh trú. Ở xóm chài, chỉ còn số ít thanh niên ở lại để trông nom, bảo vệ tài sản.

Ông Nguyễn Văn Hải khuôn mặt ủ rũ, mắt xa xăm nhìn về phía thành phố. 

Bao năm qua, ở vạn chài Văn Đức, vẫn chỉ có duy nhất một trường hợp đỗ đại học là ông Trử Văn Thanh, vào khoảng năm 1985. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, dân trí ở đây rất thấp. Người lớn tuổi có tới vài chục là không biết chữ. Còn lớp trẻ, đa số chỉ học hết cấp 2, số em học hết cấp 3 thuộc vào hàng hiếm.

“Từ những năm 1980, tại các hội nghị, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất được cấp đất, mỗi người chỉ vài chục mét vuông cũng được. Vậy nhưng, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, thứ chúng tôi nhận được vẫn chỉ là... lời hứa”, ông Nguyễn Văn Hiền nói.

Bài, ảnh: HOÀNG HẢI