Sáng 15-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Kỳ họp thứ chín, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với việc nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. |
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, dự thảo luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh. Quy định như vậy để tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn liền với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Chính phủ đề nghị quy định điều khoản chuyển tiếp cho phép trưởng công an cấp xã mới có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện; chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mới có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kể từ khi luật này được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
 |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình của Chính phủ, đề nghị tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho trưởng công an cấp xã mới.
|
Theo giải thích của Chính phủ, theo quy định hiện hành, người giữ các chức danh này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trực tiếp, có thể phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính ở cơ sở, có mức phạt tiền rất thấp.
Cụ thể, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hiện nay chỉ có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng, trưởng công an cấp xã hiện nay chỉ có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 2.500.000 đồng. Người giữ các chức danh này cũng không được áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
 |
Quang cảnh phiên họp. |
Trong khi đó, từ ngày 1-7-2025 sẽ thực hiện thống nhất chính quyền địa phương 2 cấp. Việc trao thẩm quyền cao hơn cho lực lượng ở cấp xã mới là giải pháp cần thiết, phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp, khi các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chưa kịp sửa đổi, bổ sung theo quy định của dự thảo luật.
Các quy định nêu trên cũng thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, đặc biệt là trong xử lý vi phạm hành chính, từ đó trao quyền và gắn với trách nhiệm cho chính quyền, lực lượng chức năng ở cấp cơ sở thường xuyên phát hiện, tiếp xúc, xử lý các hành vi vi phạm phát sinh trên địa bàn.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.