Tây Nguyên xanh

Năm 1968, trung đoàn “hai linh chín” (209) vào Tây Nguyên, xuất quân từ Hòa Bình đúng ngày Chiến thắng Đống Đa mồng 5 Tết. Anh em người Hà Nội da diết nhớ Thủ đô, nhớ mẹ. Lần hành quân này “hai linh chín” được đi bằng ô tô, thuận lợi hơn hai trung đoàn 141 và 165. Hai trung đoàn này vào từ trước, gần 5 tháng đi bộ vượt Trường Sơn. Nhưng qua sông Sa Thầy rồi “hai linh chín” cũng lại hành quân bộ. Ngày nghỉ, đêm đi. Dốc ngược! Từng người nối nhau, níu dây song nhích từng mét “thượng sơn”.

Đại đội trinh sát đi đầu, chân mỏi, miệng khô, phía trước núi cao ngất trời, rừng xanh dây leo, cây đổ. Nguyễn Xuân Tứ, người gốc Gia Lâm Hà Nội bảo, đọc truyện “Rừng thẳm tuyết dày” của Tàu, hình dung rừng ghê gớm lắm. Bây giờ mới thấy “núi cao dốc đứng”, người sau “đội đít” người trước, sảy chân là nhào xuống…hiểm trở hơn truyện nhiều. Sao mà lắm núi, nhiều rừng thế! Rồi núi cũng thua con người, cao nguyên Kon Tum cũng cao đến thế là cùng. Lên cao thoáng gió, nhưng rừng vẫn che tầm mắt, tiếng máy bay ì ầm. Địch đã sát gần.

Trinh sát pháo Hồ Đại Đồng gặp lai chỉ huy xưa (tướng Lê Hữu Đức).  Ảnh sưu tầm

Trải qua hai mùa chiến dịch (1965 - 1966, 1966 - 1967), quân Mỹ với tư tưởng chiến lược “tìm diệt” rất hung hăng, dùng bom đạn hủy diệt và lực lượng cơ động nhanh của máy bay lên thẳng ào ạt đổ sau lưng đối phương để thực hiện chiến thuật "cất vó”. Lực lượng ta ở Tây Nguyên đã giáng cho quân Mỹ những đòn rất đau, như chiến dịch "Đắc Tô 1”. Trung tướng tư lệnh sư đoàn bộ binh 4 Mỹ đã phải rên rỉ: "… Sau này sẽ không cho sư đoàn mình đánh sâu vào hậu phương của đối phương như thế nữa”. Cũng có nghĩa rằng, quân Mỹ tới thời điểm này đang gặp bế tắc cả chiến thuật lẫn chiến lược.

Trung đoàn 209 là lực lượng chủ lực, được cấp toàn mũ sắt, lần đầu tiên được trang bị súng B41, súng phun lửa của Liên Xô, mang đủ mặt nạ phòng độc, tuyển chọn toàn anh em sức khỏe loại A1, A2. Riêng tiểu đoàn 7 phần đông là anh em người Hà Nội. Giờ đây họ đã có mặt tại chiến trường nóng bỏng này. Người chỉ huy nào nhìn thấy lính “đẹp” thế đều trầm trồ ước ao, có được binh lực như quân 209.

Điều nghiên cứ điểm Cà Leng

Cà Leng là căn cứ huấn luyện biệt kích, thám báo Mỹ-ngụy. Căn cứ có sân bay, ở trên bình độ khá cao. Cấp trên gọi là mục tiêu M1, nay thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Chuẩn bị ba ngày cơm nắm, cá khô, hai ngày gạo rang trộn đường và muối, trung đội trinh sát được lệnh lên đường điều nghiên cứ điểm Cà Leng. Lại dốc đứng, rừng già, nắng chang chang, may gặp cơn mưa bất chợt chạy ngang khe núi, ướt mà mát rượi. Mục tiêu đã hiện ra trong tầm mắt, vậy mà phải 4 tiếng sau mới vào gần, anh em nghỉ chờ đêm xuống.

Căn cứ Cà Leng ba bề dốc đứng, phía sân bay phẳng hơn. Đêm thứ hai, trung đội phó cùng anh em vào sát hàng rào, lợi dụng pháo sáng vẽ sơ sài các hỏa điểm, nhà lính. Lại một đêm nữa, mất nhiều thời gian chờ lính thay gác. Chờ mãi chúng không thay? Hóa ra “bọn lính” đó là hình nộm. Mỹ cũng “ranh” thế! Trinh sát phát hiện ra kho tàng, hỏa điểm, dãy nhà chỉ huy, vẽ chi tiết hơn rồi rút an toàn.

Ít ngày sau, trinh sát lại đưa đoàn cán bộ trở lại Cà Leng nắm địch. Trung đoàn trưởng Trần Huy Toàn cùng cán bộ sư đoàn được anh em dẫn vào sát căn cứ để nhìn tận mắt. Sau này mới biết Trung tướng Lê Hữu Đức, lúc đó là Trung tá, Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 1 cũng có mặt trong tốp này, theo trinh sát, trực tiếp vào tận nơi nắm địch để chuẩn bị đánh Cà Leng.

Đoàn trinh sát vào Cà Leng đêm thứ ba thì bị lộ, có lẽ do đêm trước để lại nhiều dấu lạ và ai đó sơ ý làm rơi vật dụng gì chăng? Lính trong trại biệt kích hò hét: “Đ. má mấy thằng Bắc Kỳ” rồi bắn cối 81 ra các hướng như mưa. Máy bay cũng tới bắn loạn xạ. Thế rồi B52, máy bay chiến thuật thay nhau quần lộn, xới tung cả một vùng sơn địa, tưởng như hỏa lực ấy có thể làm tan nát cả sư đoàn.

Sau này trinh sát kể lại, chính đồng chí Toàn đã đánh rơi gần căn cứ một cây bút Trường Sơn và bao thuốc lá Điện Biên. Chắc địch tuần tra phát hiện ra. Cùng với kết quả trinh sát kỹ thuật của Mỹ, hệ lụy từ bao thuốc và cây bút cũng không nhỏ. Nó minh chứng rằng, bộ đội chính quy miền Bắc có mặt ở đây. May mà chuyến đó, anh em trinh sát đưa đoàn cấp trên rút nhanh, nếu không tổn thất nặng.

Lộ Cà Leng, địch phán đoán có quân chính quy tới gần, lập tức ngay sau đó chúng bung ra xung quanh Cà Leng 4 cao điểm mới, chặn đường ta. Địch cảnh giác giăng mọi biện pháp trinh sát nắm ta. Trên các cao điểm, chúng có pháo binh chi viện cho nhau và ứng phó khi Cà Leng bị vây hãm. Trinh sát nắm được, đó là cao điểm Chư-tăng-Kra, Chư Pen, Chư Đô… ta gọi dãy Chư-tăng-Kra là M2. Có tài liệu xác định mỏm cao nhất 1198m. Dãy phòng ngự này án ngữ đường 14 và thị xã Kon Tum cách đó hơn 30km về phía đông.

Đêm cao nguyên bí ẩn và hoang dã, càng bí ẩn hoang dã thêm, khi nhìn về phía Kon Tum, ánh đèn vàng vọt, chập chờn, cùng hỏa châu chốc chốc lại phọt lên sáng trắng. Nhìn tàn lửa pháo sáng bay như tua rua, trinh sát biết được hướng gió. Đêm cao nguyên giấu trong im lặng nhiều bất ổn.   

Quân Mỹ giàu, hậu cần mạnh. Để lập cứ điểm, chúng lập tức cho ném bom phát quang, đốt cháy, “làm sạch” các cao điểm lân cận. Tại M2, M3… trực thăng Chi-núc cẩu máy ủi xuống đỉnh cao, công binh Hoa Kỳ san phẳng, lấy mặt bằng, sau đó cưa gỗ, chở kẽm gai, bao cát, nhà bạt và quân cụ tới. Mọi sinh hoạt của chúng đều do trực thăng mang lại, từ đạn dược, đồ ăn, cả tắm giặt, thay quân…Chỉ khoảng hai ngày hoàn thành một cứ điểm.

Bộ đội “hai linh chín” hành quân hàng dọc, như con rắn vắt qua các yên ngựa, sườn đồi. Địch sử dụng trinh sát kỹ thuật và phán đoán hướng hành quân. Thấy động gần, hàng trăm lượt trực thăng đổ các đại đội Mỹ xuống đỉnh 995, ngay trên đầu đội hình của tiểu đoàn 7. Quân Mỹ nhanh chóng củng cố trận địa rồi thúc quân sang các đỉnh xung quanh thám sát. Quân ta né xuống các vạt rừng. Từ ngày 20 đến 22-3, hai bên đụng nhau, đều có thương vong nhỏ. Từ bên này, pháo thủ cối Nguyễn Văn Vĩnh thuộc đại đội hỏa lực 5, tiểu đoàn 7 nhìn sang 995 thấy rõ, nào Mỹ đen, Mỹ trắng, nhà bạt giăng dãy bên các ụ súng, bao cát chồng lấp dày dặn.

Trinh sát 209 đoán chẳng sai, một ngày trời mưa, trung đoàn trưởng Toàn giao nhiệm vụ đi điều nghiên M2 - Chư-tăng-Kra. 5 trinh sát, bảy ngày ăn, mũ sắt chỉnh lại quai da, tiếp tục vượt dốc cắt rừng. Càng tới gần, mũ sắt chạm cây rừng leng keng, dễ lộ, đành bỏ lại.

M2 ở trên cao, cây chắn tầm nhìn, tìm mãi mới được khoảng trống hiếm hoi, anh em leo lên cây, bò ra cành ngoài ngửa người bắc ống nhòm quan sát. Chiều, nghỉ lấy sức, đêm bò vào gần. Nhưng ác thay, không bò lên được, đất đá mới ủi tràn ra, bám cây leo lên bị đất xối xuống ào ào, đá lăn văng mảnh, trơn tuột. Chịu!

Hai ngày sau, tìm cách sang hướng khác, vào dễ hơn, trinh sát bôi đất đỏ người, lẫn vào màu đất, nghe rõ tiếng địch ho, thấy địch ném bơ lon loảng xoảng. Nhiều giờ công phu quan sát, ước lượng, thấy rõ hai súng đại liên, pháo, kho đạn. Tất cả thu trong bản vẽ…

Chư-tăng-Kra, đó là dãy núi hình vòng cung ôm một phần thung lũng Cà Leng. Núi có 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao nhất. Từ trên sườn đông, Chư-tăng-Kra có thể quan sát được sân bay và chi khu quân sự Cà Leng phía dưới.

Trung đội phó Nhiên nổi tiếng là gan, anh mò vào nơi địch bỏ túi rác, có cả thịt hộp, sữa, bánh, gùi ra cho anh em. Nhưng các anh không dám ở lại, rút thật xa mới dám ăn “liên hoan”. Bữa ăn ngon trong những ngày gian nan sao quên được! Hai người được phân công ở lại, trèo cây, tiếp tục nắm quy luật hoạt động của địch về sau. Nhưng không ngờ, địch tăng cường thêm quân, lại có cả công sự bê tông đúc sẵn cẩu.

Tiếng kèn đồng xung trận Chư-tăng-Kra

Trung đoàn trưởng Toàn phân tích cho các đơn vị, yếu điểm của M2 - Chư-tăng-Kra là công sự còn sơ sài, hàng rào không sâu, địch lại mới đặt chân tới, nên phải tiến công nhanh. Càng đánh sớm, càng bớt xương máu. Trên cho phép 3 đại đội của tiểu đoàn 7 mật tập, đánh công kiên vào Chư-tăng-Kra. Gọi là 3 đại đội , nhưng đại đội 3 của Nguyễn Xuân Tứ chỉ có trung đội 9 tham gia, quân chỉ có thế. Tuy nhiên, còn có sự tham gia của tiểu đoàn 9 phối thuộc một đại đội nữa.

Di ảnh của Liệt sĩ Tạ Ngọc Giao, tiểu đoàn 7, nhà ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội khi tròn 20 tuổi. Ảnh tư liệu

Tiểu đoàn trưởng Trương Ân nghiên cứu rất kỹ sa bàn do trinh sát đắp, hỏi trinh sát tỉ mỉ từng hướng vào, ụ súng. Lính của ông phần đông là thanh niên Hà Nội, được lựa chọn. Ông tin ở họ từ những ngày huấn luyện mang vác đường dài, anh em giữ kỷ luật nghiêm, hành quân lên xe, xuống xe và cả những ngày “thượng sơn” leo ngược dốc lên đây…

Xin trích những ghi chép của đồng nghiệp ở TTXVN và hồi ức của Hồ Đại Đồng, là trinh sát pháo thuộc tiểu đoàn 7, về trận đánh Chư-tăng-Kra:

Khoảng 2 giờ sáng ngày 26-3-1968, một phát pháo hiệu bay vụt lên bầu trời đêm. Đúng như kịch bản hiệp đồng các hướng mũi, lập tức mìn phá rào DH10 dựng chếch đã thi nhau nổ, thổi tung hàng rào dây thép gai. Cửa đã mở! Trận đánh theo 3 hướng. Hướng chính đánh từ yên ngựa sang, rồi mũi đặc công, mũi súng phun lửa… Tiếng kèn đồng lanh lảnh cất lên, thúc quân xung phong. Đồng loạt những tiếng thét xung phong vang lên bốn phía. Tiếng cối 60, cối 82 thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé vải, tiếng lựu đạn, rồi tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt hầm ngầm thi nhau nổ. B41 “bắt” trượt lô cốt phụt thẳng lên trời, súng phun lửa tạo nên các quầng sáng chói mắt chạy loằng ngoằng trong công sự. Xung phong, lớp nọ đến lớp kia. Đại đội 1 chỉ sau 10 phút đã tiêu diệt tuyến phòng ngự của bộ binh địch, phát triển vào trung tâm trận địa pháo, nhét lựu đạn, thủ pháo vào từng nòng pháo. Bọn pháo thủ chạy tán loạn. Đại đội 2 đánh vượt qua 3 tuyến chiến hào, công sự địch, bị chặn lại trước đỉnh 995. Pháo địch từ Cà Leng bắn đến dồn dập quanh đỉnh núi. Sau 20 phút, ta làm chủ gần như hoàn toàn căn cứ Mỹ. C130 bay tới thả đèn dù sáng trưng, bắn xuống như vãi đạn. Căn cứ M2 dài hơn 500 mét ngổn ngang xác Mỹ. Những tên lính còn lại co cụm lên mỏm cao, nơi chúng đặt chỉ huy sở.

Các chiến sĩ Nguyễn Đình Khanh, Lê Đình Thanh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Xuân Tứ, Lại Anh Vĩnh, thuộc tiểu đoàn 7, người Hà Nội còn sống trở về kể, các anh gặp lại các cán bộ, chiến sĩ tại trạm phẫu, tại tiểu đoàn bộ đều đánh giá: Thật đáng tiếc! trước đó yếu tố bất ngờ ban đầu đánh vào Chư-tăng- Kra không còn, bởi sự hiệp đồng của một đại đội thuộc tiểu đoàn 9 trong trận này không ăn khớp. Lý do là địa hình hiểm trở, các anh không hợp điểm đúng giờ G. Do đó, mũi đặc công đã vào trong chờ mãi không thấy, còn cử người ra báo cáo. Sau do bối rối, bộ đội tiểu đoàn 9 phối thuộc đã vấp mìn pháo sáng, khiến địch phản ứng bắn loạn xạ. Pháo ứng cứu từ các trận địa xung quanh giội tới. Cho dù sức tiến công của ta ban đầu rất mãnh liệt. Nhưng… sau đó: “Súng phun lửa, B41, B40 của ta đều hết đạn, địch bắn đạn khói màu phân tuyến khu vực chúng đang cố thủ. Bắt đầu từ đây, đạn đại liên, đạn 20mm từ chiếc C130, pháo từ các trận địa của địch từ Cà Leng, đạn các loại từ ụ súng và lô cốt mẹ bắn ác liệt vào các hướng tiến quân của ta, như dựng lên một hàng rào lửa...". Đoàn Nhiên, trung đội phó trinh sát có mặt từ đài quan sát kể lại: Thằng C130 thật lợi hại, nó bay vòng quanh, xác định được bán kính sát thương, vãi đạn như vòi rồng, kêu ồ ồ, quần nhiều vòng, quyết chặn quân ta. Đạn nổ đinh tai nhiều giờ liền…

Trần Danh Bảng